Nam Bộ đang trong đợt triều cường cao. Năm nào cũng vậy, ở TP HCM, ở Cần Thơ... khi triều cường đến, người ta lại bàn cách chống ngập. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản buộc người dân phải tự trang bị kỹ năng để sống chung với ngập lụt.
Triều cường tấn công, người dân phải "đắp đê" ngăn nước tràn vào nhà.
Người ta trữ vàng, tôi đi trữ cát
Từ chiều ngày 28/10, triều cường từ các sông ở Sài Gòn bắt đầu lên nhanh, chỉ trong vài giờ đồng hồ nhiều nơi đã ngập chìm trong mênh mông nước. Tại một số tuyến đường như hẻm Sin Co, Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè), An Dương Vương (quận 8), Đoàn Văn Bơ, Nguyễn Tất Thành (quận 4)…nước ngập khiến cho mọi sinh hoạt của người dân đảo lộn.
Thời điểm đó cũng là lúc tan tầm, nước ngập, xe chết máy, nhiều người chật vật vừa lội nước vừa cố đẩy chiếc xe của mình để mau thoát ra khỏi vùng ngập lụt. Mỗi khi có ôtô, xe tải chạy qua tạo thành sóng nước bắn ra tóe hai bên đường.
Khổ nhất là mấy bà, mấy chị bán hàng trên vỉa hè hay đầu các con hẻm. Bàn ghế, bếp, nồi xong… ngập hết trong nước.
“Nước ngập như thế này thì buôn bán gì nữa, phải đợi nước rút bớt may ra mới có khách cô ạ. Chúng tôi sống ở Sài Gòn lâu cũng đã quen, bữa nào ngập như này đều phải dọn về muộn vài tiếng, gỡ thêm được đồng nào hay đồng đó”- bà Hoa, chủ một tiệm ăn vặt trên đường Huỳnh Tấn Phát cho biết.
Một người dân ở khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, TP.HCM) than thở sau trận mưa lớn chiều ngày 29/10:“Chỉ vài tiếng sau trận mưa chúng tôi bị vây hãm bởi dòng nước đen ngòm cuốn theo đủ loại rác rưởi hôi thối. Nhà tôi phải dùng những bao cát dự trữ để chèn trước cửa vừa ngăn nước bẩn vừa ngăn rác. Mọi sinh hoạt như đảo lộn, chân tường ẩm mốc quanh năm. Xe máy, xe đạp thường xuyên ngâm trong nước. Máy bơm để chống ngập thì hầu như nhà nào cũng phải chuẩn bị sẵn để bơm nước ra ngoài. Nói chẳng ai tin chứ người ta trữ vàng trữ bạc gia đình tôi chỉ mong trữ cát để ngăn nước thôi”.
29.000 tỷ đồng là số tiền mà TP HCM đã đầu tư cho công tác chống ngập trong 10 năm qua. Cùng với đó có rất nhiều cuộc họp, hội thảo, góp ý kiến…để bàn về giải pháp chống ngập cho TP HCM. Thế nhưng mọi việc vẫn như thể giậm chân tại chỗ. Mỗi khi mưa to hay triều cường là điệp khúc ngập lụt lại xảy ra.
Giới chuyên gia cho rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng việc lấn chiếm kênh rạch, san lấp như hiện nay trong khi công trình thoát nước chỉ được đầu tư nhỏ giọt thì mực nước sông Sài Gòn năm sau sẽ còn cao hơn năm trước nếu thành phố không có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín, nguyên nhân ngập lụt ngày càng tăng là do điều kiện tự nhiên của Sài Gòn không thuận; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; quản lý nhà nước về thoát nước và chống ngập còn quá nhiều bất cập…
Hiện các giải pháp đặt thêm cống, làm đê bao, van ngăn triều, xây hồ điều tiết chỉ là tình thế mang lại kết quả tạm thời và 10 năm qua mới chỉ giải quyết được khoảng 10% tình trạng ngập ở thành phố. Trong khi tình trạng ngập do mưa, do triều cường ngày càng trầm trọng.
Mới đây nhất, tại buổi giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng- Phó giám đốc Trung tâm chống ngập thành phố cho biết: Đến nay thành phố mới chỉ lắp đặt được hơn 2.500 km cống thoát nước chống ngập các loại (trên tổng số 6.000 km). Về đê bao ngăn triều và nước mưa, mới chỉ làm được 64/149 km ở khu vực sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều (cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè)…
Dự báo trong tháng 11 sẽ có một đợt triều cường nữa. Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ cảnh báo, mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có khả năng đạt cấp độ 2 tại khu vực TP HCM; cấp độ 1 tại khu vực hạ lưu sông Tiền, sông Hậu. Một số vùng trũng thấp sẽ xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Người dân phải hết sức lưu ý.
Ngập năm sau cao hơn năm trước
Không chỉ tại TP HCM, cảnh ngập lụt cũng diễn ra thường xuyên, liên tục tại TP Cần Thơ và việc sống chung với ngập lụt lâu nay cũng là khái niệm khá quen thuộc với người dân đô thị này.
Nhiều tuyến đường ở Cần Thơ bị ngập do triều cường.
Mới đây nhất, sau một trận mưa khoảng 2 tiếng đồng hồ chiều 28/10, nhiều tuyến đường ở trung tâm quận Ninh Kiều nước đã ngập sâu từ 40 - 60cm như đường 30/4, Lê Bình, Nguyễn Văn Cừ nối dài, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Hoài… Đặc biệt, ở đầu đường Nguyễn Văn Linh giao với đường 3/2 và đoạn trước cổng bến xe khách Cần Thơ nước ngập sâu lại có lưu lượng xe đông khiến giao thông như tắc nghẽn, người và xe phải ngâm cả gần tiếng đồng hồ mới thoát ra được.
Nhiều người bán hàng rong trên vỉa hè một số tuyến đường như Nguyễn Văn Cừ nối dài, 30-4 than thở, cứ ngập lụt như này không biết việc buôn bán của chúng tôi thế nào. Làm gì có khách nào chịu ngồi ngâm nước để ăn quà nữa. Thêm vào đó, nước cống tràn lên hòa với nước mưa khiến mùi hôi ngột ngạt vô cùng. Khổ nhất là nhiều đứa trẻ lội bộ từ trường về nhà, cứ ngâm thứ nước đó hoài kiểu gì chẳng mắc bệnh ngoài da.
Theo kiến trúc sư Trần Kiều Định- Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Cần Thơ thì nguyên nhân gây ra ngập úng tại đây ngày một nghiêm trọng là do hệ thống sông rạch thoát nước không được quan tâm tu bổ, khai thông. Hiện thành phố có hơn 150 con sông, rạch chảy qua nhưng ngày càng bị bồi lắng, bị lấn chiếm nên khả năng thoát nước kém. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa vùng trung tâm thành phố nhanh làm kín hết quỹ đất nên việc thấm, thoát nước khó khăn.
Cùng quan điểm này, ông Bùi Quang Minh- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, các tuyến đường nội ô các quận như Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng thường xuyên bị ngập sâu khi xuất hiện triều cường, mưa lớn do cơ sở hạ tầng nhiều bất cập, đê bao, đường sá, cầu giao thông... chưa đảm bảo an toàn khi bị thiên tai tác động. Nguyên nhân do quá trình thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thời gian qua chưa lồng ghép yếu tố thiên tai để tăng cường sức chịu đựng, ứng phó của các công trình. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu thoát nước chưa đủ năng lực trước thực trạng phát triển đô thị, lượng mưa biến đổi khác thường gây ngập nặng.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, từ nay đến cuối năm 2015, TP này sẽ xuất hiện các đợt triều cường tương đối mạnh. Riêng, con nước đầu và giữa tháng 11, dự báo có khả năng lên cao ở mức xấp xỉ báo động III (1,90m)..
Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành; UBND và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm việc chủ động chống ngập úng, hạn chế thiệt hại do sạt lở bờ sông do triều cường gây ra; kiểm tra, kịp thời phát hiện đê bao xung yếu để có biện pháp khắc phục, gia cố; rà soát các phương án “4 tại chỗ” để đảm bảo an toàn ứng phó khi sự cố xấu xảy ra; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ trong các đợt triều cường, mưa lớn...
Ngoài ra, cũng là một tin vui với người dân TP Cần Thơ, theo bà Võ Thị Hồng Ánh- Phó Chủ tịch UBND thành phố, hiện thành phố đang có những tác động mạnh mẽ vào hệ thống sông rạch để chống ngập úng cho nội ô, với việc triển khai nhiều dự án cũng như mời gọi hỗ trợ, đầu tư vào các dự án xây dựng kè, nạo vét lòng sông, rạch và xây dựng mới một số hồ điều tiết nước trong nội ô…
Từ thực tế trên cho thấy, ngoài tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…thì nguyên nhân chính khiến ngập lụt ngày càng tăng chính là do sự tác động của con người trong cơn lốc đô thị hóa hiện nay.
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM đang nghiên cứu dự án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng, dự kiến sẽ chuyển cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thẩm định trong thời gian tới. Theo dự án này quy hoạch hệ thống hồ điều tiết của TP làm 2 loại. Một loại hồ điều tiết có kích cỡ lớn vài trăm hecta, loại còn lại là những hồ có diện tích nhỏ, vài ngàn mét vuông hoặc thậm chí chỉ là bể chứa được 1 - 2m3 nước đặt dưới nền hoặc trên mái nhà của dân. Tuy nhiên, xung quanh dự án này còn rất nhiều ý kiến khác nhau. |