Những giá trị kết tinh trong mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đã và đang khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong việc làm thay đổi thiết chế văn hóa cơ sở. Qua “lăng kính” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ và chuyên gia, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đã vượt qua yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và cần vượt ra khỏi “không gian của Hà Tĩnh”.
Hướng đến xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu
Trong xây dựng NTM, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với văn hóa là xây dựng đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM và dưới sự hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, nhiều địa phương đã xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển văn hóa.
Từ đó, các tiêu chí văn hóa được triển khai đồng bộ, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhưng nhiều nơi còn lúng túng trong việc thực hiện. Cơ sở vật chất văn hóa tại các xã đạt chuẩn NTM, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu theo Quyết định 318/QĐ-TTg và Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2022 thì cơ sở vật chất văn hóa ở các địa phương hiện nay vẫn còn đơn điệu, chưa phát huy được công năng và đặc biệt, đời sống văn hóa tinh thần người dân ngày một nâng cao nên thiết chế văn hóa hiện nay không theo kịp sự phát triển chung của xã hội. Việc này, các địa phương trên cả nước vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại Hà Tĩnh như một điểm sáng để các địa phương có thể tham khảo học tập.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - người luôn đau đáu với đời sống vật chất, tinh thần người dân nơi đây chia sẻ: “Khi chứng kiến người dân, nhất là thế hệ trẻ chơi những trò chơi dân gian, hiểu về truyền thống văn hóa quê hương, được học hỏi, trau dồi kiến thức, mở mang trí tuệ… tất cả quy tụ, yêu thương nhau trong NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ, tôi thấy rất vui. Quan điểm của tôi cũng như của tỉnh trong xây dựng NTM là không chạy theo thành tích, không làm theo kiểu “phong trào” mà hướng đến thực chất. Xây dựng NTM điều cốt yếu là phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn”.
Gắn bó với Hà Tĩnh một thời gian dài và cùng làm NTM với người dân địa phương này, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng NTM Trung ương hiểu hơn ai hết về mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”.
Ông Anh khẳng định, bản thân các thiết chế văn hóa cơ sở ở Hà Tĩnh từ thôn đến xã tương đối đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân đối với hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Từ đó, hàng loạt câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao hình thành, hoạt động sôi nổi trong cộng đồng dân cư. Việc trang bị đầy đủ về mặt thiết chế mới dẫn đến việc các cơ quan chức năng xây dựng ý tưởng về mặt nội dung.
Theo ông Anh, đây là mô hình mới và ít nhiều có ý kiến trái chiều. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng “Ngôi nhà trí tuệ” chỉ là “bình mới rượu cũ” hay là mang tính “phong trào”. Một số nơi còn nhầm tưởng đây là mô hình mới, khác hoàn toàn so với NVH.
“Thực chất, mô hình Ngôi nhà trí tuệ là một cách tiếp cận mới để phát huy giá trị của các thiết chế văn hóa lên một tầm cao mới chứ không phải thay mới hội quán thôn (NVH). Huyện Hương Sơn của Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện Ngôi nhà trí tuệ rất mạnh mẽ, như một phong trào. Thấy được giá trị và lợi ích cho dân như thế nào thì Hương Sơn mới làm mạnh như thế” - ông Phương Đình Anh nói.
Cũng theo ông Anh, các hoạt động trong “Ngôi nhà trí tuệ” đã làm được việc hết sức quan trọng đó là rèn luyện, trau dồi, bổ sung kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi ở cơ sở. Thứ nữa, mô hình còn góp phần phục hồi những bản sắc văn hóa dân gian vốn đang mai một dần trong đời sống hiện đại. Nếu như không có “Ngôi nhà trí tuệ”, những giá trị này dần dần sẽ bị quên lãng. Không những vậy, mô hình còn đưa văn hóa đọc - vốn tưởng là đơn giản, nhưng lại đang là thứ gì đó xa xỉ, đến với người dân nông thôn.
“Điều đặc biệt nhất tôi cho rằng “Ngôi nhà trí tuệ” đã đạt được đó là tính kết nối. Các câu lạc bộ, các trò chơi, các môn thể dục, thể thao… kết tinh trong “Ngôi nhà trí tuệ” tạo ra sự giao lưu văn hóa, giao lưu kiến thức, là không gian cho sự gần gũi giữa thanh thiếu nhi ở nông thôn với sinh viên các trường đại học, học sinh ở các trường THPT. Từ đó, các giá trị văn hóa, tinh thần đoàn kết, sự yêu thương… lan tỏa mạnh mẽ” - ông Anh nhấn mạnh.
Phó Chánh Văn phòng NTM Trung ương còn cho rằng, những giá trị từ “Ngôi nhà trí tuệ” đã vượt qua tiêu chuẩn trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM, đáp ứng tiêu chí xây dựng Khu dân cư NTM thông minh, xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.
“Các địa phương khác trên cả nước hoàn toàn có thể ứng dụng mô hình này vào địa phương để xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Mỗi địa phương sẽ có đặc thù riêng, trên cơ sở mô hình của Hà Tĩnh có thể sáng tạo thêm để phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa bản địa” - ông Anh nói.
Cần lan tỏa mô hình của Mặt trận
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hà Tĩnh (ngày 13/12/2021), trước khi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác đã đến thăm “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).
Đi giữa khuôn viên khang trang, rộng rãi của “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh, chứng kiến người dân với mọi lứa tuổi nô nức tham gia các trò chơi dân gian, các môn thể dục thể thao bổ ích như nhảy dây, ô ăn quan, cờ tướng, bóng chuyền hơi, cầu lông, nhảy dân vũ, hay đọc sách, nghiên cứu tài liệu… Các hoạt động bổ ích, thiết thực được người dân đón nhận, hứng khởi tham gia tại mô hình mới của Hà Tĩnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến hết sức ấn tượng.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đã phát huy tối đa công năng sử dụng của NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ. Với cách bố trí, sắp xếp bài bản, NVH vừa là nơi hội họp của bà con, vừa là nơi tránh trú mỗi khi bão, lũ về. Đặc biệt, đây còn là nơi vui chơi, nâng cao thể lực, trí tuệ cho bà con nhân dân, là nơi để phát huy văn hóa đọc. “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thực sự đã gắn kết cộng đồng dân cư, vun đắp tình đoàn kết nhưng đồng thời là nơi để bà con nâng cao dân trí, phát triển con người với đầy đủ đức - trí - thể - mỹ.
Ngay tại “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp ở Hà Tĩnh cần phát huy hơn nữa lợi ích, giá trị từ “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”. “Trước hết, phải bảo vệ tốt tính mạng, của cải cho bà con trước thiên tai. Tiếp đến, cần đa dạng hóa các hoạt động thể dục, thể thao, các câu lạc bộ, bổ sung sách, thiết bị… để thu hút nhiều người dân tham gia hơn. Các hoạt động, trò chơi phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tăng cường văn hóa đọc để bồi dưỡng, vun đắp trí tuệ cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn đề nghị Hà Tĩnh xem xét nhân rộng mô hình ý nghĩa, thiết thực này để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con nhân dân và trở thành nơi tập hợp, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết: MTTQ Việt Nam đang hoàn thiện đề án để trình Ban Bí thư Trung ương Đảng có kết luận về “Mô hình Tự quản ở cộng đồng dân cư”. Sau khi thăm mô hình “NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên), chúng tôi nhận thấy cần thiết phải bổ sung mô hình này vào đề án.
Quả thực, sau một thời gian ngắn thí điểm, thực hiện mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, đời sống văn hóa, tinh thần của Hà Tĩnh khởi sắc hoàn toàn. Đặc biệt, dịp hè như thế này, “Ngôi nhà trí tuệ” trở thành nơi hội tụ các giá trị văn hóa và lan tỏa tình đoàn kết, bác ái, yêu thương.
(Còn nữa)