Chỉ hai ngày sau khi phát hiện fake news (tin giả) trên không gian mạng, với dấu hiệu phạm tội hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, UBND TP Thủ Đức và các lực lượng thuộc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều tra, khoanh vùng, bắt giữ; khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng.
Truy tận nơi, xử tận gốc
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP HCM), vụ việc mới đây liên quan đến một nam thanh niên tự thiêu tại phường Trường Thọ (TP Thủ Đức); tên là N.M.H., sinh năm 1975, sống cùng chị gái có hộ khẩu thường trú tại đường 11, khu phố 8, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức.
Vào lúc 14h50 ngày 19/7, UBND phường nhận được tin có vụ việc một thanh niên tự đốt thân thể giữa đường đối diện địa chỉ số 56 đường số 2, khu phố 8, phường Trường Thọ nên đã cắt cử lực lượng xuống ngay hiện trường. Gia đình của nam thanh niên đã xác nhận anh này bị tái phát bệnh lý tâm thần, nên đã có hành động như vậy.
Đồng thời, anh N.M.H. cũng may mắn được nhiều người đi đường dập lửa cứu thoát, sau đó đưa đến trị tại Phòng hồi sức cấp cứu Khoa Bỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện cũng xác nhận điều trị cho bệnh nhân tổn thương vết bỏng ở đùi và ngực, kèm bệnh lý thần kinh tái phát.
Sự việc là như vậy, tuy nhiên trong chiều 19/7 trên mạng xã hội đã xuất hiện và lan truyền tin thất thiệt, kèm hình ảnh về một nam thanh niên tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Trong đó, đối tượng tung tin bình luận: “Bức xúc vì cách thức chống dịch Covid-19… người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu”.
Ngay sau đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP HCM) xác định đây là một dấu hiệu phạm tội hình sự, khi đối tượng cố tình xuyên tạc, tung tin thất thiệt, sai sự thật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại TP HCM đang diễn biến phức tạp, gây hoang mang dư luận.
Công an TP HCM đã nhanh chóng tổ chức lực lượng phối hợp với Công an TP Thủ Đức, Công an quận Bình Thạnh vào cuộc, qua đó xác định và làm việc với đối tượng nghi phạm là ông Phan Hữu Điệp Anh (60 tuổi, quận Bình Thạnh).
Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận đã có hành vi đăng tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 trên tài khoản facebook cá nhân, gây hoang mang cho người dân. Bước đầu, đối tượng cũng đã thừa nhận việc sử dụng hình ảnh nêu trên, lồng ghép, chủ động đưa những nội dung xuyên tạc về vụ việc rồi phát tán trên mạng xã hội Facebook.
Điều đáng nói, cơ quan công an cũng xác định đối tượng kể trên từng sử dụng nhiều tài khoản facebook để xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, tham gia một số hội nhóm trên mạng đưa tin chống phá. Ngay trong chiều 21/7 Công an TP HCM đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP tiếp tục giám định, làm rõ những nội dung liên quan đến đối tượng.
Đồng thời, tối cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an Quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với ông Phan Hữu Điệp Anh theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn trong ngày hôm sau.
Quá trình điều tra mở rộng, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết, từ tháng 5/2021 đối tượng Phan Hữu Điệp Anh đã đăng ký tài khoản Facebook với tên Phan Anh Hữu thông qua số điện thoại di động của mình. Bằng tài khoản này, đối tượng đã phát tán lên mạng xã hội và thông qua những hội, nhóm trên mạng thường xuyên đăng tải những bài viết, hình ảnh có nội dung chống phá Đảng, chính quyền.
Cần phải nghiêm trị
Hậu quả tác động của tin giả đến đời sống kinh tế - xã hội là không thể đo đếm được. Một người dân từng là nạn nhân của vấn nạn tin giả đã chia sẻ với nhóm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết một câu chuyện: Gia đình chị Từ Ân ở Khu phố 3, Phường Mỹ Bình, TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận không may đều bị nhiễm Covid-19 đang phải cách ly điều trị tại bệnh viện.
Thời gian qua, chị Ân cho biết đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thông tin sai lệch trên mạng xã hội về trường hợp gia đình mình. Cụ thể, gia đình chị Từ Ân đã nhận vô số lời lẽ mang tính quy chụp, kỳ thị… vì bị cho rằng mình là người đi từ vùng dịch về nhưng không cách ly, không khai báo. Trong khi lực lượng chức năng của tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành truy vết, thực tế nguồn lây từ bệnh nhân khác.
Cụ thể, bệnh nhân tên L. và bệnh nhân tên H. là tài xế có tiếp xúc với nhau nên đã bị nhiễm Covid-19 nhưng không biết. Ngày 8/7/2021, ông H. có đến nhà chị Từ Ân ăn giỗ. Ngày 15/7, do mệt mỏi nên ba chồng chị Từ Ân đi khám và test nhanh phát hiện dương tính với Covid-19. Và sau đó 10 ca dương tính trong đó có chị Từ Ân.
Dù mình không phải là nguồn lây, song chị Từ Ân nhận vô số những lời lẽ quy chụp cho rằng chị là nguồn lây, là đi từ vùng dịch về nhưng không khai báo y tế, không cách ly… Những lời lẽ quy chụp, sai sự thật ảnh hưởng rất nặng nề tới tâm lý của chị Ân và gia đình suốt những ngày qua dù chính bản thân đang bị mắc Covid-19 và điều trị.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land cũng chia sẻ, vừa qua chính thương hiệu Đại Phúc Land là nạn nhân của tin giả mạo, trong đó một số đối tượng cố tình nhái theo thương hiệu Vạn Phúc, Đại Phúc hay DaiPhuc Land, thậm chí nhái luôn cả logo. Đường dây nóng công ty có ngày đã bị gọi vào nhiều cuộc điện thoại hoặc khách đến tận nơi để hỏi thông tin, công ty đã phải cảnh báo, nhắc nhở khách hàng về những trường hợp mạo danh này.
Vì vậy, hiện tượng tin giả, mạo danh các thương hiệu, cá nhân uy tín với mục đích làm cho khách hàng nhầm lẫn gây nguy hại rất lớn đến các bên bị hại là khách hàng và các công ty bị mạo danh. Đây có thể xem là hành vi cố tình lừa đảo nhằm trục lợi bất chính gây ra nhiều hệ lụy.
Chia sẻ về những câu chuyện đau lòng do tác động từ tin giả, PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP HCM cho rằng, hiện dịch Covid-19 tại các tỉnh thành miền Nam đang diễn biến căng thẳng, riêng tại TP HCM tất cả các lực lượng và bà con nhân dân đều đang căng mình chống dịch hết sức vất vả.
Trong hoàn cảnh này, những người đăng tin giả, lan truyền tin giả có thể nói là vô trách nhiệm, thiếu lương tâm. Đáng lẽ trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như thế này thì tuỳ theo điều kiện, tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà tham gia cùng chung tay chống dịch.
Không góp của thì góp công, không góp công góp của thì chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đằng này đã không giúp còn lan truyền thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác chống dịch.
“Tôi đề nghị những con người này cần phải bị trừng trị thật nghiêm, cần xử lý hình sự theo các quy định của pháp luật, nếu hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác chống dịch thì xử lý kịch khung để làm gương”, PGS.TS Phan Xuân Biên đề nghị.
Quyết liệt với vấn nạn tin giả
Theo Công an TP HCM, tin giả thời gian gần đây có xu hướng tấn công vào tâm lý người dân vốn đang trong tâm trạng chờ đợi thời điểm kết thúc giãn cách xã hội. Trong đó, một số vụ việc tấn công vào chuỗi cung ứng hàng hóa của TP HCM khiến lãnh đạo thành phố phải chính thức lên tiếng, bác bỏ thông tin tại nhiều thời điểm.
Điển hình là thông tin về đóng cửa toàn thành phố (lock down) từ 0 giờ ngày 15/7. Hậu quả của tin giả này đã khiến một bộ phận người dân hoang mang, đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa, khiến nhiều mặt hàng bị khan hiếm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động phân phối bán lẻ, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong một tuần liên tiếp sau đó.
Ngoài ra, vào thời điểm trước giờ “G” TP HCM triển khai đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trên mạng xã hội cũng đã lan truyền chóng mặt thông tin “quyết định “lock” TP HCM từ 0h thứ 3 ngày 7/7 hoặc 12g thứ Tư 8/7”.
Tin giả vào thời điểm đó cũng đã khiến hệ thống cung ứng hàng hóa của TP HCM bị khan hiếm cục bộ, do sức mua tăng đột biến kèm tâm lý tích trữ hàng hóa dài ngày của một bộ phận người dân.
Không chỉ tấn công chuỗi cung ứng hàng hóa, vào giữa tháng 5/2021 khi TP HCM đang trong giai đoạn quyết liệt để kiểm soát dịch Covid-19 cũng đã xuất hiện loạt tin giả lan truyền yêu cầu “người dân không ra khỏi nhà từ 22 giờ đến 5 giờ khi không có việc cần thiết… Các cơ sở kinh doanh dược khi phát hiện người dân đến mua thuốc ho, sốt…phải lập danh sách họ tên, địa chỉ, số điện thoại…”.
Hậu quả của các tin giả này cũng đã khiến tâm lý người dân hoang mang, lo lắng, kèm theo nhiều bình luận và chia sẻ chóng mặt liên quan đến tin tức giả.
Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cũng đã phải lên tiếng khẳng định, đó là các thông tin giả mạo, thành phố không có chỉ đạo nào có nội dung như thông tin lan truyền…
Tất cả các biến tướng của tin giả và hoạt động lừa đảo trong thời gian TP HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang được cơ quan chức năng TP HCM vào cuộc quyết liệt và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Công an TP HCM cũng đưa ra cảnh báo tình trạng đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân Covid-19, sau đó vận động quyên góp để chiếm đoạt tài sản, đã có nhiều nạn nhân bị “sập bẫy”.
Lợi dụng mạng xã hội, tung tin giả để lừa đảo qua thiết bị điện thoại di động, một số đối tượng còn giả gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc, từ đó lợi dụng thông tin này để đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Tin giả mạo còn được gửi tới người dùng (thiết bị smartphone, ĐTDĐ) với nội dung tên miền, địa chỉ website gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, sau đó gợi ý người nhận cung cấp thông tin, để đánh cắp dữ liệu.