Xã hội

Những bông hồng vàng

Lê Anh Đức 06/03/2024 10:41

Công an tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định tăng cường lực lượng nữ cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn và xử lý vi phạm giao thông. Mục tiêu của Công an tỉnh Lâm Đồng khi cho xuất hiện nữ chiến sĩ ở các trạm CSGT làm nhiệm vụ lưu động, tiếp xúc trực tiếp với tài xế là muốn dùng sự mềm mại, nữ tính để tạo không khí nhẹ nhàng hơn khi thực hiện nhiệm vụ, tạo tâm lý thoải mái cho các tài xế khi bị kiểm tra, tránh để xảy ra những cãi vã, tranh luận không cần thiết.

Lâm Đồng không phải là tỉnh đầu tiên và có lẽ cũng chưa phải là địa phương cuối cùng “tung” các nữ chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ, phái nữ “chân yếu, tay mềm” chỉ thích hợp với công việc văn phòng, chứ không thể “xông pha trận mạc”.

Còn nhớ, cách đây 12 năm, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên đưa các “bóng hồng” ra làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phân làn giao thông. Khi đó, quyết định điều các nữ CSGT làm nhiệm tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông trên đường của Ban Giám đốc Công an Hà Nội không chỉ khiến dư luận xã hội bất ngờ, mà còn tạo ra nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc này. Có không ít người nghi ngờ về tính khả thi, sự hiệu quả trong công việc mà các nữ CSGT mang lại.

Luồng ý kiến này cho rằng, đến các nam chiến sĩ CSGT đôi khi còn không ứng phó nổi đối với các đối tượng vi phạm giao thông “cứng đầu”, chưa kể các loại tội phạm, nói gì đến các chị em chân yếu tay mềm. Sự băn khoăn này không hẳn là thiếu cơ sở, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Thực tế khi gặp những đối tượng manh động thì đúng là các nữ chiến sĩ sẽ khó xử lý, kiểm soát hơn so với nam giới, nhưng không có nghĩa không thể trấn áp được những kẻ cứng đầu.

Thực tế đã chứng minh, các nữ CSGT đã không chỉ hoàn thành, mà thậm chí còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không chỉ có thể xử lý tốt các tình huống phát sinh, mà họ còn có lợi thế hơn so với các nam CSGT bởi có sự mềm dẻo, nhẹ nhàng. Đơn cử như việc yêu cầu tài xế chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, các nữ CSGT sẽ dễ dàng thuyết phục, khiến các tài xế chấp hành hợp tác hơn so với các nam CSGT. Hay trong việc xử lý vi phạm, nữ CSGT cũng ít xảy ra tranh luận với các tài xế hơn so với đồng nghiệp nam, bởi trong sự cương quyết của họ có sự mềm dẻo.

Đó là lý do mà sau khi Công an TP Hà Nội “thí điểm” thành công, rất nhiều các tỉnh, thành phố khác đã học tập, đưa lực lượng nữ CSGT ra làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, điều khiển giao thông trên đường. Đúc kết từ thực tiễn cho thấy, lực lượng nữ CSGT không chỉ tạo hiệu quả rõ rệt trong công tác, mà họ còn tạo cho nhân dân cảm thấy gần gũi hơn với lực lượng công an nói chung, lực lượng CSGT nói riêng, cùng với đó nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bông hồng vàng