Pháp luật

Nhức nhối vấn nạn mua bán tài khoản ngân hàng

Đức Sơn 19/02/2025 08:47

Mặc dù ngành chức năng liên tục cảnh báo nhưng tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

tr10 (1)
Công an TP Phổ Yên lấy lời khai các đối tượng trong vụ án mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Ảnh: Công an Thái Nguyên.

Công an TP Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) vừa khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can về tội “mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”. Trước đó, cơ quan Công an tiếp nhận đơn trình báo của một bị hại về việc người này bị các đối tượng lừa đảo hơn 5,3 tỷ đồng qua hình thức đầu tư chứng khoán online. Người này đã chuyển tiền hàng chục lần cho nhiều tài khoản khác nhau, trong đó có những dòng tiền chuyển đến tài khoản ngân hàng của một doang nghiệp do Ung Thị Thanh Bình (trú tại Hà Nội) đứng tên pháp lý. Tiếp đó, số tiền này được chuyển tiếp lần lượt đến tài khoản ngân hàng của 2 doanh nghiệp khác do Lương Thị Mỹ Hưng (trú tại Hà Nội) và Lê Thị Thu Nga (trú tại tỉnh Phú Thọ) đứng tên pháp lý. Các đối tượng Bình, Hưng và Nga khai nhận, là lao động tự do, dùng thông tin cá nhân để đứng tên đại diện Công ty mở tài khoản doanh nghiệp, sau đó bán tài khoản doanh nghiệp đó với giá trên 1 triệu đồng/1 tài khoản để lấy tiền tiêu xài cá nhân. Mở rộng điều tra, Công an xác định 3 đối tượng trên đã bán tài khoản ngân hàng cho Đặng Quý Dương (trú tại tỉnh Thái Nguyên) và Hà Thị Lan (trú tại tỉnh Phú Thọ).

Cơ quan điều tra đã triệu tập 31 đối tượng có hành vi mua, bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, trong đó xác định được 5 đối tượng liên quan trực tiếp, đồng thời là những đầu mối trung gian kết nối, điều phối, hướng dẫn thực hiện các hành vi giao dịch mua, bán tài khoản ngân hàng.

Công an tỉnh Bình Dương cũng vừa phát hiện một nhóm đối tượng sử dụng giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp liên hệ chi nhánh của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để đăng ký mở nhiều tài khoản thanh toán khác nhau với số tiền giao dịch lớn có dấu hiệu liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật. Qua xác minh, Công an phát hiện nhóm đối tượng trên do Huỳnh Thị Kim Oanh (trú tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cầm đầu. Oanh đã cấu kết với các đối tượng Lê Lý Thành (trú tại tỉnh Đồng Tháp) và Lê Văn Mười (trú tại tỉnh Kiên Giang) để thực hiện việc mở tài khoản ngân hàng cho công ty, doanh nghiệp.

Cơ quan điều tra xác định nhóm của Oanh đã thành lập và sử dụng 25 pháp nhân công ty với trên 100 tài khoản ngân hàng được sử dụng vào hoạt động lừa đảo với số tiền chiếm đoạt khoảng trên 100 tỷ đồng của hơn 200 bị hại…

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học đánh giá, tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với xã hội, đặc biệt là việc tiếp tay cho các loại tội phạm công nghệ cao. Khi một cá nhân cho thuê hoặc bán tài khoản ngân hàng của mình, tài khoản đó có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố hoặc buôn bán trái phép chất ma túy. Hệ quả là không chỉ gây thiệt hại lớn cho người bị lừa đảo mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.

“Nhiều người không ý thức được rằng, khi bán tài khoản, họ cũng có thể bị xem xét với vai trò đồng phạm trong vụ án lừa đảo hoặc rửa tiền, ngay cả khi họ không trực tiếp tham gia vào các hành vi này” - ông Hiếu nói và cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, cần có các biện pháp tổng hợp từ nhiều phía. Các ngân hàng cần tăng cường kiểm soát, yêu cầu xác minh danh tính nghiêm ngặt khi mở tài khoản, đồng thời phát triển hệ thống phát hiện giao dịch đáng ngờ để kịp thời phong tỏa những tài khoản có dấu hiệu vi phạm. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố những cá nhân và tổ chức có hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, đối với hành vi thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc mở hộ thẻ với số lượng dưới 20 thẻ ngân hàng bị xử phạt vi phạm hành chính cao nhất 100 triệu đồng; Với hành vi trao đổi, mua bán với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng căn cứ theo Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015: mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; Đặc biệt, nếu tài khoản đó được sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc rửa tiền, người bán tài khoản có thể bị truy tố theo Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 (tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông) hoặc Điều 324 (tội rửa tiền) với mức án từ 6 tháng đến 20 năm tù, tùy theo mức độ nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhức nhối vấn nạn mua bán tài khoản ngân hàng