Từ vùng đồng bằng hạn hán ở phía bắc Afghanistan đến những con phố lạnh giá của thủ đô Kabul, cuộc sống của rất nhiều đứa trẻ đang bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này.
Lời nhắc nhở về thực tế nghiệt ngã
Tổ chức Save the Children kết hợp cùng nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Jim Huylebroek, đã ghi lại những thảm kịch đang diễn ra đối với người dân Afghanistan khi đất nước này đánh dấu 6 tháng kể từ khi chuyển giao quyền lực.
Những bức ảnh đã kể lại câu chuyện về cuộc chiến sinh tồn của họ: các gia đình không thể đưa ra quyết định về việc đứa trẻ nào họ có đủ khả năng để nuôi, và đứa trẻ nào sẽ đói; những bà mẹ phải sinh con một mình trên sàn đất bẩn vì không đủ tiền đi bệnh viện; trẻ em buộc phải lao động trên đường phố để kiếm đủ tiền mua thức ăn.
Ở phía bắc Afghanistan, Laalah, 12 tuổi, sống cùng mẹ và 4 anh chị em trong một căn lều dựng bằng những tấm bạt ở tầng hầm của một tòa nhà đang xây dở.
Cha của cô bé, ông Maalek, đã phải vật lộn để tìm việc làm thuê nuôi sống gia đình. Đôi khi cuộc sống quá khó khăn, không còn cách nào khác, những người con của ông sẽ phải đi bới rác để bán hoặc kiếm đồ đốt để giữ ấm cho ngôi nhà của họ.
Maalek, 40 tuổi, buồn bã nói: “Bất cứ khi nào bọn trẻ được nghỉ học, chúng đều đi ra ngoài và nhặt rác. Chúng thường đi lang thang ngoài đường phố, nhặt nhạnh và bán phế liệu để có thể tự trang trải chi phí học tập và mua thức ăn cho chính mình”.
“Ước mơ của tôi là tìm thấy một nơi nào đó an toàn, xây dựng cho gia đình tôi một nơi ở tử tế. Tôi không muốn tiếp tục sống vô gia cư như vậy nữa”, ông thở dài.
Laalah lại lạc quan hơn: “Cháu hy vọng sẽ có trường học trong tương lai. Cháu rất muốn đến trường để học trở thành giáo viên hoặc bác sĩ. Cháu muốn cuộc sống của chúng ta đều trở nên tốt đẹp và được ăn những món ăn ngon”.
Gần 5 triệu trẻ em Afghanistan đang trên bờ vực của nạn đói khi quốc gia này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong những năm qua.
Bộ ba tác động từ hạn hán, xung đột và sự sụp đổ nền kinh tế đã đẩy nhiều gia đình vào bước đường cùng. Các gia đình phải bán đi những tài sản ít ỏi của họ để có để mua thức ăn, gửi con cái đi làm hoặc kiếm bánh mì sống qua ngày.
Ở thủ đô Kabul, Arzoo, 12 tuổi, là đứa trẻ lớn nhất trong gia đình có 8 người con, cô bé đã không đến trường suốt cả mùa đông vì các trường học đều đóng cửa. Cha Arzoo đã thất nghiệp trong nhiều tháng.
Hầu hết các ngày gia đình họ chỉ ăn bánh mì vì không đủ tiền để mua được bất cứ thứ gì khác. Mẹ, bố và em trai 18 tháng tuổi của Arzoo đều bị ốm nhưng gia đình lại không đủ tiền đưa đi khám.
Cô bé tuyệt vọng: “Bây giờ bố cháu đang thất nghiệp và không thể mang thức ăn về nhà. Gia đình cháu sống bữa đói bữa no”.
Mẹ của Arzoo, Ferisha, 36 tuổi, nhấn mạnh: “Hoàn toàn không có việc gì để làm. Tất cả mọi người đều đang khao khát có thể kiếm được tiền và thức ăn”.
Khi được hỏi về tương lai cho các con, cô nói: “Tôi mong là chúng có thể học tập và có một tương lai tươi sáng hơn; đến hiện tại tôi chỉ có thể hy vọng như vậy”.
Con đường viện trợ
Ông Chris Nyamandi thuộc Tổ chức Save The Children tại Afghanistan cho biết: “Mỗi câu chuyện là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về thực tế nghiệt ngã đối với các gia đình trên khắp đất nước, họ đang phải đấu tranh mỗi ngày để có thể sống sót qua mùa đông và nuôi sống hàng triệu sinh mạng trẻ em đang gặp rủi ro”.
“Thời gian không còn nhiều cho trẻ em Afghanistan để nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp mà các em rất cần. Các gia đình đang làm tất cả những gì họ có thể làm ở thời điểm hiện tại”.
Việc rút viện trợ và đóng băng tài sản đã đẩy các dịch vụ công của Afghanistan đến bờ vực sụp đổ. Các bệnh viện trên khắp cả nước đã buộc phải đóng cửa vì không thể trả lương cho nhân viên y tế.
Những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo lại đang bị quay lưng vì đơn giản là không có thuốc để chữa trị, và nếu có thì giá lại quá cao để có thể mua được.
“Viện trợ nhân đạo có thể giúp trẻ em vượt qua mùa đông, nhưng cuộc khủng hoảng này không thể giải quyết chỉ với viện trợ. Afghanistan là một nền kinh tế dựa trên tiền mặt, vì vậy nếu không có nguồn tiền mặt lưu thông vào đất nước, cuộc sống của người dân sẽ không thể khá lên được”.
Hơn 20.000 người đã ký vào bản kiến nghị ‘Cứu sống Afghanistan’ do tổ chức quốc tế Save The Children đứng đầu và hơn 28 triệu bảng Anh đã được người dân Anh quyên góp cho Ủy ban Khẩn cấp về Thảm họa ở Afghanistan cho đến nay.
Thời điểm hiện tại, tổ chức Save The Children đang phân phát tiền mặt, quần áo mùa đông và nhiên liệu cho các gia đình ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, để giúp họ giữ ấm và được ăn uống đầy đủ qua mùa đông khắc nghiệt.
Hỗ trợ bằng tiền mặt sẽ giúp ngăn các gia đình sử dụng những biện pháp tuyệt vọng có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ em, chẳng hạn như lao động trẻ em, tảo hôn và cắt giảm bữa ăn.
Năm 2021, Phòng khám sức khỏe lưu động của Save the Children tại Afghanistan đã tiến hành gần 375.000 lượt khám và điều trị cho hơn 12.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng.