Những cái chết cô độc

Linh Chi 03/12/2017 06:30

Cuộc sống cô độc vốn đã là một điều hết sức đáng sợ, đặc biệt là với người lớn tuổi. Nhưng cái chết trong cô độc thậm chí còn bi kịch và thê lương hơn khi nhắm mắt xuôi tay trong căn phòng tối u ám mà phải nhiều ngày sau đó mới được người ta phát hiện ra. Đó cũng là một vấn đề đang diễn ra ở Tokyo, thành phố đông đúc nhất thế giới.


Ông Ohshima thực hiện công việc dọn dẹp căn hộ của một người đàn ông 50 tuổi được phát hiện vài tuần sau khi chết trong cô độc. (Nguồn: StraitTimes).

Cả không gian tràn đầy rác thải, một chiếc bồn tắm nhiều tháng không cọ rửa, cáu bẩn và bốc mùi, không khí vẫn còn phảng phất mùi thi thể...Đó là khung cảnh căn phòng mà nhân viên vệ sinh Hidemitsu Ohshima phải bước vào làm việc tại một khu chung cư có người đàn ông đã qua đời suốt 3 tuần lễ mới được người ta phát hiện.

Người đàn ông này, được cho là ở độ tuổi khoảng 50, đã chết trong sự cô độc ở ngay trong một thành phố đông đúc với sự hiện diện của hàng chục triệu dân, vậy mà không ai phát hiện ra sự việc. Điều này khiến ông trở thành nạn nhân mới nhất của một trường hợp được gọi là “Kodokushi”, tức “Chết đơn độc” - một xu hướng đang có nguy cơ gia tăng trong cộng đồng người già ở Nhật Bản.
Vận bộ đồ bảo hộ màu trắng cùng với găng tay cao su, Ohshima nâng chiếc đệm thấm đẫm dịch lỏng từ thi thể người đàn ông đã qua đời, và phát hiện ra cả một ổ gián cùng nhiều loại bọ màu đen chui ra.

“Chúng tôi cần phải mang những bộ đồ bảo hộ như thế này để bảo vệ bản thân khỏi các loại bọ. Chúng có thể mang theo các loại bệnh truyền nhiễm” - Ohshiman nói.

Kodokishi hiện đang là một vấn nạn đang có chiều hướng gia tăng ở Nhật Bản, quốc gia có khoảng 27,7% dân số có độ tuổi trên 65 và rất nhiều người không có hứng thú tìm một đối tác chung sống ở độ tuổi trung niên mà thay vào đó là lựa chọn một cuộc sống đơn chăn gối chiếc.

Giới chuyên gia nhận định rằng sự kết hợp giữa nền văn hóa độc nhất, các nhân tố xã hội và nhân khẩu học của Nhật Bản là nguyên nhân gây ra vấn đề này.

Sự thay đổi khó lường
Không có một con số chính thức nào về những người chết đơn độc trong căn hộ của mình mà phải đến nhiều ngày, nhiều tuần sau thi thể họ mới được phát hiện. Tuy nhiên giới chuyên gia ước tính rằng có ít nhất 30.000 trường hợp như vậy xảy ra mỗi năm ở Nhật Bản.

Yoshinori Ishimi, người vận hành Anshin Net dịch vụ chuyên dọn dẹp căn hộ của những người chết đơn độc, tin rằng con số thực tế có thể “cao gấp 2-3 lần” con số ước tính.

Đất nước Nhật Bản hiện đại đang phải chứng kiến hàng loạt sự thay đổi về văn hóa và kinh tế trong suốt vài thập kỷ qua, nhưng các nhà nhân khẩu học cho rằng mạng lưới an sinh xã hội của nước này đã thất bại trong việc bắt nhịp với gánh nặng mà các gia đình hiện đại phải chịu khi chăm sóc người lớn tuổi.

“Ở Nhật Bản, gia đình từ lâu đã đóng vai trò là nền tảng mạnh mẽ cho sự ủng hộ về mặt xã hội” - Katsuhiko Fujimori, một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề an sinh xã hội của Nhật nhận định.

“Nhưng giờ đây mọi thứ đang dần thay đổi khi mà tỷ lệ người độc thân gia tăng đột biến trong khi quy mô của các gia đình trở nên nhỏ hơn” - ông Fujimori, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Thông tin và Nghiên cứu Mizuho, nói thêm.

Trong suốt 3 thập kỷ qua, Nhật Bản đã phải chứng kiến con số các hộ gia đình độc thân tăng gấp 2 lần, lên 14,5% tổng dân số. Mức tăng này chủ yếu là do số lượng những người đàn ông ở độ tuổi 50 và phụ nữ ở độ tuổi 80 gia tăng.

Ngoài ra, tỷ lệ cưới xin ở Nhật cũng giảm, giới chuyên gia cho hay nhiều người đàn ông lo sợ rằng công việc mà họ đang có khá bấp bênh nên không thể ổn định và tạo dựng một gia đình mới. Trong khi phụ nữ ở nước này cũng ngày càng có thêm cơ hội gia nhập lực lượng nhân công, khiến họ nảy sinh ý nghĩ rằng không cần có một người đàn ông cáng đáng về mặt tài chính.

Cứ 4 người đàn ông ở độ tuổi 50 ở Nhật Bản thì có 1 người chưa từng kết hôn. Tính đến năm 2030, con số này ước tính sẽ tăng lên tỷ lệ 1/3.

Tách biệt khỏi xã hội
Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Nhật Bản, nhiều người có xu hướng trở về gia đình thay vì tìm tới hàng xóm láng giềng hay bạn bè trong lúc gặp khó khăn. Trong khi người gia ở Nhật cũng rất ngại làm phiền hàng xóm, thậm chí khi cần được giúp đỡ những việc nhỏ nhặt nhất, khiến cho sự tiếp xúc giữa người-người giảm và làm tăng sự biệt lập; ông Fujimori nói.

Có khoảng 15% dân số già ở Nhật Bản hiện đang sống đơn độc và theo ước tính thì họ chỉ có duy nhất 1 cuộc hội thoại với người khác trong 1 tuần. Con số này là rất cao nếu so sánh với 5% ở Thụy Điển, 6% ở Mỹ và 8% ở Đức; theo nghiên cứu mà chính phủ Nhật công bố.

Nhiều gia đình ngày càng muốn sống xa cha mẹ mình hoặc không có đủ nguồn lực để hỗ trợ những người thân già cả trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Ông Fujimori từng đưa ra đề xuất tăng thuế để cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội tốt hơn cho người cao tuổi và hỗ trợ tài chính cho chăm sóc trẻ em, thúc đẩy người lớn ở độ tuổi đang làm việc trở lại với lực lượng nhân công...nhằm cải thiện tình trạng trên.
“Nếu như gia đình không còn đóng các vai trò mà nó từng có, xã hội cần phải xây dựng một hệ thống để lấp đầy chỗ trống thiếu hụt” - ông Fujimori nói - “Nếu như chúng ta không làm gì cả, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều cái chết đơn độc hơn nữa trong tương lai”.

Không thư từ, không ảnh
Ngoài sự đau đớn mà những người thân của các trường hợp chết đơn độc phải gánh chịu khi chứng kiến một cái chết hết sức bi thảm mà phải sau nhiều tuần lễ mới được phát hiện, một hậu quả khác của các trường hợp Kodokushi này chính là khiến cho giá các căn hộ chung cư giảm mạnh.

Ông Ishimi, chủ dịch vụ tẩy rửa căn hộ có người chết đơn độc, nói rằng Nhật Bản cần phải giáo dục những người trẻ tuổi về vấn đề lòng tự trọng bị tổn thương mà những người già neo đơn phải hứng chịu.

“Tại sao một người lại mong muốn chết đơn độc như vậy? Toàn xã hội cần phải duy nghĩ về điều này” - ông Ishimi nói.

Trở lại khu căn hộ ở giữa thủ đô Tokyo, Ohshima và đội ngũ làm việc của ông vẫn giữ cho những cánh cửa sổ được đóng kín để tránh cho mùi tử thi hết sức khó chịu khỏi lan tới các cộng đồng dân cư xung quanh.

Căn hộ chung cư này tràn ngập những dấu hiệu cho thấy người chủ trước kia là một người sống ngăn nắp, yêu âm nhạc và phim ảnh khi có hẳn một bộ sưu tập đĩa CD và DVD phim. Nhưng ngoài ra thì không có gì nhiều, không có lấy một bức ảnh và không có nổi một bức thư từ người thân.

Phần lớn các vật dụng trong căn hộ này là những thứ cần phải vứt bỏ. Ohshima cùng những người đồng nghiệp làm theo nguyên tắc khi tìm kiếm các vật dụng và tài sản có giá trị để trả lại cho người thân của người đã khuất trong trường hợp họ tới và mong muốn được trông thấy những di vật để lại.

“Cảnh sát đang tìm cách liên lạc với thân nhân của ông ấy” - Ohshima nói - “Nhưng đến nay vẫn chưa tìm được mối liên hệ nào”.

Có nhiều trường hợp, không chỉ những người già mà người trẻ cũng chết trong cô độc. Cảnh sát Nhật Bản từng phát hiện 3 người chết trong một căn hộ tại khu Saitama, phía bắc Tokyo: một cặp đôi lớn và con trai họ, chết do đói. Không có tí thức ăn nào trong phòng, chỉ có vài chai nước lọc, một con mèo chết và một đồng xu 1 yen lăn lóc trên sàn.

Các vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Sapporo, Kushiro, Osaka, Tokyo và Yokohama. Thi thể thường bị phân hủy và ở trong nhà vài tháng trước khi được phát hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cái chết cô độc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO