Những công trình xứng tầm

Thu Hương 10/01/2017 10:00

Tối 15/1, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt V.

Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN lần thứ 4.

Có 9 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

Theo GS. TSKH Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước lĩnh vực lịch sử - văn hóa, Giải thưởng năm nay không hạn định về số lượng, chỉ căn cứ vào chất lượng, giá trị của công trình để xét trao giải.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai Giải thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho tác giả, đồng tác giả của các công trình, cụm công trình KH&CN tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế xã hội, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống; là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo BTC, ở lần trao giải thứ V này, lần đầu tiên thực hiện việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được thực hiện theo các quy định rất khắt khe tại Nghị định 78/NĐ-CP ngày 30-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ (hiệu lực thi hành từ 15/9/2014) và Thông tư 31/2014/TT-BKHCN ngày 6/11/2014 của Bộ KH&CN. Bộ KH&CN đã thành lập 19 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước để đánh giá các hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng trước khi Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá xét tặng giải thưởng.

Trong đó, nhiều công trình có các tác giả có tuổi đời còn rất trẻ, trung bình dưới 40 tuổi như công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”.

BTC Giải thưởng cũng cho biết, các Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Hội đồng cấp nhà nước với 200 nhà khoa học đã làm việc công tâm, khách quan, dân chủ, trung thực, tuân thủ đúng theo các nội dung quy định.

Các công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng và trình Hội đồng cấp Nhà nước lần này gồm 61 công trình, trong đó có 17 công trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 44 công trình xét tặng Giải thưởng Nhà nước.

Kết quả, các công trình được Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá và đề nghị xét tặng thưởng gồm 9 công trình đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh, 7 công trình đề nghị Giải thưởng Nhà nước.

Đánh giá về các công trình được trao giải, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng số lượng giải năm nay không nhiều nhưng giá trị thực tiễn lớn. 16 công trình được chọn đều xứng đáng trên mọi phương diện về tiêu chí, uy tín khoa và ảnh hưởng quốc tế. Trong đó, 3 tiêu chí để Hội đồng căn cứ xét giải là phải đảm bảo xuất sắc về KH&CN; có đóng góp rõ ràng về mặt khoa học; có ý nghĩa thực tiễn và hiệu ứng xã hội.

Cụ thể, những công trình được đề nghị xét giải thưởng lần này đều đã có ảnh hưởng trong giới khoa học và xã hội, đều đã được công bố ít nhất 3 năm.

Ví dụ, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” của GS Mai Trọng Khoa giúp chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh và hiệu quả điều trị cho nhiều loại ung thư. Nhờ đó, hàng chục nghìn bệnh nhân ung thư đã có được phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả và an toàn, được thụ hưởng công nghệ chẩn đoán, điều trị hiện đại với chi phí phù hợp ngay tại Việt Nam.

Cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” của TS Hoàng Đức Thảo được đánh giá là đã thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, được ứng dụng hiệu quả cao trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình về ứng phó biến với biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Về khoa học xã hội, nhân văn, công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận” của GS Phan Huy Lê đã có đóng góp rất lớn trong đấu tranh chủ quyền. Việc làm hồ hơ đề nghị UNESCO công nhận di sản Hoàng thành Thăng Long nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long cũng dựa trên nền tảng, cơ sở khoa học từ công trình nghiên cứu này của GS Phan Huy Lê.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những công trình xứng tầm