Những chương trình không nên bỏ qua trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Thảo Vy 25/04/2023 13:20

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sẽ có nhiều chương trình diễn ra tại các địa phương trên cả nước nhằm chào mừng 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2023). Đây cũng là dịp để các gia đình nghỉ ngơi, đồng thời là "cơ hội vàng" để phát triển hoạt động quảng bá du lịch.

Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ

Dự kiến có 8 triệu lượt khách đến Lễ hội đền Hùng 2023. Ảnh: MXH.

Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm nay với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, dự kiến sẽ thu hút lượng lớn du khách hành hương về nguồn cội. Nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sẽ được tổ chức với quy mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận.

Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam gồm 5 sự kiện, hoạt động chính: Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hội nghị - Hội thảo "Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch" và Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam.

Theo Ban Tổ chức, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 sẽ có nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá đậm nét các di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là hai Di sản Văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và "Hát Xoan Phú Thọ" để người dân hiểu thêm về các giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ.

Đặc biệt, trong những ngày diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Tuần phim kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam

"Khúc mưa" - bộ phim nhân văn về đề tài hậu chiến. Ảnh: MXH.

Các tác phẩm được trình chiếu trong Tuần phim gồm: Phim tài liệu “Hóa giải”, phim truyện “Khúc mưa” do Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất; phim tài liệu “Ngày cuối của chiến tranh” do Hãng phim Tài liệu và Khoa học TƯ sản xuất; phim truyện “Sinh mệnh”, do Hãng phim Truyện I sản xuất; phim tài liệu “Sống và kể lại” của Trung tâm Phim tài liệu, phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất.

Ngoài ra còn có phim truyện “Cha cõng con” do Tứ Vân Media sản xuất; phim tài liệu “Còn lại với thời gian” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư sản xuất; phim truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do Cục Điện ảnh, Công ty TNHH MTV Phương Nam Phim, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh (Saigon Concert), Công ty CP Truyền thông và Giải trí Galaxy sản xuất.

Tuần phim nhằm tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn, sức sống lâu bền và quá trình kế thừa, vận dụng, phát triển những nội dung cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, phát triển bền vững của đất nước hiện nay.

Đồng thời khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Triển lãm ảnh "Tự hào một dải biên cương" và Ngày hội "Non sông thống nhất"

TP HCM bắn pháo hoa nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam. Ảnh: MXH.

Nằm trong chuỗi hoạt động hấp dẫn tại TP HCM dịp lễ 30-4 và 1-5, triển lãm ảnh "Tự hào một dải biên cương" và Ngày hội "Non sông thống nhất" khai mạc từ 7h30 ngày 25/4 đến ngày 6/5 tại đường Đồng Khởi (phía trước Sở Văn hóa và Thể thao, đối diện Công viên Chi Lăng, Lễ khai mạc tại Công viên Lam Sơn); Cung Văn hóa Lao Động (quận 1).

Đồng thời, TP HCM còn tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang Thành phố; Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt (1943-2023), diễn ra lúc 19h thứ Sáu, ngày 28/4/2023, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Dịp này, TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 2 điểm, điểm bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đường hầm vượt sông Sài Gòn và tầm thấp ở Công viên văn hóa Đầm Sen, thời gian bắn pháo hoa trong 15 phút, từ 21h đến 21h15 ngày 30-4.

Thứ Hai, ngày 1/5/2023, diễn ra 19h tại quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.

Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn năm 2023

Lễ hội Hát môn của người dân Phúc Thọ nhằm tưởng nhớ công ơn của Hai Bà Trưng. Ảnh: MXH.

Lễ hội đền Hát Môn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2016. Đây là lễ hội được tổ chức quy mô cấp vùng nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của Hai Bà Trưng - 2 vị nữ Anh hùng đầu tiên của dân tộc với điểm độc đáo là nghi thức rước và dâng cúng bánh trôi

Năm 2023, Lễ hội diễn ra trong ba ngày: 23, 24, 25/4 (tức mùng 4, 5, 6 tháng 3 năm Quý Mão). UBND huyện Phúc Thọ tổ chức dâng hương kỷ niệm 1980 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng vào chính hội (25/4).

Từ sáng 23/4, Lễ hội đền Hát Môn diễn ra các nghi thức lễ gồm: Tổ chức tế cáo yết, tế của các di tích thuộc Hội liên hiệp các di tích thờ Hai Bà Trưng và tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, lễ của dân làng, lễ của khách thập phương.

Phần hội gồm tổ chức hội thao công nhân viên chức và người lao động huyện Phúc Thọ, chương trình văn nghệ quần chúng, hội diễn văn nghệ đàn hát dân ca và nhạc cổ truyền, tổ chức các trò chơi dân gian.

Bên cạnh ngày lễ chính, nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng sẽ được tổ chức đan xen vào dịp này. Đây cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Phúc Thọ nhằm tưởng nhớ công ơn của Hai Bà Trưng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chương trình không nên bỏ qua trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO