Họ tôn thờ những người đàn ông béo bụng như anh hùng, cầu xin đàn ông đánh đập để tỏ rõ tình yêu hay tự nhận mình là con cháu của rừng xanh và không bao giờ chặt phá rừng... Đó là những bộ tộc được coi là kỳ lạ trên thế giới.
Phụ nữ Hamar chịu bị đánh để thể hiện lòng chung thuỷ
1. Người dân thuộc bộ tộc Hamar sống nơi những ngọn đồi lúp xúp ở phía tây thung lũng Omo, miền Nam Ethiopia cũng có những tập tục khác biệt. Nam giới có nghi thức Nhảy mà họ phải vượt qua nếu muốn trưởng thành. Còn phụ nữ, để chứng tỏ tình yêu của mình, họ cầu xin người khác... quất roi vào lưng.
Một người đàn ông Hamar được xem là trưởng thành khi trải qua nghi lễ nhảy qua một hàng gia súc gồm 15 con bò. Nghi lễ này cho phép anh ta cưới vợ, làm chủ đàn gia súc và sinh con. Thời gian diễn ra nghi lễ cho cha mẹ anh ta định đoạt và diễn ra sau vụ mùa.
Thay lời mời, khách nhận được một mẩu gỗ với những nút khấc, một khấc là một ngày trừ lùi cho tới ngày diễn ra nghi lễ. Họ sẽ có vài ngày để tiệc tùng và uống bia cao lương.
Trong khi đó, phụ nữ Hamar khi trưởng thành thường làm đẹp bằng son đất, những chiếc vòng đủ màu, những món trang sức phức tạp. Làm người vợ Hamar cũng không dễ dàng gì. Người vợ chấp nhận bị chồng đánh như một phần cuộc sống. Và tục lệ là ông chồng thường không nói với vợ tại sao cô ta bị đánh. Nhưng nếu anh ta đánh vợ dữ quá, gia đình và hàng xóm sẽ can thiệp. Sau khi cặp đôi có 2-3 đứa con, việc đánh vợ mới chấm dứt.
Người Bodi quan niệm, béo mới hiện thân của cái đẹp và sự khỏe mạnh
2. Nằm trong một góc hẻo lánh của thung lũng Omo, bộ lạc Bodi, hay tên gọi khác là Me’en, có một nghi lễ vô cùng khác lạ đó là các thanh niên phải cạnh tranh nhau để có cơ hội nhận được danh hiệu người đàn ông béo nhất trong lễ hội Ka’el. Trong khi nhiều bộ tộc coi những người đàn ông có cơ thể cân đối, săn chắc là hình mẫu lý tưởng, thì ở bộ tộc này, người béo mới là hiện thân của cái đẹp và sự khỏe mạnh.
Theo đó, mỗi gia đình được phép giới thiệu một người đàn ông chưa kết hôn tham gia thử thách. Sau khi được chọn, họ phải uống sữa và máu bò cũng như không được di chuyển hay quan hệ tình dục trong suốt thời gian 6 tháng. Sau 6 tháng đó, những người đàn ông này phải khoe được vóc dáng căng tròn của họ. Người thắng cuộc sẽ được lựa chọn và được tôn làm anh hùng trong suốt phần đời còn lại.
Cụ thể trong buổi lễ Ka’el, đàn ông trong bộ tộc đã được “vỗ béo” sẽ dành hàng tiếng đi bộ vòng quanh một cây thiêng và được phụ nữ lau giúp những giọt mồ hôi trên cơ thể. Dân làng và những người đàn ông không tham gia sẽ đứng ngoài làm “giám khảo”. Sau đó, họ sẽ chọn ra người đàn ông béo nhất trong số những người ứng cử.
Buổi lễ kết thúc với việc giết một con bò và tộc trưởng sẽ kiểm tra dạ dày cùng máu của con bò để xem tương lai của bộ tộc năm tới có tươi sáng hay không. Hiện nay, bộ tộc này vẫn giữ lối sống cũ và vẫn tổ chức nghi lễ Ka’el theo phong cách truyền thống vào tháng 6 hàng năm.
Một cư dân bộ tộc người Pygmy
3. Bộ tộc Mursi và Suri là 2 bộ tộc thiểu số sinh sống ở vùng thung lũng sông Omo, tây nam Ethiopia với truyền thống nong môi bằng những chiếc đĩa đặc biệt để làm đẹp.
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm hiểu được phong tục nong môi có từ khi nào. Tuy nhiên, phụ nữ bộ tộc này khi đến tuổi dậy thì thường lấy đĩa căng môi để làm đẹp. Đó là một quá trình làm đẹp vô cùng đau đớn như chảy máu hay bị đứt môi mà người ngoài nhìn vào sẽ cảm thấy kinh sợ.
Trước kia, đĩa dùng để căng môi làm từ gỗ, ngà voi hay xương thú…. Nhưng hiện nay, những cư dân của bộ tộc trên dùng đất nung để chế tác ra những chiếc đĩa. Người ta sẽ dùng đất sét để nặn một chiếc đĩa rồi đem vào lò nung. Đồ vật này sẽ được mọi người trang trí với những màu sắc sặc sỡ.
Thoạt đầu, chiếc đĩa dùng để căng môi rất nhỏ vì lúc này lỗ ở môi dưới không lớn lắm. Sau đó, theo thời gian lỗ ở môi dưới ngày càng rộng ra và người ta sẽ làm những chiếc đĩa lớn hơn để thay cho chiếc đĩa cũ.
Sau vài năm, phụ nữ bộ tộc Surma sẽ có đôi môi rất rộng kèm theo đó là chiếc đĩa lớn xuất hiện trước mặt. Đĩa căng môi có đường kính 10 cm được coi là đạt chuẩn của cái đẹp. Chưa dừng lại ở đó, một số phụ nữ còn làm những chiếc đĩa lớn hơn để gây ấn tượng mạnh nhất có thể với kích thước lên đến 15cm. Họ quan niệm, người nào đeo chiếc đĩa có đường kính lớn nhất sẽ được tôn vinh là người phụ nữ đẹp nhất trong bộ tộc.
Đàn ông bộ tộc Hamar muốn trưởng thành phải trải qua nghi thức Nhảy
4. Bộ tộc người Pygmy có lẽ được coi là một chủng tộc nhỏ bé nhất thế giới. Địa bàn cư của họ tập trung ở những khu rừng rậm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, người Pygmy đặc biệt tập trung sinh sống nhiều nhất ở các khu rừng nhiệt đới Congo, châu Phi.
Khoảng vài chục gia đình người Pygmy sẽ quần tụ thành một bộ lạc và họ thường sống ở trong những túp lều nhỏ cao khoảng 1,5m, được lợp bằng lá chuối hoặc lá cọ. Mỗi gia đình sinh sống trong một túp lều quay tròn, ở giữa là lều của tộc trưởng. Người Pygmy có ngôn ngữ riêng nhưng không có chữ viết.
Không chỉ phụ nữ mà đàn ông người Pygmy rất thích sử dụng đồ trang sức. Trong khi đàn ông thường dùng ngà voi, sừng hươu, mai rùa, vỏ bọ cánh cứng để chế đồ trang sức thì phụ nữ làm đẹp bằng cách ép hoa quả lấy nước màu rồi bôi lên người cho sặc sỡ.
Những người Pygmy thường tự nhận mình là con cháu rừng xanh. Họ gọi rừng là cha mẹ, đồng thời tôn rừng là những vị thần tối cao. Cũng bởi lẽ đó, người Pygmy không bao giờ chặt phá rừng. Họ sống bằng săn bắn, hái lượm và hoàn toàn phụ thuộc vào rừng. Để có củi đốt, họ đi nhặt những cành khô đã rụng, gãy làm củi. Về sự nhỏ bé của người Pygmy, một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thức ăn thiếu i-ốt chính là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể người Pygmy có nhiều khác biệt, ảnh hưởng đến di truyền.