Những câu chuyện đẹp trên đảo Thổ Chu

Quốc Định (Còn nữa) 14/09/2016 10:10

Dù sống xa nhà, xa đất liền, nhưng các chiến sĩ trên các điểm đảo luôn đoàn kết, chắc tay súng giữ vững chủ quyền nơi vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Và đã có những câu chuyện đẹp về tình người, về sự sáng tạo không ngừng của các chiến sĩ được viết lên...

Tăng gia sản xuất, một nhiệm vụ không thể thiếu trên các đảo.

Tấm lòng của một người thầy thuốc

Vượt hơn 100 hải lý, cuối cùng đoàn đại biểu UBMTTQ TP Hồ Chí Minh đã đặt chân lên hòn đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) – vùng biển đảo cực Tây Nam của Tổ quốc. “Đảo Thổ Chu giờ đổi thay từng ngày, đời sống của chiến sĩ và bà con dần được cải thiện. Trên đảo hiện nay có đầy đủ trường học, quán xá… đặc biệt sự ra đời của Bệnh xá Quân y Thổ Chu đã cứu sống biết bao nhiêu người mắc bệnh hiểm nghèo” - Đại tá Dương Đức Mười – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152 (Quân khu 9) giới thiệu với chúng tôi.

Vào giờ ăn cơm trưa ở Trạm Rađa 610 (đảo Thổ Chu), chúng tôi tình cờ nghe Thượng tá Phạm Anh Tuấn – Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 152 kể về thượng úy Đinh Văn Sức (SN 1977) – một vị bác sĩ được ngư dân kính trọng gọi bằng cái tên bình dị là “bác sĩ vì dân”.

Thật may mắn, khi tôi đến Bệnh xã Quân nhân y cũng là lúc Thượng úy Sức vừa thực hiện ca mổ cho một sản phụ, trên người vẫn mặc bộ đồ Blue quen thuộc. Dẫn tôi đi thăm công trình được đầu tư khá hiện đại ở bệnh xá, Thượng úy Đinh Văn Sức tâm sự: “Là một người lính, tôi luôn tự hào khi được cống hiến cho đất nước, phục vụ nhân dân”.

Tốt nghiệp hệ đại học quân y, thượng úy Bác sĩ Đinh Văn Sức có cơ hội được về công tác tại một bệnh viện khang trang phía Bắc. Ở đó, anh có điều kiện phát huy nhiều hơn chuyên môn của mình và gần gia đình nhưng anh vẫn quyết định xin trở lại phục vụ quân, dân trên đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang).

Đến nay Bệnh xá Quân y Thổ Chu gồm có 2 bác sĩ, 2 y sĩ, dược sĩ, y tá và được Bộ Y tế đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại trị giá hàng chục tỉ đồng. Bên cạnh đó còn có kíp tăng cường phẫu thuật từ Bệnh viện Quân y 120 và 121, lớp tập huấn để chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ trên đảo.

Thượng úy Đinh Văn Sức nhớ lại: “Lúc mới nhận nhiệm vụ, tôi biết đó là công việc gian nan, nhất là phải xa gia đình, vợ con. Nhưng chính tình cảm của những người dân trên đảo đã giúp tôi vượt qua được mọi khó khăn. Đáng mừng là hiện nay không chỉ tôi mà các bác sĩ khác trên đảo đã học hỏi và thành công với nhiều ca phẫu thuật ruột thừa, dạ dày, mổ sản khoa, đứt gân tay, chân… Hằng ngày chúng tôi khám chữa bệnh cho khoảng 15-20 ngư dân. Mừng là khi họ ra khỏi bệnh xá sức khỏe ai cũng tốt, đó là niềm vui và hạnh phúc của những người thầy thuốc chúng tôi”- Thượng úy Sức xúc động nói.

Thượng úy Đinh Văn Sức không chỉ thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị mà còn thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, chủ động các biện pháp phòng bệnh, tổ chức tốt công tác giám sát dịch tễ, kiểm dịch y tế và có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch. Nhờ đó, nhiều năm qua, trên địa bàn Thổ Chu không có dịch bệnh lớn xảy ra, các vụ dịch bệnh nhỏ đều được kiểm soát và dập tắt kịp thời.

Thượng úy, bác sĩ Đinh Văn Sức.

Bám biển để biển bình yên

Các đảo Tây Nam vừa là nơi đóng quân của lực lượng biên phòng, hải quân vừa là ngư trường, khu vực tập kết tàu đánh cá các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Thời gian qua các hoạt động trên vùng biển này đang có những diễn biến phức tạp, nhất là các hoạt động buôn lậu, đánh bắt hải sản trái phép...Do vậy, những người lính đóng quân trên các đảo không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ Biển đảo quê hương mà còn giúp ngư dân đánh bắt, duy trì trật tự trên các ngư trường.

Trung úy Phạm Văn Cường, quê Hải Dương, ra đảo Nam Du được đúng 10 năm. Anh tâm sự: “Khi gia nhập quân ngũ, ai cũng phải xác định dù hoàn cảnh thế nào cũng phải cố gắng vượt qua. Ở những nơi tuyến đầu Tổ quốc, người lính càng thấy trách nhiệm của mình lớn lao hơn”.

Theo đại diện Đồn biên phòng 742, đóng trên quân đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang): “Nam Du hiện có hơn 2.000 hộ dân sinh sống, do ngư trường ngày càng cạn kiệt, các phương tiện đánh bắt của ngư dân nước ngoài thường xuyên xâm phạm lãnh hải của ta nên chúng tôi phải tăng cường tuần tra, đề cao cảnh giác. Mỗi năm Đồn biên phòng 742 đã xử phạt hành chính hàng chục phương tiện của ngư dân nước ngoài xâm phạm ngư trường trên vùng biển Tây Nam”.

Đại úy Nguyễn Hoàng Quang, Trạm trưởng Trạm Rađa 610 (đảo Thổ Chu) cho hay, thời gian đầu mới ra đảo công tác, chứng kiến cảnh người dân thiếu thốn nước vào mùa khô, gặp nhiều khó khăn vào mùa biển động, tôi rất trăn trở. Trước tình hình đó tôi đã mày mò tìm ra phương pháp trồng rau xanh, tích lũy nước sạch để sử dụng lúc thiếu thốn, đối phó khi biến đổi khí hậu giúp chiến sĩ và người dân trên đảo.

Theo Thượng tá Phạm Anh Tuấn – Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 152 (Quân khu 9): “Hằng năm, công tác tăng gia sản xuất được cấp trên cũng như đơn vị quán triệt sâu sắc. Do đó, những luống rau, trại chăn nuôi heo, gà, vịt được anh em trong đơn vị chăm sóc rất tốt. Ngoài cải thiện bữa ăn hằng ngày cho các chiến sĩ, nhất là dịp xuân về Tết đến, việc tăng gia sản xuất còn là tiêu chí xét thi đua cuối năm”.

Không chỉ tìm ra phương pháp trồng rau, tích lũy nước phục vụ cuộc sống của những người lính và dân đảo anh Quang còn nghiên cứu sáng tạo hệ thống rađa mới, góp phần quan trọng trong việc quản lý vùng biển đảo của Tổ quốc. Với thành tích ấy, anh đã nhận được danh hiệu Trạm trưởng rađa tiêu biểu xuất sắc quân chủng năm 2014-2015.

Xa nhà, xa tiếng cười con trẻ nên nỗi nhớ cứ đầy ăm ắp trong tim mỗi người lính như anh Quang. “Sau những giờ làm việc, cuối ngày tôi lại gọi điện về gia đình tâm sự với vợ con, khoảng thời gian đó ấm áp vô cùng. Sự động viên của vợ và tiếng líu lo khoe thành tích học tập của con đã tiếp thêm động lực cho tôi hoàn thành nhiệm vụ” - anh Quang tâm sự.

Đại tá Dương Đức Mười – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152, cho biết: Đóng quân xa đất liền, quanh năm đối mặt với sóng gió, cuộc sống của người lính đảo vẫn còn nhiều gian khó. Phải làm thế nào để anh em cán bộ, chiến sỹ vừa yên tâm công tác, vừa yên lòng với gia đình ở quê hương, câu hỏi đó luôn được Ban chỉ huy đảo bàn bạc, tìm hướng giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những câu chuyện đẹp trên đảo Thổ Chu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO