Giám sát - Phản biện

Nhức nhối khai thác tài nguyên ở huyện Đức Linh (Bình Thuận):Bài 2: Tiền từ đất, cát khai thác trái phép vào túi ai?

Nhóm phóng viên 06/06/2024 15:46

Trong bài viết trước, Báo Đại Đoàn kết đã chỉ ra hoạt động khai thác đất, cát tại nhiều xã, thị trấn thuộc huyện Đức Linh. Số lượng lớn đất, cát đã bị khai thác được những chiếc xe ben 3 chân, 4 chân, xe đầu kéo vận chuyển liên huyện, liên tỉnh tới các bãi tập kết có đề tên bảng hiệu của cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD), các nhà máy sản xuất gạch, san lấp cho nhà dân, hay các điểm tập kết ở huyện Xuân Lộc, Định Quán, Thống Nhất, Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Từ đây, đất, cát khai thác trái phép sẽ được tiêu thụ.

Tiền từ đất, cát lậu vào túi ai?

Sau nhiều tháng, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết theo dõi, ghi nhận được số lượng lớn khối đất, cát được khai thác trái phép ở huyện Đức Linh được đưa đi tiêu thụ liên huyện, liên tỉnh.

Câu hỏi đặt ra là, có hay không một đường dây khai thác đất, cát trái phép hoạt động, trong khi nhà nước thất thu, người dân gánh chịu hệ luỵ về tài nguyên, môi trường?

Đường đi của đất, cát khai thác trái phép. Thực hiện: Nguyên Vũ.

Quá trình điều tra, phóng viên bám theo chiếc xe ben biển số 86H-010.. chở đất từ khu vực gần đê bao sông La Ngà, xã Đức Tín (được cho là do ông N.P tổ chức khai thác), sau đó vận chuyển đất trái phép đổ cho một người dân ở ấp 2, xã Gia Canh, huyện Định Quán.

Khi chúng tôi tiếp cận hỏi về giá bán đất, ông N.P cho biết: “Hai triệu mốt 1 xe, 17 khối, bao đo, dưới 17 khối trả tiền lại”.

Chiếc xe ben biển số 86H-010.53 chở đất từ khu vực khai thác trái phép của ông Nguyễn Phận ở xã Đức Tín, sau đó vận chuyển đất trái phép đổ cho một người dân ở ấp 2, xã Gia Canh, huyện Định Quán. Ảnh PV Nguyên Vũ chụp ngày 1/4/2024.
Chiếc xe ben biển số 86H-010.. chở đất từ khu vực khai thác của ông N.P ở xã Đức Tín, sau đó vận chuyển đất đổ cho một người dân ở ấp 2, xã Gia Canh, huyện Định Quán. Ảnh chụp ngày 1/4/2024.

Cũng trong quá trình đeo bám theo xe chở cát lậu, phóng viên phát hiện được một điểm tập kết ở khu phố Hiệp Tâm 2, thị trấn Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Tại điểm tập kết này, một người xưng là chủ có tên là T. cho biết: Cát được chở từ huyện Đức Linh về đây, ở phạm vi thị trấn Định Quán, T. bán với giá 346.000 ngàn/m3 là giao đủ, không thiếu. Còn xuất hoá đơn giá trị gia tăng (VAT) thì tuỳ theo nguồn gốc của cát, ví dụ, cát ở Bình Thuận thì sẽ cộng thêm 40.000 đồng tiền thuế VAT.

Ông T. cũng cho biết thêm sau khi tập kết cát về bãi sẽ bán cho các cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) với giá 390.000 đồng/m3 cát bao gồm thuế VAT. Còn người dân hay các chủ công trình liên hệ thì ông T bán với giá 390.000 đồng/m3 cát bao gồm tiền thuế VAT. Ông T cũng khẳng định “khối lượng cát muốn bao nhiều cũng có”.

Ngoài ra, phóng viên phát hiện đất bị khai thác tại thôn 1, xã Tân Hà được chở về bãi tập kết ở xã Xuân Trường, Xuân Lộc, Đồng Nai, bãi tập kết này có để tên bảng hiệu của Công ty TNHH Trang Quốc Thịnh. Khi tiếp cận hỏi giá mà công ty này bán ra thị trường, được đơn vị này cung cấp 1 bảng báo giá với đơn giá đất là 200 nghìn đồng/m3, còn cát được bán với giá 360 nghìn đồng/m3, đã bao gồm tiền hóa đơn VAT.

Cần xử lý nghiêm

Các khu vực khai thác đất, cát dù công khai nhưng các điểm khai thác lối vào chỉ có 1 đường độc đạo, xung quanh là những vườn điều, cây keo tràm, hoặc được ngăn cách bởi những mương nước, muốn tiếp cận các điểm khai thác đất, cát lậu rất khó khăn.

Một người đàn ông trùm kín mặt khi thấy xe của phóng viên đang ghi hình tại 2 khu đất bị khai thác trái phép ở thôn 1, xã Tân Hà đã tạt đầu xe và dùng điện thoại dí thẳng vào mặt phóng viên. Ảnh PV Nguyên Vũ chụp ngày 5/4/2024.
Một người đàn ông trùm kín mặt khi thấy xe của phóng viên đang ghi hình tại 2 khu đất bị khai thác trái phép ở thôn 1, xã Tân Hà đã tạt đầu xe và dùng điện thoại dí thẳng vào mặt phóng viên. Ảnh chụp ngày 5/4/2024.

Tại các điểm khai thác đất, cát đều được cắt cử nhiều người cảnh giới, các tai mắt ngồi lê la ở các quán cà phê gần đó sẽ theo dõi, truyền tin bằng điện thoại cho nhau khi thấy xuất hiện người lạ. Chúng tôi di chuyển từ huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) qua cầu Bến Thuyền qua địa bàn xã Đức Tín (huyện Đức Linh) rẽ trái đi theo tuyến đê bao sông La Ngà để tìm tới điểm khai thác trái phép của ông N.P ở xã Đức Tín thì ngay lập tức một chiếc xe máy bám theo. Khi phát hiện người lạ ngay sau đó thông tin được truyền tới các điểm khai thác đất trái phép, máy xúc, máy hút cát sẽ tạm dừng hoạt động.

Cảnh giới quanh các khu khai thác đất, cát trái phép.

Điểm khai thác đất, cát ở thị trấn Đức Tài cũng được cảnh giới nghiêm ngặt, lối vào của điểm khai thác đều có người canh gác cẩn thận.

Con đường Điện Biên Phủ đi từ thị trấn Đức Tài ra cánh đồng Bàu Sen được sắp đặt nhiều người bịt mặt làm nhiệm vụ cảnh giới.

Khi thấy phóng viên xuất hiện ở trục đường này để ghi nhận hoạt động khai thác vận chuyển đất, cát đều có các đối tượng bám theo để quan sát động thái không rời bước.

Còn tại điểm khai thác đất trái phép ở thôn 1, xã Tân Hà, ngày 10/4/2024 khi phóng viên tiếp cận khu vực này để ghi nhận hiện trạng hoạt động khai thác trái phép, một người đàn ông lấy điện thoại ra và liên tục bám theo xe của phóng viên. Người này đi theo xe của phóng viên dùng điện thoại quay thẳng vào xe, sau đó rời đi.

UBND xã Đức Tín cung cấp cho phóng viên Báo Đại Đoàn Kết nhiều biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ phương tiện mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc. Cụ thể, ngày 19/1/2024, UBND xã Đức Tín đã lập biên bản xử phạt số 03/QĐ-XLVPHC đối với tài xế xe ben về hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đất san lấp với khối lượng 16,25m3.

Ngày 22/2/2024, UBND xã Đức Tín cũng ra quyết định xử phạt đối với 1 tài xế đã có hành vi chở 8,5m3 đất san lấp không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Phiệt - Chủ tịch UBND xã Đức Tín cho biết: Việc xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép gặp khó khăn. “Chúng tôi thành lập 3 Tổ (Tổ kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản và chuyển mục đích sử dụng đất trái phép – PV), luân phiên trực, nhưng khổ nỗi 1 – 2h sáng mình đi thì 3-4h sáng nó hoạt động”, ông Phiệt cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Minh Nghị, Chủ tịch UBND thị trấn Đức Tài, ở cánh đồng Bàu Sen có một điểm xin cải tạo mặt bằng, nhưng quá trình làm thì có ý kiến của người dân, nên huyện xuống phối hợp kiểm tra cũng yêu cầu dừng. Ông Nghị cung cung cấp 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 04, đối với ông Nguyễn Tân Nhất do có hành vi khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Suối 1, đơn vị này đã tịch thu 1 máy hút cát, 1 đầu bơm cát, tịch thu 28m3 cát xây dựng.

Trong khi đó, tại xã Tân Hà, sau khi liên hệ phỏng vấn, phóng viên đề nghị ông Vũ Đình Chung, Chủ tịch UBND xã Tân Hà cung cấp các biên bản xử phạt liên quan đến khai thác, vận chuyển đất, cát trên địa bàn xã Tân Hà, nhưng đến nay hơn một tháng trôi qua, ông Chung chưa cung cấp cho phóng viên.

Liên quan tình trạng khai thác đất, cát trên địa bàn huyện Đức Linh, qua quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, chúng tôi ghi nhận được hoạt động khai thác diễn ra công khai.

Kiến nghị, tỉnh UBND Bình Thuận sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề Báo Đại Đoàn Kết phản ánh, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác đất, cát trái phép trục lợi gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản (nếu có).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhức nhối khai thác tài nguyên ở huyện Đức Linh (Bình Thuận): Bài 2: Tiền từ đất, cát khai thác trái phép vào túi ai?