Những giọt mồ hôi mặn chát trên cánh đồng muối

Nguyễn Chung 09/07/2020 17:00

Từng là vựa muối lớn nhất xứ Thanh, nhộn nhịp kẻ bán người mua nhưng giờ đồng muối Hòa Lộc (Thanh Hóa) chỉ còn vỏn vẹn hơn 40 ha, với vài chục hộ dân, chủ yếu là người cao tuổi đeo đẳng với nghề.

Đồng muối Hòa Lộc chỉ còn lại hơn 40ha do người dân không còn mặn mà với nghề.
Đồng muối Hòa Lộc chỉ còn lại hơn 40 ha do người dân không còn mặn mà với nghề.

Diêm dân Hòa Lộc đang tự bơi trên những ruộng muối của mình và cái nghề “kết tinh của mồ hôi” có tự bao đời này đang dần lụi tàn.

Chúng tôi về Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc trong một chiều tháng 7. Trên đồng muối Tam Hòa nắng như đổ lửa, những thửa ruộng của diêm dân lấp lóa đến nhức mắt. Vài bóng người già đẩy nạo thu hoạch mẻ muối đầu tiên trong ngày đổ dài thõng thượt…

Vừa đưa chiếc khăn nhàu nhĩ thấm những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt đen đúa, chằng chịt nếp nhăn, ông Đỗ Hữu Thông (72 tuổi), trú tại thôn Tam Hòa 1 nói trong sự mệt mỏi: Ông đã gắn với ruộng muối đến ngót 60 năm nhưng giờ cũng đành phải buông vì không còn sức để bám đồng muối. 4 đứa con ông lần lượt rời làng, từ chối nghề muối đã từng nuôi sống chúng để tìm kế mưu sinh.

Ông buồn, nhiều bận định khuyên nhủ chúng ở lại, vay vốn đầu tư, giữ nghề của ông cha nhưng lại thôi. Nghề muối mặn chát! Đời ông khổ thế là đủ rồi, không thể bắt chúng khổ theo.

Giá muối ở thời điểm hiện tại chỉ còn giao động từ 1.200 – 1.300 đồng/1kg.
Giá muối ở thời điểm hiện tại chỉ còn giao động từ 1.200 – 1.300 đồng/1kg.

Nhắc đến cái nghề khó nhọc đã gắn với người dân Hòa Lộc từ bao đời, ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc không giấu được tiếng thở dài: Chỉ khoảng 10 năm trước, cả Hòa Lộc có đến gần 100 ha diện tích đất làm muối nhưng hiện tại còn lại chưa đầy 50 ha. Sản xuất thủ công, hiệu quả kinh tế thấp khiến người dân không thể có vốn để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng nghề muối, dẫn đến các ruộng muối, kênh mương nội đồng xuống cấp. Hầu hết người dân đã bỏ đồng muối, tìm nghề khác để mưu sinh.

Nghề làm muối nặng nhọc, vất vả, nhưng giá bán muối lại thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, kinh doanh muối trên địa bàn chưa thể hiện được vai trò nòng cốt trong tiêu thụ sản phẩm cho dân. Hàng năm chỉ thu mua được khoảng 8% sản lượng muối diêm dân làm ra, phần lớn còn lại diêm dân tự bán cho các đầu nậu tư thương nên bị ép giá. Cơ quan quản lý Nhà nước không thể dùng các biện pháp hành chính để can thiệp vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Vụ muối năm nay là điển hình cho việc được mùa mất giá của diêm dân Hòa Lộc. Đến nửa tháng nay, bà con không bán được một cân muối nào, dẫu giá đã giảm xuống 25% so với cùng kỳ. Giá muối hiện tại nằm ở ngưỡng từ 1.200 – 1.300 đồng/1kg. Nếu trời tiếp tục cho nắng kéo dài thêm độ dăm ngày nữa, các kho chứa muối của người dân sẽ không còn chỗ chứa! Hạt muối giờ không còn đủ sức nuôi nổi diêm dân”, ông Huân thở dài.

Muối không chỉ có mồ hôi mà còn có cả vị mặn của ước mắt.
Muối không chỉ có mồ hôi mà còn có cả vị mặn của ước mắt.
Sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống đã khiến sản lượng muối tại Hòa Lộc không thể đạt năng suất cao.
Sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống đã khiến sản lượng muối tại Hòa Lộc không thể đạt năng suất cao.
 Những diêm dân cần mẫn bám trụ với nghề truyền thống.
Những diêm dân cần mẫn bám trụ với nghề truyền thống.
Các kho muối của diêm dân Tam Hòa đã đầy ắp, không còn chỗ chứa.
Các kho muối của diêm dân Tam Hòa đã đầy ắp, không còn chỗ chứa.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những giọt mồ hôi mặn chát trên cánh đồng muối