Một nghiên cứu công bố ngày 1/8 cho biết các cơn bão ở Đông Nam Á đang có dấu hiệu hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và kéo dài hơn trên đất liền do biến đổi khí hậu.
Kết quả nghiên cứu này thuộc về nhóm các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore và Đại học Rowan và Đại học Pennsylvania ở Mỹl; sau khi phân tích hơn 64.000 cơn bão trong lịch sử lẫn trong tương lai được mô hình hóa từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 21.
Đáng chú ý, nghiên cứu cho rằng đã có những thay đổi đáng kể trong hành vi của các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á. Bên cạnh việc hình thành gần bờ biển hơn, các cơn bão còn di chuyển chậm hơn trên đất liền, gia tăng nguy cơ khi chúng kéo dài và mạnh hơn. Họ gọi đó là “sự biến hình” của các cơn bão trong điều kiện biến đổi khí hậu với sự nóng lên của đại dương đã tác động trực tiếp đến quỹ đạo của các cơn bão.
Tiến sĩ Andra Garner, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết khi di chuyển qua vùng biển ấm hơn, các cơn bão thu hút nhiều hơi nước và nhiệt lượng hơn, dẫn đến gió mạnh hơn, mưa lớn hơn và lũ lụt nghiêm trọng khi đổ bộ vào đất liền. Còn theo tiến sĩ Benjamin Horton - Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore (thuộc Đại học Công nghệ Nanyang) thì do sự biến hình của những cơn bão, khu vực đông dân cư dọc bờ biển Đông Nam Á đang là điểm nóng chịu tác động nặng nề nhất. Vì thế việc tăng cường phòng thủ bờ biển là điều cấp thiết của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Kết quả nghiên cứu kể trên chưa cập nhật cơn bão Gaemi mới đây. Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, đây lại càng thêm bằng chứng để khẳng định kết quả nghiên cứu cũng như cho thấy sự biến hình của bão là có thật.
Bão Gaemi khi hình thành ngoài khơi không cho thấy độ quá nguy hiểm. Nhưng rồi sau 4 ngày luẩn quẩn trên biển, nó bất ngờ mạnh lên nhanh chóng, trở thành siêu bão với tốc độ gió ở tâm bão lên tới hơn 250km/h. Còn đáng sợ hơn khi nó lừng lững tiến vào quần đảo Philippines, chuyển hướng sang Đài Loan (Trung Quốc) rồi tiến sâu vào Trung Hoa đại lục. Trong khi đó, một “nhánh” khác của bão Gaemi gây mưa lớn ở Nhật Bản. Như vậy, Gaemi đã trở thành cuồng phong trên một khu vực địa lý rất rộng lớn.
Theo Tân Hoa xã, khoảng 628.600 người ở tỉnh Phúc Kiến đã bị ảnh hưởng bởi bão Gaemi. Trong số này, 290.000 cư dân đã phải sơ tán để tránh bão. Với tốc độ gió 118,8 km/h, cơn bão đã đổ bộ vào thành phố Phủ Điền của tỉnh Phúc Kiến rồi quét qua tỉnh Giang Tây. Mưa to trút xuống hơn 100 thị trấn, có nơi ghi nhận lượng mưa cao nhất là 512,8 mm - lập kỷ lục trong vòng 1 thế kỷ. Nếu tính từ Phủ Điền, phạm vi ảnh hưởng của trận bão này lên tới gần 2.000km. Mưa lớn kéo dài khiến nước sông Dương Tử cũng như các hồ nước ngọt rộng lớn là Bà Dương và Động Đình dâng cao cực kỳ nguy hiểm.
Theo nhà khoa học Zhang Wenxia (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), biến đổi khí hậu đang gây ra những thay đổi trong mô hình mưa trên khắp thế giới và điều này đã gia tăng sức mạnh của các cơn bão. Phân tích dữ liệu khí tượng, tiến sĩ Zhang cho rằng khoảng 75% diện tích đất trên thế giới đã chứng kiến sự gia tăng về biến động lượng mưa hoặc sự thay đổi lớn hơn giữa thời tiết ẩm ướt và khô hạn.
Một vấn đề nữa cũng gây nhiều quan ngại từ biến đổi khí hậu chính là các hình thái thời tiết như bão, luồng không khí lạnh, luồng không khí ấm, cũng như sự chuyển động của không khí xung quanh các ngọn núi có thể gây ra sự nhiễu động không khí khi máy bay bay qua.
Giáo sư Thomas Guinn (Đại học Hàng không Embry Riddle, Florida, Mỹ) cho biết, sự gia tăng của những sự cố hàng không tính từ đầu năm tới nay cho thấy bầu khí quyển ngày càng không an toàn trước sự nhiễu loạn không khí một cách đột ngột.
Giáo sư Khoa học Khí quyển (Đại học Reading Paul Williams, Anh) cho rằng nếu như chúng ta có thể nhận diện được những cơn bão, thì lại rất khó cảnh báo các luồng khí quyển liên quan đến độ đứt gió - những thay đổi đột ngột về tốc độ hoặc hướng gió.
Giáo sư Williams dự đoán, nhiễu động có thể gia tăng đáng kể trên khắp thế giới trong những thập niên sắp tới do biến đổi khí hậu. "Tính trung bình, trong mỗi chuyến bay vượt Đại Tây Dương, hành khách sẽ phải trải qua 10 phút nhiễu động. Nhưng tôi cho rằng, thời gian tới con số này sẽ tăng lên thành 20 phút hoặc nửa tiếng” - vị giáo sư nói.
Chuyên gia về bão Brian McNoldy (Đại học Miami, Mỹ) cho rằng nhiệt độ Đại Tây Dương lập kỷ lục sẽ tạo ra những cơn bão dữ dội. Nói với Washington Post ngày 31/7, tiến sĩ McNoldy cho rằng, tính từ năm 1983 thì mùa bão năm nay ở Thái Bình Dương sẽ cho thấy nhiều bất ngờ. Việc mùa bão đến chậm là điểm khác thường cho thấy nhiều khả năng rất dữ dội, thậm chí ở mức kỷ lục. Trong khi đó, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) dự báo có khoảng 4 cơn bão nhiệt đới cực mạnh ở Thái Bình Dương trong năm nay và kéo dài tới tháng 11 mới chấm dứt.