Những kỷ niệm đẹp sống mãi trong tôi

Nguyễn Túc Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. 24/12/2015 16:47

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát – chuyên gia hàng đầu của nền kiến trúc Việt Nam đã từng đảm nhận các chức vụ: Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Khóa II (1983-1988), một trong những trí thức yêu nước tiêu biểu của dân tộc ta ở thế kỷ XX.

Những kỷ niệm đẹp sống mãi trong tôi

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc UBTƯ MTTQVN lần thứ II tháng 5 năm 1983,
đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tôi có may mắn được tiếp xúc và làm việc với ông lần đầu là ngày 6 tháng 7 năm 1976 tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị trù bị Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận hai miền: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (miền Bắc), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam. Và sau đó, tôi còn có dịp gặp và làm việc với ông tại Hội nghị lần thứ hai, lần thứ ba để xây dựng các văn bản chuẩn bị cho Đại hội. Lúc đó, ông dự Hội nghị với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, còn tôi là Vụ phó Vụ Tổng hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thư ký của Chủ tịch Hoàng Quốc Việt, tổ phó tổ Văn kiện đại hội.

Qua mấy tháng được làm việc với ông, tôi có nhận xét: Kiến trúc sư là một trí thức uyên bác, phong độ hào hoa, ăn mặc chỉnh chu, tóc luôn bóng mượt với đường ngôi thẳng tắp và một nụ cười hồn nhiên luôn thường trực trên môi.

Năm 1982, kiến trúc sư được Bộ Chính trị điều về tham gia Đảng đoàn Mặt trận để cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Tiến giúp Ban Bí thư chuẩn bị Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới”: và đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II tháng 5 năm 1983 ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đảm nhận công việc này cho đến ngày ra đi theo Bác Hồ về cõi vĩnh hằng.

Những kỷ niệm đẹp sống mãi trong tôi - 1

Chân dung Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát.

5 năm công tác dưới sự điều hành của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, tôi thấy những nhận xét ban đầu của tôi về ông cơ bản là đúng.

Thứ nhất, về vụ cười thường trực trên môi mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã lưu ý tôi khi được phân công chấp bút Dự thảo Điếu văn về anh Tám Chí (tên gọi thân mật của đồng chí Huỳnh Tấn Phát) là “Anh đừng quên đưa tiếng cười lạc quan của anh Huỳnh Tấn Phát vào lời Điếu”.

Chính cái cười rất hồn nhiên, yêu đời và rất đỗi lạc quan đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn và cả nguy hiểm để trở thành một trí thức đầu đàn trong ngành kiến trúc Việt Nam, một lãnh đạo tài năng và đức độ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nụ cười đó ông mang cả khi ông vĩnh biệt chúng ta vì trong kho lưu trữ của Thông tấn xã Việt Nam, với hơn sáu nghìn bức ảnh, không tìm thấy một tấm hình nào vắng tiếng cười để đặt lên bàn thờ của ông.

Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là một con người khá đặc biệt: Một trí thức tài năng nhưng rất mực khiêm tốn; ở cương vị rất cao nhưng sống rất gần gũi với nhân viên, không bao giờ bắt cấp dưới phải làm theo ý kiến của mình. Ông đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, công nhân viên, nhất là những người trực tiếp giúp việc ông.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của nhân dân ta nói chung, cán bộ công nhân viên nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Thông cảm với những khó khăn đó, mỗi lần có dịp đi công tác tới các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đến các nhà khách của Tỉnh ủy hoặc Ủy ban nhân dân ông thường chủ động đặt “món đặc sản” như ba ba, dơi, rùa, rắn… Tôi thắc mắc: - Anh Tám bị “gút” nặng sao lại đặt những món giàu đạm vậy?

- Có như vậy, anh em mới được hưởng “đặc sản Nam bộ” còn mình đã có thuốc phòng – ông đáp.

Đến các tỉnh, lãnh đạo địa phương thường biếu Chủ tịch các sản phẩm của địa phương. Trên đường về thành phố Hồ Chí Minh – nơi gia đình ông sinh sống, Chủ tịch thường nhắc tôi tạt vào nghỉ ở một quán nước dọc đường, bảo lái xe, bảo vệ chia đều những món quà mà địa phương biếu và ông chỉ nhận một phần như các anh em.

Riêng đối với bản thân tôi, một kỷ niệm mà mãi mãi tôi không thể nào quên. Đó là năm 1985 tôi cưới vợ cho cậu con trai đầu. Ông đến chúc mừng. Thấy gia đình ở quá chật: Hai vợ chồng bố, hai vợ chồng con, một bà mẹ già cộng thêm ba đứa con nhỏ quây quần trong 28 mét vuông (không kể diện tích phụ) ông yêu cầu vợ chồng tôi chuyển về ở cùng ông tại nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu “để nhất cử, lưỡng tiện” vừa tiện cho công việc, vừa bớt khó khăn cho Túc” (1) .

Vợ chồng tôi rất xúc động trước sự quan tâm đặc biệt đó, song bàn đi tính lại: Cuộc sống đã khó khăn nay một chốn đôi nơi chắc lại càng khó khăn hơn, tuy được cải thiện về chỗ ở. Hơn nữa, còn mẹ già, con nhỏ cần có sự chăm sóc của bố mẹ. Chúng tôi cảm ơn Chủ tịch về sự quan tâm đặc biệt đó.

Một sự việc mà mãi mãi không thể nào quên là vào tháng Chín hay tháng Mười năm 1985, tôi đang làm việc tại cơ quan thì Thủ trưởng điện gọi tôi sang nhà có việc gấp. Đến nơi, với vẻ đăm chiêu và lo lắng, ông kể: Trước đó hai hôm, ông có nhận được công văn “tuyệt mật” của Chính phủ thông báo kế hoạch và thời điểm đổi tiền. Chiều nay, Chính phủ cho người đến thu lại nhưng tìm mãi không thấy.

Thế Thủ trưởng có nghi cho ai không? Tôi hỏi, - Mình không nghi cho ai cả.

- Thủ trưởng kiểm tra cặp tài liệu và tủ quần áo chưa?

- Mình đã kiểm tra tất cả rồi. Tôi cùng thủ trưởng lục tung tủ sách, soát xét từng quyển đều không có kết quả.

May thay, không hiểu sao lúc đó tôi lại sực nhớ đến chuyện “Mất tài liệu” tại cơ quan của Chủ tịch Hoàng Quốc Việt khi tiếp Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Thống nhất Tiệp Khắc năm 1981. Tôi hỏi ngay:

- Thế Thủ trưởng đã kiểm tra phòng vệ sinh chưa? Ông ồ lên một tiếng và chạy vội vào và tìm thấy ở ngay sau gương soi.

Những ngày đi công tác xa nhà, Anh Tám(2) thường tâm sự với chúng tôi rất nhiều chuyện: Chuyện đời, chuyện người, chuyện đấu tranh trong những ngày ở tù… nhưng tôi nhớ nhất là câu chuyện “mối tình đầu” đầy đau khổ của Anh từ trước đến nay, tôi thường tự nhủ: Sẽ không kể cho bất kỳ ai về “Mối tình đau khổ đó”.

Nhưng đến nay, chị Bùi Thị Nga – người bạn đời của anh Tám, đã công khai chuyện đó trong Hồi ký “Làm đẹp cuộc đời”, thì mình cũng yên tâm kể lại:

Hồi đó, vào các năm 1933, 1934 anh theo học khoa Kiến trúc trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Là một sinh viên “điển trai” hoạt động sôi nổi trong phong trào sinh viên và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ, rồi tham gia phong trào Đông dương đại hội, nhiều nữ sinh viên để mắt tới anh, trong đó có một người mà anh yêu tên là TH. Chị TH theo đạo, con nhà giàu ở Sài Gòn ra Hà Nội học trường đầm và ở nội trú. Là mối tình đầu, chẳng đắn đo suy nghĩ. Ở tuổi hai mươi, anh lao vào tình yêu như con thiêu thân. Chỉ trông mong cho tới ngày nghỉ cuối tuần để được gặp nhau, để tận hưởng hạnh phúc và quyết tâm xây dựng cùng nhau. Biết chuyện này, mẹ chị TH, một gia đình công giáo toàn tòng phản đối quyết liệt. Bà tuyên bố chỉ gả con mình cho người có đạo dòng, gia đình giàu sang, quyền quý.

Năm 1938, năm cuối khóa, Anh Tám cực kỳ gian nan, vất vả. Vừa phải làm đồ án tốt nghiệp, vừa phải lo kiếm tiền để TH chi tiêu cho cuộc sống vì TH đã mang thai và gia đình đã cắt nguồn tài chính.

Tốt nghiệp xong, về Sài Gòn lập nghiệp, anh Tám đến gặp mẹ của chị TH xin cưới. Bà ta thẳng thừng từ chối và cấm không được qua lại với con bà. Còn chị TH vô cùng đau khổ, ở lại Hà Nội một mình, kiên trì học tập và tốt nghiệp thuộc loại ưu. Và từ năm đó, hai người không bao giờ được gặp lại nhau.

- Thế anh Tám không đi tìm lại?

- Mình đã nhiều lần đi tìm nhưng đều không có kết quả vì sau khi “mẹ tròn, con vuông”, bà đón mẹ con TH về Sài Gòn rồi sau đó gửi TH đi đâu, không ai hay?

- Còn số phận của cháu bé?

- Khi được hai tuổi, bà ngoại mới mang về nhà. Thỉnh thoảng bà vú bế cháu đến thăm mình. Sau sợ bị lộ, bà vú sẽ bị đuổi, nên bà ấy không đưa cháu đến nữa.

- Đấy là mối tình đầu của mình.Thật đau lòng. Sau đó, mình bù đầu vào công việc, làm việc ngày đêm để cố quên đi “những ngày đau khổ”đó, quên TH. Và đấy cũng là lý do mà mãi đến năm 32 tuổi, mình mới lấy vợ. Ngày cưới của mình với Nga là ngày 15-6-1945…

Gần 5 năm giúp việc Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, tôi thấy ở ông một trí thức tài năng, đức độ, giàu lòng nhân ái. Quyền cao, chức trọng nhưng ông rất mực khiêm tốn. Những năm ông phụ trách Mặt trận là những năm đất nước ta gặp nhiều khó khăn: Bị đế quốc Mỹ bao vây, cấm vận; kẻ thù gây chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam; một số phần tử bất mãn gây rối từ bên trong … đời sống nhân dân cơ cực… ông ngày đêm lăn lộn với nhân dân và lãnh đạo các địa phương, hết vô Nam lại ra Bắc, lên Tây Nguyên, ra các đảo biển để động viên cán bộ, chiến sĩ, song ông luôn lạc quan và chuyền cái lạc quan đó sang chúng tôi, đến toàn bộ cán bộ, nhân viên.

Một phẩm chất rất đáng quý ở Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là: Dù giữ cương vị cao trong Đảng, Nhà nước và Mặt trận song không bao giờ dựa vào đó để buộc người khác làm theo ý kiến mình, mà luôn vận động, thuyết phục chờ đợi với thái độ chân thành. Vì vậy, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự chỉ đạo của Trung ương, ông đã cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, bác sĩ Phùng Văn Cung và nhiều vị nhân sĩ, trí thức nổi tiếng khác trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh đã cảm hóa được nhiều trí thức miền Nam ở lại để cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và không ít người đã lập công lớn đối với dân tộc.

Trong Điếu văn vĩnh việt kiến trúc sư Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát có đoạn: “Đồng bào và đồng chí cả nước xúc động, tiếc thương Anh, tiếc thương người trí thức đã làm đẹp Tổ quốc, làm đẹp cách mạng, làm đẹp cho đời”

Tôi dùng những câu trên để thể hiện những tình cảm, sự kính phục và tiếc thương của mình đối với Thủ trưởng.

(1) Nay là Trụ sở của Hội Nhà văn Việt Nam.

(2) Ông yêu cầu tôi gọi như vậy cho gần gũi, thân mật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những kỷ niệm đẹp sống mãi trong tôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO