Quốc tế

Những cánh rừng bốc cháy

THẾ TUẤN 31/03/2024 09:42

Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhiều cánh rừng ở các quốc gia châu Mỹ bốc cháy. Nguyên nhân có thể từ sự bất cẩn của con người, nhưng chủ yếu là do nắng nóng, hanh khô kéo dài. Đây là điều bất thường khi mà vẫn chưa tới cao điểm mùa hè.

anh-bai-chay-rung.png
Lính cứu hỏa nỗ lực dập một đám cháy rừng ở thành phố ven biển Valparaiso (Chile). Nguồn: Getty Images.

Ngày 28/3, truyền thông quốc tế dẫn lời Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết, hàng loạt các vụ cháy rừng tại nước này đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Các nạn nhân đều ở bang Mexico - bang đông dân nhất của nước này. Chỉ trong vòng 3 ngày đã có tới 116 vụ cháy rừng. Trước đó, tính từ đầu tháng cho tới ngày 15/3, Mexico đã ghi nhận 400 vụ cháy. Hỏa hoạn đã thiêu trụi tổng cộng hơn 13.000 ha rừng, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người.

Một trong những nguyên nhân được cho là nạn cố ý phóng hỏa cũng như như hỏa hoạn phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp. Những tác động xấu đó được nắng nóng, khô hạn “giúp sức” tạo ra những đám cháy lan rộng. Theo Ủy ban Lâm nghiệp quốc gia Mexico, nhiều vụ cháy đang xảy ra ở 15 bang, bao gồm cả các khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt ở bang Morelos, Veracruz và Mexico. Nhiều ngôi nhà của người dân đã bị cháy trong các trận cháy rừng ở Nogales, Veracruz. Hỏa hoạn cũng thiêu rụi các trang trại trên núi, giết chết nhiều gia súc.

Tại Bolivia, tình trạng khô hạn cũng làm những cánh rừng bốc cháy. Ô nhiễm không khí do cháy rừng khiến nhiều trường học tại nước này phải đóng cửa, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn học sinh. Cụ thể, theo truyền thông Bolivia, khoảng 3.650 trường học, chiếm 15% tổng số trường học trên cả nước phải đóng cửa 1 ngày. Vùng Santa Cruz, đầu tàu kinh tế và là vùng đông dân nhất của Bolivia, là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Trong khi đó, khói đen bao phủ bầu trời thủ đô La Paz và thành phố El Alto, nơi có sân bay quốc tế của Bolivia.

Chile cũng phải vật lộn để cứu những cánh rừng chưa bị thiêu rụi. Cháy rừng đã kéo dài nhiều tháng, tại nhiều địa phương với khoảng 122 đám cháy được ghi nhận. Nhà chức trách cho biết, cháy rừng dữ dội khiến hàng trăm người mất tích và gây hư hại cho khoảng 14.000 ngôi nhà. Theo Thứ trưởng Nội vụ Manuel Monsalve, trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều đám cháy rừng chưa được dập tắt, cũng như nguy cơ bùng phát những đám cháy mới luôn rình rập, do hạn hán kéo dài đồng thời những cơn gió lại thổi rất mạnh.

Giám đốc Cơ quan pháp y Chile Marisol Prado cho biết, nhiều thi thể nạn nhân trong các đám cháy rất khó nhận dạng, nên các nhân viên pháp y phải lấy mẫu ADN từ những người báo cáo có người thân mất tích để đối chiếu. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát điều tra Chile (PDI) tuyên bố sẽ điều tra các khu vực có thể xảy ra tình trạng cố ý gây hỏa hoạn.

“Tại khu vực Valparaiso, nơi có dân số khoảng 1 triệu người sinh sống, những đám cháy rừng đã cướp đi mạng sống của ít nhất 51 người” - nhân viên cứu hỏa Gabriel Talic cho biết và nói thêm rằng tình hình là rất khó khăn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Carolina Toha cho rằng mối lo ngại lớn nhất là các đám cháy rừng có thể lan tới gần với các khu đô thị, có khả năng ảnh hưởng tới nhiều người dân. Có khoảng 92 đám cháy đã bùng phát trên khắp Chile với tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng khoảng 43.000 ha.

Những vụ cháy rừng cũng xảy ra khi nắng nóng và hạn hán ảnh hưởng tới nhiều nước ở Nam Mỹ do hiện tượng El Nino. Trong nhiều năm trở lại đây, giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo hiện tượng Trái Đất nóng lên đang làm tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có nắng nóng gay gắt dẫn tới hỏa hoạn.

Tại Mỹ, thời gian qua, vụ cháy rừng lớn nhất được ghi nhận là tại bang Texas. Vụ cháy, được đặt tên là Smokehouse Creek, là kinh hoàng nhất. "Giặc lửa" đã thiêu trụi hơn 400.000 ha rừng, phá hủy nhiều ngôi nhà tại các thị trấn nhỏ nằm rải rác ở vùng Panhandle.

Theo tiến sĩ Flavio Lehner tại Đại học Cornell (Mỹ), quy mô khổng lồ đã khiến Smokehouse Creek trở thành trường hợp ngoại lệ trong “mùa cháy rừng tự nhiên” ở bang Texas, thường từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm. Theo ông, biến đổi khí hậu do con người gây ra là một yếu tố góp phần hình thành đám cháy. Nhiệt độ ấm hơn so với trước đây đã khiến thảm thực vật khô hơn, kết hợp với lượng mưa khan hiếm, tất cả đã tạo điều kiện thuận lợi làm bùng phát đám cháy.

Trong khi đó, theo Sở Lâm nghiệp Texas, đám cháy lớn thứ hai mang tên Windy Deuce đã thiêu rụi khoảng 57.000 ha đất rừng.

Nhà khí tượng học Steve Hannah từ Cơ quan Dịch vụ thời tiết quốc gia (NWS) Mỹ cho biết không khí khô và nhiệt độ có ngày lên tới 37,7 độ C là nguyên nhân chính khiến những vạt rừng bốc cháy.

Brazil và Pháp đã chính thức khởi động chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon khu vực Brazil và Guyane (lãnh thổ hải ngoại của Pháp) lân cận, với mức đầu tư lên tới 1 tỉ euro. Tuyên bố chung của chính phủ hai nước cho biết số tiền này sẽ được chi trong 4 năm tới. Trong tổng số tiền đầu tư sẽ dành phần thích đáng cho việc ngăn chặn, xử lý những vụ cháy rừng. Trong tháng 2, gần 3.000 đám cháy đã xảy ra tại rừng Amazon khu vực thuộc lãnh thổ Brazil. Đây là số vụ cháy rừng cao nhất xảy ra trong mỗi tháng 2, kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê từ năm 1999, trong đó tình trạng biến đổi khí hậu được cho là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng này.

Brazil và Pháp đã chính thức khởi động chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon khu vực Brazil và Guyane (lãnh thổ hải ngoại của Pháp) lân cận, với mức đầu tư lên tới 1 tỉ euro. Tuyên bố chung của chính phủ hai nước cho biết số tiền này sẽ được chi trong 4 năm tới. Trong tổng số tiền đầu tư sẽ dành phần thích đáng cho việc ngăn chặn, xử lý những vụ cháy rừng. Trong tháng 2, gần 3.000 đám cháy đã xảy ra tại rừng Amazon khu vực thuộc lãnh thổ Brazil. Đây là số vụ cháy rừng cao nhất xảy ra trong mỗi tháng 2, kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê từ năm 1999, trong đó tình trạng biến đổi khí hậu được cho là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cánh rừng bốc cháy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO