Rất nhiều câu chuyện cảm động về biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979 được kể lại, nhắc lại trong chương trình giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc mang tên “Chiều dài biên giới” do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức sáng nay, 21/2.
Ông Nguyễn Thế kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Vũ Mão, tướng Đặng Quân Thụy, nhạc sỹ Phạm Tuyên và các đại biểu tham dự chương trình.
Không thể nào quên lịch sử
Bước vào tuổi 90 nhưng nhạc sỹ Phạm Tuyên rất xúc động khi nghe bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” do ông viết vào đêm 17/2. Ông kể: “Ai cũng biết tôi là tác giả của bài hát “Như có Bác Hồ trong này vui đại thắng”, tôi viết bài hát này vì đất nước đã trải qua bao đau thương chiến tranh, cá nhân tôi chỉ muốn viết những bài hát về hòa bình, những bản tình ca”.
Thế mà Tổ quốc lại một lần nữa bị xâm lăng, chúng ta lại phải cầm súng. Đêm đó nhạc sỹ Phạm Tuyên không ngủ được, ngay trong đêm 17/2, ông sáng tác bài hát này và được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng phát sóng ngay trong thời điểm đó. Sau khi bài hát được phát trên sóng, nhạc sỹ Phạm Tuyên kể rằng, nhiều cuộc điện thoại của các chiến sỹ ở khắp mọi miền Tổ quốc gọi cho ông muốn ra biên giới góp sức bảo vệ Tổ quốc.
Bà Tuyết Thanh lúc đó là ca sỹ của Đài Tiếng nói Việt Nam là người đầu tiên hát bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” cho biết, bà và các nghệ sĩ của Đài đã tập bài hát này và các bài hát khác tập ngày đêm để kịp tuyên truyền, kịp thời động viên các chiến sỹ.
Kỷ niệm đặc biệt nhất của nghệ sỹ Tuyết Thanh chính là một lần bà hát bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” cho các thương binh nghe. Trong lần đó có một em một em thương binh nặng, khoảng 18 tuổi đã nói rằng rất thích bài hát này. Tuy nhiên, ngay sau khi bà hát cho các thương binh khác rồi quay trở lại giường bệnh của chiến sỹ này, chiến sỹ ấy đã hy sinh.
Trong cuộc giao lưu, nhạc sỹ Phạm Tuyên cho hay, ông viết rất nhiều bài hát về biên giới thời điểm đó như bài “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh”, “Đóa hồng Chiêm”… Ông có chia sẻ rằng, cá nhân ông thấy tự hào vì có những kỷ niệm đẹp mà không phải ai cũng có thể được trải nghiệm. “Tôi chỉ mong đây không phải là kỷ niệm riêng tư, mà là lịch sử. Tôi mong rằng chúng ta tiếp tục tri ân những người đã đổ xương máu cho đất nước này”, nhạc sỹ Phạm Tuyên xúc động nói.
Các đại biểu giao lưu vào giờ giải lao.
Tình người bất khuất
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, lúc đó là Bí thư huyện ủy Tiên Yên xúc động nói, thời điểm đó, biên giới rất phức tạp, khó khăn. Vì khi chiến sự xảy ra với một vùng có 6 dân tộc sinh sống mà địch ra sức tuyên truyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm thế nào để ổn định lòng dân là việc làm tiên quyết.
Cá nhân ông và các đồng chí có trách nhiệm đã đến từng nhà dân, thậm chí ở lại tuyên truyền, vận động người dân chung lưng, đấu cật cùng bộ đội giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Rất nhiều việc như vậy nhưng cá nhân ông viết nhiều bài thơ, bài hát về biên giới trong đó có bài hát “Khúc hát bên ngã ba biên giới”.
Là nghệ sỹ của Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn cách đây 40 năm Nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoa chia sẻ, cá nhân bà rất vinh dự vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sỹ có mặt trong những thời điểm lịch sử của đất nước. Nhớ về những kỉ niệm đã qua nghệ sỹ Thanh Hoa chia sẻ, bà không thể quên được buổi biểu diễn tại Trùng Khánh, Cao Bằng, hôm đó có tuyết rơi, nhưng nhiều nghệ sỹ đã không khoác thêm áo, cháy hết mình để phục vụ các chiến sỹ.
Theo nghệ sỹ Thanh Hoa, khi lên biên giới hầu hết các nghệ sỹ trong đoàn khi lên biên giới đều găm một ít tiền vì biết trên đó có dầu gió và chăn con công rất tốt. Thế nhưng khi trở về không ai mang giọt dầu nào về vì tiền được góp lại cho các em bộ đội mua thuốc lào vì trời lạnh quá.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải biểu diễn tại chương trình.
Tại cuộc giao lưu, nhạc sỹ Trương Quý Hải, nhạc sỹ sáng tác bài hát “Về đây đồng đội ơi” viết về biên giới Vị Xuyên Hà Giang chia sẻ: Năm 15 tuổi nghe bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” và khi nghe lệnh động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, đa số học sinh của trường ông học đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ, mong ra mặt trận ngay nhưng ông không được ra trận vì chưa đủ tuổi. Năm 1982, khi đỗ đại học, ông Hải cất giấy gọi học, lên đường nhập ngũ.
Trong câu chuyện thời chiến của mình rất nhiều tình cảm người dân tin yêu người lính đã được nhạc sỹ Trương Quý Hải kể lại. Như cảnh người dân ném gạo, chuối mía, họ có gì cho bộ đội thứ ấy. Rồi đoàn quân tiếp tục đi, khi lên tới một bản của người Tày trên đường lên Hà Giang, xe bị chặn lại bởi một cụ già lưng còng, váy rách, chống gậy đưa một giá gạo cho bộ đội với một câu nói tôi không quên được “mẹ cho các con”. Hình ảnh đó cứ theo tôi suốt hành trình. Người dân chở che, là động lực mạnh mẽ nhất tiếp sức cho đoàn quân, chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào xâm lược.