Với việc khan hiếm kịch bản mới, phim Việt trong những năm qua đang phụ thuộc nhiều vào các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng chung việc chuyển thể, cải biên những sản phẩm điện ảnh này vẫn chỉ dừng ở việc “sao y bản chính” mà thiếu đi sự sáng tạo, đột phá.
Những phóng tác dang dở
Không thể phủ nhận điện ảnh Việt Nam đang sở hữu một kho tàng đồ sộ những bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học. Có thể kể đến như “Chị Dậu” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố), “Vợ chồng A Phủ” (dựa trên tác phẩm cùng tên của Tô Hoài), “Mẹ vắng nhà” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Thi), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ một số truyện ngắn của Nam Cao), “Mê Thảo - thời vang bóng” (chuyển thể từ tác phẩm “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân)...
Gần mười năm trở lại đây khi điện ảnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ thì số lượng các phim điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng nhiều và đa dạng hơn. Như phim “Thiên mệnh anh hùng” (chuyển thể từ tác phẩm “Bức huyết thư” của Bùi Anh Tấn), “Chuyện của Pao” (chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy), “Cánh đồng bất tận” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư)...
Mới đây nhất “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc” (chuyển thể từ 2 tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) và “Tấm Cám: Chuyện chưa kể…” (lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám) không chỉ tạo được tiếng vang mà còn thu về những khoản doanh thu lớn.
Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà các nhà sản xuất lựa chọn một tác phẩm văn học dày hàng trăm trang để chuyển thể thành bộ phim điện ảnh chỉ vỏn vẹn một vài giờ đồng hồ. Ở đó, sự hấp dẫn của các tác phẩm văn học chính là câu chuyện được kể mang đậm hơi thở cuộc sống, hơi thở thời đại với những bài học về ý nghĩa nhân sinh. Cùng với sự nổi tiếng trước đó của tác phẩm văn học là một “điểm cộng” cho công tác quảng bá, đưa bộ phim đến gần hơn với công chúng.
Tuy nhiên, trong thị trường ngày một khốc liệt của điện ảnh Việt Nam nguồn tài nguyên màu mỡ này đang có dấu hiệu chững lại. Ngày đầu năm 2021 đến nay điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến sự thất bại của hàng loạt bộ phim xuất phát từ tác phẩm văn học như “Cậu vàng”, “Kiều”, “Kiều@”… Bên cạnh yếu tố do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nhiều bộ phim đã thất bại ngay từ lúc vừa ra rạp vì nội dung chứa đựng những yếu tố thiếu tính sáng tạo, đột phá.
Đơn cử như bộ phim “Kiều @” dù được phóng tác chỉ lấy cảm hứng từ nhân vật Kiều và đặt trong bối cảnh đời sống hiện đại hôm nay, song lại thiếu thu hút vì nội dung đưa ra không thuyết phục được khán giả, thậm chí có ý kiến trong giới phê bình coi đây là một “thảm họa” của phim Việt.
Hay như bộ phim “Cậu Vàng” vừa mới phát hành ra rạp đã ngay lập tức bị dư luận phản ứng gay gắt. Kết quả là “Cậu Vàng” phải dừng cuộc chơi sau một tuần thua lỗ.
Phải thoát được cái bóng của tác phẩm văn học
Thực tế cho thấy, thất bại của những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học là điều đã được tiên liệu trước. Bởi ngoài việc tham gia những cuộc đua không khoan nhượng tại phòng vé với các bộ phim trong và nước ngoài thì việc thoát ra khỏi “cái bóng” của nội dung tác phẩm văn học là thách thức không nhỏ.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhìn nhận, văn học và điện ảnh là hai loại hình sáng tạo hoàn toàn độc lập. Chuyển thể toàn bộ tác phẩm văn học hay một phần tác phẩm đó hoặc chỉ khai thác ý tưởng của câu chuyện văn học để sáng tạo nên một tác phẩm điện ảnh hoàn toàn mới là lựa chọn mang tính cá nhân của đạo diễn, nhà sản xuất phim. Có rất nhiều con đường khác nhau đưa một tác phẩm văn học đến với điện ảnh, tùy theo góc tiếp cận của đạo diễn để qua đó tạo ra một phiên bản mới trong hình hài điện ảnh.
Nhưng dù ở góc độ nào chăng nữa, sự sáng tạo của đạo diễn cũng không được phép phá hỏng hình tượng nhân vật, phải phù hợp tâm lý tiếp nhận của người xem… thì bộ phim mới có thể được công chúng đón nhận. Vấn đề đặt ra là vừa phải tôn trọng tác phẩm văn học, vừa phải tìm cách vượt lên để mang đến những cảm xúc mới cho người xem.
“Đây được xem là một lộ trình khó khăn với bất kỳ nhà làm phim nào. Nếu vượt qua, thành quả của các nhà làm phim sẽ hết sức giá trị, nhận được hưởng ứng tích cực của người xem”, đạo diễn nói.
Bên cạnh yếu tố đột phá về nội dung, một trong những điểm yếu của nhiều phim chuyển thể hiện nay là chưa nắm bắt được nhu cầu của khán giả, nhất là trong thời mạng xã hội đang nở rộ. Thời đại công nghệ số phát triển sự cởi mở trong cách nhìn, cách tiếp cận tác phẩm điện ảnh phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết của khán giả về nghệ thuật điện ảnh. Mỗi bộ phim ngay sau khi ra rạp sẽ phải đối mặt với hàng loạt những khen chê từ khán giả trên mạng xã hội.
Không ít đạo diễn tỏ ra ngần ngại khi nhắc đến khán giả, thậm chí “sợ” đối mặt với những chỉ trích, nhặt sạn từ người xem. Nhiều đạo diễn, diễn viên cũng thừa nhận họ không dễ vượt qua những bình luận có tính “bảo thủ” của nhiều khán giả.
Chính vì vậy, một trong những điểm then chốt mang đến “thành hay bại” của một bộ phim là các nhà làm phim cần sự thấu hiểu khán giả. Khi chọn tác phẩm văn học để chuyển thể, các nhà làm phim cần tìm hiểu để biết khán giả của mình muốn gì, và để thành công, họ cần sáng tạo trên cơ sở đáp ứng kỳ vọng chính đáng của khán giả. Nếu không, dù sản phẩm sáng tạo công phu, tốn kém bao nhiêu cũng dễ sẽ bị công chúng khước từ.