Môi trường số mở ra không gian rộng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Tuy nhiên tình trạng vi phạm bản quyền vẫn đang là vấn nạn nhức nhối, gây thiệt hại không nhỏ cho đơn vị sản xuất và nhà sáng tạo.
“Mỏ vàng” bị khai thác lậu
Khi nói về vấn nạn vi phạm bản quyền trên nền tảng số, luật sư Phan Anh Tuấn - Giám đốc Công ty luật PhanLaw đã lấy ví dụ minh họa cụ thể trường hợp trang web xem phim - phimmoi.net.
Theo vị luật sư này, phimmoi.net có khoảng 80 triệu lượt xem/tháng. Nếu tính mỗi người xem phải đóng phí 2 USD thì con số thu được là hàng nghìn tỷ đồng. Con số đó không gây thiệt hại cho người xem nhưng ảnh hưởng đến những người sáng tạo. Hay như ở một ví dụ khác, một trận bóng đá cúp C1 hay Ngoại hạng Anh có đến 500 hành vi xâm phạm, tổng lượt người xem thông qua việc xâm phạm là khoảng 9 triệu lượt xem. Nếu số lượt xem đó tính mỗi lượt là 1 USD trên hệ thống một số kênh truyền hình, nền tảng số, chúng ta thất thu 200 tỷ đồng một trận đấu.
Gần đây lại nở rộ tình trạng bình luận phim trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... Hầu hết là những trích đoạn ngắn, có những video dài gần chục phút. Điều đáng nói là những video này lại thu hút nhiều lượt xem. Những video trên danh nghĩa bình luận kiểu này đã tiết lộ những nội dung chính của phim. Hành vi này đã khiến đơn vị làm phim thiệt hại không nhỏ.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch cấp cao của Cty BHD (Vietnam Media) cũng đã ví dụ về trường hợp của bộ phim “Cô Ba Sài Gòn”. Khi bộ phim này được công chiếu thì đã bị một khán giả ghi hình và đăng tải sản phẩm đó lên mạng. Chính hành vi này đã làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của bộ phim. Mặc dù gây tổn thất lớn nhưng đối tượng chỉ bị phạt hành chính ở mức vài triệu đồng.
Hay như gần đây, bộ phim “Doctor Lof - Bác sĩ Hạnh Phúc” khi đang trong thời gian chiếu trên nền tảng trả phí Netflix và các nền tảng không trả phí DANET và Youtube, nhưng đã bị phát tán trên rất nhiều trang web lậu, gây ra bức xúc rất lớn cho nhà sản xuất và đoàn làm phim.
Vấn nạn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh không còn là câu chuyện mới ở nước ta. Thống kê của Cục Điện ảnh cho biết, hiện có hơn 400 website phim tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên internet, trong khi các tác phẩm chưa được chủ các website mua bản quyền.
Chỉ ra nguyên nhân của hành vi xâm phạm bản quyền, luật sư Nguyễn Anh Tú - Công ty Luật TNHH LLA Legal (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, trở ngại bắt nguồn từ chính hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu để có thể ứng dụng những giải pháp công nghệ. Công nghệ blockchain được đánh giá là hiệu quả trong lĩnh vực bản quyền nhưng còn rất mới mẻ tại Việt Nam, chưa được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả. Ngoài ra, trở ngại về mặt pháp lý cũng khiến nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lúng túng, chưa thật sự mặn mà với các giải pháp công nghệ. Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng là trở ngại lớn, khi không phải đơn vị, tổ chức hay doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn nhân lực có trình độ công nghệ để đón đầu các giải pháp, xu hướng mới. Ðặc biệt là nhân lực có đủ kỹ năng để xây dựng các mô hình ứng dụng cụ thể ở tổ chức, doanh nghiệp mình.
Mạnh tay để ngăn chặn
Con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết của Bộ VHTTDL (tháng 4/2023): Trong 10 năm qua, thanh tra của Bộ VHTTDL đã xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan số tiền gần 13 tỷ đồng, trong đó có 99,5% xử phạt vi phạm sao chép phần mềm máy tính. Tất cả các vi phạm còn lại chỉ chiếm 0,5%, gồm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn. Tại các địa phương, ngoài TPHCM xử phạt hơn 8 tỷ đồng trong 10 năm, hầu hết các tỉnh thành chỉ dừng lại ở con số vài chục triệu đồng.
Giới chuyên gia đánh giá, mức phạt cao nhất với hành vi vi phạm bản quyền là 500 triệu đồng nhưng ít có hành vi nào có mức phạt tiền cao như thế, đang tập trung chủ yếu mức tầm 15 - 35 triệu đồng. Với những hành vi vi phạm tính chất nghiêm trọng hơn cũng chưa đủ để mang tính răn đe. Vì vậy cần có sự xem xét sửa đổi về mức phạt tiền. Mức phạt này cần xem xét cụ thể trong các nhóm đối tượng.
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Tú, để ngăn chặn vấn nạn này, cần hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain; tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng blockchain... Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn, cụ thể hơn, nhất là vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số và bảo vệ bản quyền bằng giải pháp công nghệ.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải thật sự chủ động, nâng cao trình độ, hiểu biết về mặt pháp lý cũng như có ý thức khai thác các sản phẩm của mình trên môi trường số một cách an toàn.
Nhằm siết chặt quản lý, buộc các bên liên quan phải thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số, Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định rõ: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet. Đây được xem là bước tiến rất quan trọng, bởi các web lậu dù sử dụng bất cứ tên miền quốc tế nào, đặt máy chủ ở đâu, ẩn giấu thông tin ra sao thì vẫn phải sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp trung gian tại Việt Nam, cụ thể là các nhà mạng.