“Nâng cao hơn nữa tỷ lệ nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, đồng thời có những bước đi thận trọng để hướng tới thị trường điện thực sự cạnh tranh” - đó là một trong những yêu cầu được lãnh đạo Bộ Công thương nêu ra tại Hội nghị Tổng kết công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh do Bộ Công thương tổ chức sáng 26/8.
Ảnh:T.L
Nhiều chuyển biến đáng ghi nhận
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), thị trường phát điện cạnh tranh được chính thức vận hành từ tháng 7/2012. Đến nay, sau 3 năm đi vào vận hành, từ 31 nhà máy điện (tổng công suất lắp đặt là 9.300MW) tham gia thị trường năm 2012, đã có 59 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường, chiếm hơn 42 % tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Về phía các đơn vị tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, cũng đã có những đổi mới tích cực phù hợp với môi trường kinh doanh trên thị trường điện. Các đơn vị phát điện về cơ bản đã tuân thủ các quy định về ký kết hợp đồng mua bán điện, thoả thuận và ký kết sản lượng điện theo năm, xác nhận hồ sơ và thực hiện thanh toán tiền điện ...
“Về phía Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia - đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện đã triển khai các công việc quan trọng như xác định, giá trần thị trường, xác định giá thanh toán thị trường theo từng chu kỳ giao dịch...đảm bảo tuân thủ đúng quy định thị trường điện và các văn bản có liên quan khác. Giá điện trên thị trường cơ bản phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường. Vào những thời điểm nhu cầu xuống thấp thì giá xuống thấp theo” - ông Tuấn nhận định.
Đánh giá về công tác vận hành thị trường điện 3 năm qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, thời gian qua, thị trường điện đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Thị trường đã tạo cơ hội để tăng minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn các nhà máy điện, đã rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị.
Cách đây 3 năm khi vận hành phát điện cạnh tranh, còn nhiều ý kiến băn khoăn vì đây hoàn toàn là một “sân chơi” mới, nhưng nay thị trường đã bước đầu hoàn thiện và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Cũng theo Thứ trưởng Vượng, thời điểm trước năm 2012, nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiếu điện, phải cắt điện luân phiên, song từ khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đến nay, nguồn điện cung ứng cho sản xuất đi vào ổn định hơn, thị trường cũng ngày càng bộc lộ tính công khai, minh bạch, rõ ràng thông tin hơn.
Số nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh còn khiêm tốn.
Sẽ chính thức đi vào vận hành năm 2016
Theo ông Vượng, tồn tại hiện nay số nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh còn khá khiêm tốn. Mặc dù so với thời điểm khởi động, đã tăng lên gần gấp đôi (từ 31 nhà máy lên 59 với công suất đạt 42%) song, đây vẫn con số này cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Do đó, Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu, trong thời gian tới, các Tập đoàn Điện lực, Than và Khoáng sản, Dầu khí cần đưa nhà máy thủy điện đa mục tiêu, nhà máy điện BOT sớm tham gia thị trường.
“Kết quả vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong 3 năm qua đã khẳng định đúng đắn về triển khai thị trường điện ở nước ta. Qua đó, Bộ Công thương và các thành viên tham gia thị trường điện đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm tốt cho triển khai thị trường bán buôn cạnh tranh trong tương lai” – Thứ trưởng Vượng nhận định và cho biết, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ chính thức đi vào vận hành năm 2016, song vẫn là vận hành trên giấy. Và bắt đầu từ năm 2019, thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ vận hành chính thức trên thị trường. Từ đó là bước đến để đến năm 2021 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh.
“Trong giai đoạn từ nay đến khi có một thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thực sự – 5,6 năm nữa – chúng ta vẫn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và những bước đi thận trọng” – Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.