Những ‘bóng hồng’ thầm lặng ít người biết ở thung lũng gấu Chắt Dậu

08/03/2021 11:13

Ngày nắng cũng như ngày mưa, những người phụ nữ thuộc Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam vẫn miệt mài chăm sóc những chú gấu như những đứa "con cưng" của mình.

Những "bóng hồng" thầm lặng ít người biết ở thung lũng gấu Chắt Dậu.

Những "bóng hồng" thầm lặng ít người biết ở thung lũng Chắt Dậu.

Nằm sâu dưới thung lũng Chắt Dậu rộng khoảng 12 héc-ta tại Vườn Quốc Gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), với đội ngũ hơn 100 nhân viên (trong đó có 7 chuyên gia người nước ngoài và đa phần là nữ giới), Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đang chăm sóc và bảo tồn 184 cá thể gấu.

Bà Heidi Quine, Giám đốc quản lý gấu và thú y Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đã có hơn 5 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đặc biệt có thể nói thành thạo tiếng Việt. Công việc của bà là điều hành, quản lý bộ phận chăm sóc gấu và đội ngũ thú y nhằm đảm bảo, chăm sóc tốt nhất cho những cá thể gấu được cứu hộ.

Bà Heidi là người gốc Australia và chưa có gia đình, gia nhập Tổ chức Động vật Châu Á vào năm 2011 với vị trí Quản lý Gấu ở Trung tâm Cứu hộ Gấu Thành Đô (Trung Quốc) của Tổ chức Động vật Châu Á.

Sau đó, bà chuyển tới tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc) làm Quản lý Gấu Cao cấp, chịu trách nhiệm giám sát việc chăm sóc gấu hàng ngày, thiết lập quy trình nuôi dưỡng gấu theo hệ thống và huấn luyện lại kỹ năng chăm sóc gấu cho đội ngũ công nhân của trại gấu cũ (nay đã được Tổ chức tiếp nhận và chăm sóc).

Bà Heidi đã dành cả đời mình tận hiến cho động vật, với một tình yêu và sự tôn trọng sâu sắc đối với tất cả các loài. Vào năm 2000, bà làm tình nguyện viên ở Việt Nam và từng chứng kiến cảnh voi bị xích chân, chỉ biết đứng lắc lư tại chỗ xin ăn. Từ đó, bà đã quyết tâm phải góp sức mình cải thiện điều kiện phúc lợi động vật ở châu Á. Khi về Australia, bà đã tích lũy kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nâng cao phúc lợi và bảo tồn động vật trong hơn mười năm trước khi quay lại Việt Nam thực hiện ước nguyện trước đây của mình.

Tổ chức Động vật Châu Á là nơi bà được vinh dự tận mắt thấy những chú gấu đi những bước chân đầu tiên lên thảm cỏ xanh sau khi được phục hồi sức khỏe. Với bà Heidi, đây là một giấc mơ có thật.

Được biết, bà Heidi đang hoàn thành bằng Thạc sỹ Khoa học về Phúc lợi, Đạo đức và Luật Quốc tế về Động vật tại Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh). Ngoài ra, bà còn có những chứng chỉ về lãnh đạo nhóm và quản lý động vật.

Hiện tại, bà Heidi đang sống và làm việc ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, nơi tận tâm mình cho những chú gấu. Thời gian rảnh chăm sóc chú mèo cưng của mình và hoàn thiện khả năng nướng bánh thuần chay, hiếm hoi lắm mới ghé chơi TP Hà Nội.

Trong ngôi nhà nhỏ xinh nằm sát bờ suối, lọt thỏm giữa thung lũng với tiện nghi khá đầy đủ, gọn gàng ngăn nắp, bà Heidi vừa đứng rửa ấm chén, pha nước mời khách, bà vừa chia sẻ với phóng viên: "Tôi rất thích cuộc sống hiện tại, không khí ở đây thoáng mát, trong lành để tôi có thể tận hưởng cuộc sống thoải mái, hòa mình với thiên nhiên và không ồn ào, khói bụi như thành phố".

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, bà Heidi gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và xinh đẹp tới toàn thể phụ nữ trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt là những "bóng hồng" thầm lặng đang ngày đêm chăm sóc và bảo vệ những cá thể gấu trong Trung tâm như chính những đứa con cưng của mình vậy.

Đã làm việc tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam được hơn 4 năm, chị Sarah Van Herpt (quốc tịch New Zealand) đang giữ chức vụ Quản lý gấu cao cấp của Trung tâm. Chị là người tiên phong thực hiện chương trình vật lý trị liệu cho gấu, từ đó giúp cải thiện rất nhiều khả năng vận động của gấu. Bên cạnh đó, Sarah cũng đã nâng cao năng lực huấn luyện gấu của nhân viên trong Trung tâm và nhờ vậy số lượng gấu được huấn luyện hàng năm đã tăng lên hơn 10 lần.

Là người bản địa và đã có thời gian làm việc, gắn bó tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam từ năm 2014, bắt đầu với vị trí nhân viên chăm sóc gấu, chị Trần Thị Gái làm nhiệm vụ Giám sát các nhóm chăm sóc gấu tại Trung tâm.

Để gấu có thể phục hồi sức khỏe và phát triển tốt, việc chuẩn bị và cho gấu ăn là rất quan trọng. Thức ăn được cho vào trong ống tre, hộp nhựa hay treo cao lên các thanh gỗ để gấu vận động, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ chúng lấy lại bản năng tìm kiếm thức ăn vốn có.

Thực đơn của gấu bao gồm rất nhiều loại rau, củ quả và không thể thiếu những món yêu thích của gấu như nước mật ong ướp đá, yến mạch đựng trong hồ lô, sữa chua trộn quả khô...

Mỗi nhà gấu đôi gồm có 7-8 người chăm sóc từ 8h sáng đến 6h tối. Kèm theo đó là quan sát, ghi chép chi tiết các hoạt động của gấu trong một ngày... Phát hiện con gấu nào bỏ ăn, bị ốm, nhân viên chăm sóc sẽ báo bác sỹ thú y. Sau thời gian đó sẽ cho gấu vào chuồng. "Nhiều lúc mệt mỏi, nhìn thấy những con nghịch ngợm, đuổi nhau, leo trèo cũng cảm thấy vui và phấn khích hơn", chị Gái chia sẻ.

Mới gần đây, chị Gái được thăng chức lên vị trí Trưởng nhóm chăm sóc Gấu và chị cũng là người phụ nữ đầu tiên của Trung tâm được giữ chức vụ mà bấy lâu nay chỉ bổ nhiệm cho nam giới. Theo một cán bộ quản lý của Trung tâm chia sẻ, chị Gái là một người huấn luyện tài năng đối với cả gấu và người, đặc biệt cô ấy sở hữu một năng lực hiếm có trong việc giúp những cá thể gấu mới, nhút nhát, hoặc căng thẳng thích nghi với cuộc sống tại trung tâm cứu hộ.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị Gái gửi lời chúc toàn thể phụ nữ trên thế giới lời chúc sức khỏe, luôn tỏa sáng trong công việc. Và đặc biệt là các chị em phụ nữ trong Trung tâm luôn phát huy hết khả năng của mình để tất cả mọi người đều gạt bỏ suy nghĩ "trọng nam khinh nữ".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ‘bóng hồng’ thầm lặng ít người biết ở thung lũng gấu Chắt Dậu