Sáng 9/8, ông Lê Viết Chữ- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đến kiểm tra việc đóng tàu theo Nghị định 67 tại cảng cá Sa Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi). Tại đây, lãnh đạo tỉnh này đã nhận được nhiều kiến nghị của ngư dân xung quanh chất lượng của tàu vỏ thép.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng (xã Tịnh Kỳ), tàu cá QNg-91131 TS của ông dài 27,50m, rộng 7,2m, cao 3,52m, công suất 803CV, đóng tại Nhà máy đóng tàu Nha Trang với tổng vốn đầu tư 16,4 tỷ đồng.
Tàu hạ thủy tháng 8-2016, đến nay đã khai thác 12 chuyến biển, đạt hơn 100 tấn, ngư trường hoạt động chủ yếu Hoàng Sa.
Tương tự, ông Phạm Trí Thức- cũng là ngư dân xã này cho biết, con tàu của ông đóng tại Nhà máy đóng tàu Biển Đông, tổng vốn đầu tư 17,80 tỷ đồng. Tàu hạ thủy tháng 1/2017, khai thác 12 chuyến biển.
Theo các ngư dân, sở dĩ tàu hiệu quả tốt là do là do ngay từ khi thiết kế ban đầu, bà con đã được tiếp theo dõi, cũng như tham gia ý kiến về phương tiện hành nghề. Vì vậy, việc chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép khá thuận lợi.
Về việc trả nợ vay ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, ông trả nợ ngân hàng khoảng 1,3 tỷ đồng/năm, trong đó có gần 500 triệu đồng tiền lãi phải trả.
Theo ông Hồng, không phải chuyến đánh bắt xa bờ nào cũng có lãi, nhất là những tháng đầu tiên “vừa chạy vừa đánh bắt, lại vừa thăm dò” thì nhìn chung là lỗ. “Trong khi đó, lãi đến kỳ thì phải trả. Chỉ mong ngân hàng xem xét lại cách trả lãi sao cho hợp lý”- ông Hồng nói.
Ngư dân cũng kiến nghị về vấn đề đăng kiểm tàu cá, thời gian đăng kiểm quá dài, lại phải ra đến Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) nên phải neo thuyền trong cảng lâu. Những lúc như vậy không có thu nhập từ đánh bắt, đời sống gia đình ngư dân cũng như thuyền viên gặp khó khăn.
“Nếu được nên phân công cho đăng kiểm địa phương quản lý kỹ thuật đối với tàu cá địa phương, kể cả các tàu có chiều dài đường nước thiết kế từ 20m trở lên, sẽ đỡ phiền”- nhiều ngư dân cho biết.
Còn ông Phạm Trí Thức kiến nghị các cấp lãnh đạo cần tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trong đó có việc chính quyền nên xây dựng những nhà kho đông lạnh, để khi cá đánh bắt được nhiều, rớt giá thì thu mua giúp ngư dân đồng thời chất lượng hải sản cũng tốt hơn so với để ngư dân tự bảo quản.
Về việc ra khơi xa đánh bắt, các chủ tàu cho rằng đôi khi họ cảm thấy đơn độc trên biển vì chỉ đơn độc vài chiếc tàu vỏ thép với nhau.
Nếu được, cần có chính sách liên kết các tàu vỏ thép, tương trợ lẫn nhau sẽ vươn xa hơn, đánh bắt tốt hơn, giúp được nhau lúc khó khăn.
Được biết, chuyến kiểm tra, thị sát tại cơ sở của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc tàu vỏ thép đóng cho ngư dân theo Nghị định 67 cũng đã ghi nhận một số ý kiến tích cực từ phía các chủ tàu, ngư dân.
Tại Hợp tác xã Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), tổng số tàu cá đóng mới từ tháng 9/2015 đến nay là 82 chiếc, công suất 400-890CV. Hiện nay đang đóng mới 19 chiếc, trong đó có 2 chiếc đóng theo Nghị định 67 vừa hạ thủy ngày 7/8/2017.
Còn theo báo cáo chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện nay có 40 tàu cá đã đóng xong và tham gia sản xuất, trong đó, 31 tàu vỏ gỗ đều đảm bảo chất lượng.
9 tàu vỏ thép hoạt động bình thường, không có hiện tượng gỉ sét nhiều (chỉ có gỉ sét một số vị trí), quá trình hoạt động, các tàu có phát sinh các hư hỏng thông thường (7 tàu tự khắc phục, 2 tàu do các cơ sở đóng tàu thực hiện công tác bảo hành theo hợp đồng).
Hiện Quảng Ngãi có 6 tàu đang thi công, gồm 2 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite và 3 tàu vỏ gỗ đang thi công, đã và đang được cơ quan đăng kiểm thực hiện giám sát.