Trong không khí toàn dân phấn khởi đón chào kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những trang sử vô cùng vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và lãnh đạo.
“Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh với lòng yêu nước nồng nàn, trải qua những chặng đường chiến đấu lâu dài, đầy hy sinh và gian khổ, dân tộc ta sớm có ý thức đoàn kết vì “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Tổng kết lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa I) khi quyết định thành lập Việt Minh: “Sử ta dạy ta rằng: Khi nào dân ta đoàn kết thì nước ta được độc lập; khi nào dân ta chia rẽ thì nước ta bị nước ngoài đô hộ”.
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đã luôn coi trọng, xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng Cộng sản lãnh đạo mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh diễn ra sôi nổi và rầm rộ, ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc thành lập Hội phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Từ Hội phản đế đồng minh cho đến nay, Mặt trận đã trải qua chặng đường 90 năm đầy vẻ vang, góp phần tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc.
Mặt trận dân tộc thống nhất ra đời không phải là một sự ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc đang đặt ra lúc đó là giải phóng dân tộc thoát khỏi tình trạng thuộc địa và nửa phong kiến.
Con đường cứu nước của Đảng Cộng sản Việt Nam do nhà yêu nước vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, khởi xướng với yêu cầu giương cao ngọn cờ độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã quy tụ và phát huy cao độ truyền thống đoàn kết sức mạnh của dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại.
90 năm qua, với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, song Mặt trận Dân tộc thống nhất đều nhằm một mục đích là tập hợp đoàn kết, mở rộng các tầng lớp, các cá nhân yêu nước, mở rộng hàng ngũ những người đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tạo sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các lực lượng trong dân tộc để phấn đấu hoàn thành những mục tiêu cách mạng do Đảng lãnh đạo đề ra.
Khi dân ta còn sống trong vòng nô lệ, các tổ chức Mặt trận từ Hội phản đế đồng minh, Hội phản đế liên minh, Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế, rồi Mặt trận dân chủ đã đi sâu, tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú: từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ tiến tới đấu tranh chính trị, binh vận, địch vận, đấu tranh vũ trang giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đỉnh cao của thời kỳ này là sự ra đời của Mặt trận Việt Minh để thức tỉnh tinh thần dân tộc nhằm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
“Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết!”
Với khẩu hiệu “Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết!”, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng nêu rõ: “Cách mạng Việt Nam lúc này là cách mạng dân tộc giải phóng và thực hiện chủ trương tạm gác khẩu hiệu thổ địa để lôi kéo địa chủ tiến bộ, mở rộng Mặt trận thống nhất chống Pháp - Nhật”.
Việt Minh ra đời với lá cờ đỏ sao vàng và sẽ là cờ Tổ quốc “khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Với mục tiêu đưa ra là “Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam sung sướng, tự do” rất thiết thực và sát hợp với nguyện vọng của nhân dân, có sức lôi cuốn mạnh mẽ sĩ, nông, công, thương, binh, phú hào yêu nước, phu lão thương nòi, nên phong trào và tổ chức Việt Minh phát triển nhanh chóng và sâu rộng ở cả thành thị và nông thôn, trở thành lực lượng chính trị to lớn và hùng mạnh, làm cơ sở cho sự ra đời và phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng và phát triển căn cứ địa cách mạng và quản lý các căn cứ địa cách mạng, các vùng được giải phóng.
Với khẩu hiệu “sắm vũ khí đuổi thù chung” do Đảng và Mặt trận Việt Minh kêu gọi, phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta đã đi từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa và làm nên cách mạng tháng Tám 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đánh giá vai trò của Mặt trận Việt Minh, Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt họp tháng 3 năm 1951 nêu rõ: “Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người Việt Nam phải ghi nhớ. Lịch sử của Việt Minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta”.
Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền non trẻ của nhân dân ta đứng trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nạn đói đe dọa sinh mạng hàng triệu đồng bào. Quân Anh được phái vào tước vũ khí quân Nhật ở miền Nam, lại tiếp tay cho thực dân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ ngày 23/9/1945. Ở phía Bắc, 18 vạn quân Quốc dân Đảng Trung Hoa kéo vào đem theo bọn phản cách mạng có vũ trang nhằm thực hiện âm mưu đen tối là “tiêu diệt Đảng ta”, “phá tan Việt Minh”. Trước tình hình “ngàn cân treo sợi tóc”, để bảo vệ chính quyền cách mạng, làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ thù, nhiệm vụ cấp bách là phải củng cố và mở rộng Mặt trận Việt Minh, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, chuyển vào hoạt động bí mật để tránh mũi nhọn tiến công của kẻ thù.
Thực hiện chủ trương mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm thu hút nhân sĩ, trí thức, quan lại cũ, nhà điền chủ, công thương gia vì một lý do nào đó trước đây chưa có quan hệ với Việt Minh, nay muốn gia nhập một hình thức tổ chức thích hợp để có điều kiện góp phần vào sự nghiệp củng cố nền độc lập của nước nhà, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt chính thức được thành lập và cử Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự, cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng, cụ Tôn Đức Thắng làm Phó Hội trưởng.
Mục đích của Liên Việt là “Đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và các đồng bào vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”.
“Một dân tộc, một Mặt trận”
Sự ra đời của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam là bước phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Việt Minh và Liên Việt đã cùng nhau làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền non trẻ vượt qua sự chống phá của thù trong, giặc ngoài. Năm 1951 cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn Tổng phản công. Yêu cầu cấp bách đặt ra lúc này là thực hiện cho tốt khẩu hiệu “Một dân tộc, một Mặt trận”.
Ngày 3/3/1951 Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt với mục đích “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường và góp sức cùng nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình lâu dài”.
Kế tục sự nghiệp vẻ vang của Việt Minh, của Việt Nam Độc lập đồng minh Hội, Mặt trận Liên Việt đã góp phần quan trọng động viên toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc thực dân Pháp và bè lũ tay sai phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Chiến thắng vang dội của Việt Nam đã thức tỉnh, khích lệ các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và tiến lên xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc để hoàn thành mục tiêu độc lập và thống nhất Tổ quốc. Nhiệm vụ chung của cả nước cũng như mỗi miền đều đã thay đổi. Vì vậy, cần có hình thức tổ chức Mặt trận mới thích hợp để tập hợp mọi tổ chức, cá nhân yêu nước và tiến bộ, nhất là những người ở vùng mới giải phóng.
Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự. Ông Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch. Tuyên ngôn nêu rõ “tha thiết kêu gọi các tầng lớp nhân dân, kêu gọi mọi người Việt Nam, không phân biệt gái, trai, già, trẻ, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, khuynh hướng chính trị và tín ngưỡng tôn giáo; không phân biệt trước đây đã đứng về phe nào nhưng ngày nay tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ hãy xiết chặt hàng ngũ trong Mặt trận để cùng nhau thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận”.
“Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại”
Vừa ra đời, Mặt trận ra sức vận động nhân dân miền Bắc tham gia khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh và làm hậu thuẫn vững chắc cho chính quyền dân chủ nhân dân tiến hành cải cách ruộng đất xóa bỏ giai cấp phong kiến bóc lột, tổ chức và xây dựng cuộc sống mới. Mặt trận tập hợp, đoàn kết toàn dân đấu tranh đòi đối phương thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.
Mặt trận Tổ quốc tổ chức, động viên nhân dân miền Bắc hăng hái thi đua xây dựng, bảo vệ miền Bắc, làm tròn nghĩa vụ của căn cứ địa cách mạng, của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ở miền Nam, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, một yêu cầu khách quan được đặt ra cho cách mạng miền Nam là phải tập hợp, huy động lực lượng đồng bào nhân dân tiến hành đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định để tiến tới hiệp thương hòa bình, thống nhất nước nhà.
Đáp ứng yêu cầu khách quan đó, trong cao trào sục sôi cách mạng của toàn miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với Tuyên ngôn, Chương trình hành động 10 điểm và Lời kêu gọi:
“Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm” với khẩu hiệu: “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc”.
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã đoàn kết các tầng lớp nhân dân miền Nam, được sự chi viện sức người, sức của của nhân dân miền Bắc đã bền bỉ và kiên cường đấu tranh, lần lượt đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Liên Việt, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam không chỉ là ngọn cờ hiệu triệu mà thực sự là tổ chức hành động của mọi tầng lớp nhân dân yêu nước ở miền Nam. Trước khi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập (6/6/1969), Ủy ban Trung ương Mặt trận và Ủy ban Mặt trận các cấp chính là người tổ chức, quản lý mọi mặt đời sống nhân dân ở vùng giải phóng, thực hiện các chức năng của chính quyền cách mạng. Mặt trận có vai trò to lớn trong hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta.
Một thắng lợi quan trọng của chính sách đại đoàn kết dân tộc và chủ trương tranh thủ khuynh hướng hòa bình, trung lập mà Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kiên trì thực hiện là sự ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam vào ngày 20/4/1968 do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sự ra đời và hoạt động tích cực của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”.
Phấn đấu cho mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc, thực hiện thống nhất nước nhà, ngày 6/6/1969, Liên minh cùng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội, các chính đảng, đoàn thể cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ.
Sự kiện quan trọng này có sức cổ vũ mạnh mẽ nhân dân miền Nam, đánh mạnh vào âm mưu của Mỹ cố bám giữ chính quyền Sài Gòn, đồng thời giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ có tư cách pháp lý để tập hợp lực lượng cách mạng.
Phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình đã luôn luôn phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh không gì lay chuyển nổi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đã mở Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thực hiện thống nhất nước nhà, viết nên một trong những trang sử huy hoàng nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam 90 năm qua cho phép chúng ta khẳng định bài học đầu tiên là những thắng lợi vẻ vang, những chiến công oanh liệt của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay, là kết quả của sự chỉ đạo chiến lược đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dân tộc không độc lập thì giai cấp vạn năm không được giải phóng và nhân dân ta mãi mãi phải chịu kiếp ngựa trâu”.
Do vậy, kể từ khi ban hành Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh đến nay, Đảng luôn luôn chú trọng uốn nắn những nhận thức sai trái: “tách rời dân tộc cách mạng với giai cấp cách mạng làm hai đường, mà chưa nhận thức đúng là dân tộc cách mạng vẫn là một nhiệm vụ trong giai cấp cách mạng”.
Lịch sử hoạt động của Mặt trận cho thấy, khi mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp được giải quyết đúng đắn thì lực lượng dân tộc được mở rộng, cách mạng phát triển thuận lợi; ngược lại cách mạng gặp khó khăn, vấp váp thậm chí thất bại.
Bài học thứ hai là cách mạng càng tiến lên thì Mặt trận Dân tộc thống nhất càng phải được mở rộng là một quy luật của sự phát triển. Do vậy, phải không ngừng chăm lo xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các thành viên tổ chức, cũng như cá nhân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nội dung đoàn kết không phải là một đại lượng bất biến, mà đòi hỏi phải bổ sung, hoàn chỉnh, đổi mới theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Ngoài việc đề ra mục tiêu cụ thể, cần phải có chính sách, biện pháp điều hòa lợi ích giữa các giai tầng xã hội theo nguyên tắc: Quyền lợi giai cấp phải phục tùng quyền lợi dân tộc. Vận mệnh của Tổ quốc và dân tộc là tối thượng.
Thứ ba, đoàn kết trong Mặt trận là đoàn kết lâu dài, đoàn kết chân thành và giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ. Quá trình xây dựng khối đại đoàn kết cũng là quá trình đấu tranh với những nhận thức sai trái như: hẹp hòi, định kiến, đồng thời chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết vô nguyên tắc. Bằng phương pháp tự phê bình và phê bình, đồng thời dùng những bộ phận tiên tiến để cảm hóa, lôi cuốn, thuyết phục những bộ phận chậm tiến là biện pháp cơ bản để xây dựng sự đoàn kết trong Mặt trận.
Bài học thứ tư là giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, tăng cường sức mạnh của khối liên minh Công - Nông - Trí là điều kiện tiên quyết để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Thực tiễn chỉ rõ: phải khắc phục khuynh hướng muốn thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp vai trò công nông, đồng thời cũng phải đấu tranh chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi làm cho Mặt trận “teo đi” chỉ mang một nội dung và màu sắc thuần túy công nông.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ lịch sử 90 năm trưởng thành và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong việc vận dụng và giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho nhiệm vụ tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận.