Tôi nhớ mãi phiên họp đầu tiên giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam diễn ra vào đầu năm 2017. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh phối hợp xây dựng và phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các cháu thiếu nhi.
Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước, ngày 17/11/1993 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TƯ “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất”.
Trong lịch sử Mặt trận, đây là Nghị quyết chuyên đề thứ hai về công tác Mặt trận của Bộ Chính trị (Bản Nghị quyết lần thứ nhất ra đời vào ngày 9/5/1962).
Nghị quyết này có ý nghĩa lịch sử quan trọng không chỉ tổng kết thực tiễn 63 năm Đảng lãnh đạo Mặt trận dân tộc thống nhất, mà quan trọng hơn, còn đặt cơ sở lý luận và là bước đột phá mới về quan điểm, nhận thức về đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong bối cảnh quốc tế, khi yếu tố dân tộc đã trở thành một đặc điểm cực kỳ quan trọng.
Ngày 24/12/1993, do tính chất cực kỳ quan trọng của Nghị quyết, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 36/CT.TƯ yêu cầu các cấp ủy Đảng, đặc biệt là ở những bộ, ngành có liên quan nhiều đến đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận cần khẩn trương triển khai.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, đồng chí Bùi Thiện Ngộ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có đề nghị đồng chí Lê Quang Đạo- Bí thư Đảng đoàn Mặt trận cử người sang truyền đạt tinh thần và nội dung Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ trung, cao cấp của Bộ.
Và tôi lúc đó là Ủy viên Đảng đoàn, Ủy viên Ban Thư ký, thành viên Tổ biên tập Nghị quyết được phân công làm việc này.
Trong lớp nghiên cứu nghị quyết đó, tôi lần đầu tiên gặp đồng chí Trần Đại Quang. Khi đó đồng chí là Cục phó Cục Tham mưu an ninh. Ở độ tuổi 37, đồng chí rất đẹp trai, khỏe mạnh và phong thái lịch thiệp.
Sau này, do thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Bộ Công an về “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”, “Về phòng chống ma túy”, “Phòng chống mại dâm” v.v…, tôi có điều kiện thường xuyên gặp gỡ và làm việc với đồng chí Trần Đại Quang.
Một kỷ niệm khó quên đối với tôi về đồng chí Trần Đại Quang là năm 2008, theo đề nghị của lãnh đạo Mặt trận các tỉnh Tây Nguyên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mở lớp tập huấn cho cán bộ Mặt trận các tỉnh Tây Nguyên tại Đắc Lắc. Tôi được phân công vào giảng bài. Lớp học kết thúc, anh em bố trí cho đi thăm Đắc-Nông, tỉnh mới tách từ Đắc Lắc. Trong các buổi gặp mặt, anh em có phản ảnh trường hợp một cán bộ công an, con liệt sĩ tên là Long, mẹ bị bệnh mãn tính, vợ không có việc làm, con nhỏ hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Về Hà Nội, tôi có viết thư gửi đồng chí Trần Đại Quang, lúc đó đồng chí là Thứ trưởng Bộ Công an, phản ảnh trường hợp trên và đề nghị đồng chí quan tâm đến chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh và nếu điều kiện cho phép, xin đồng chí cho gia đình được “chuyển vùng” để bà mẹ có điều kiện chữa bệnh, vợ có việc làm theo ngành nghề đào tạo.
Mấy tuần sau, tôi nhận được điện thoại của đồng chí Trần Đại Quang thông báo: Đã cho anh em thẩm tra và đã quyết định điều động đồng chí Long về một cơ quan thuộc Bộ, công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.
25 năm quen biết, ấn tượng lớn nhất để lại trong tôi về đồng chí Trần Đại Quang là con người của công việc. Đồng chí đã làm việc đến hơi thở cuối cùng theo đúng ý nghĩa của những từ đó.
Vì công việc, đồng chí đã không ngừng phấn đấu rèn luyện bản thân, gian khổ học tập theo tinh thần “học, học nữa, học mãi”, “học tập suốt đời” để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng, nghiêm chỉnh thực hiện 6 điều Bác Hồ căn dặn công an nhân dân.
Với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, đồng chí đã ra sức phấn đấu, không ngại gian khổ, hy sinh, quyết tâm rèn luyện tu dưỡng theo 6 điều Bác Hồ dạy, nên từ một chiến sĩ, đồng chí dần trở thành người đứng đầu ngành Công an – lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Với đức độ, tài năng và sự cống hiến to lớn vào sự nghiệp xây dựng và sự cống hiến to lớn vào năm 2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, đồng chí Trần Đại Quang được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hơn 2 năm, với cương vị người đứng đầu Nhà nước, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng quy chế phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam theo hướng hiệu quả và thiết thực.
Tôi nhớ mãi phiên họp đầu tiên giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra vào đầu năm 2017. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh phối hợp xây dựng và phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Chủ tịch nước yêu cầu Mặt trận cần tiếp tục tham gia phối hợp với Chủ tịch nước thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tiếp tục tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát việc thực thi pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng v.v… Trong đó, giám sát nên chọn 1, 2 vụ việc và làm cho đến nơi, đến chốn để quyền làm chủ của dân được thực thi.
Về phản biện xã hội, Chủ tịch nước đề nghị, hai bên cần tập trung vào phản biện việc xây dựng chính sách, pháp luật cho sát hợp với thực tế đất nước, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, chăm lo xây dựng tiềm lực kinh tế, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ tịch nước cho rằng, việc ký kết Quy chế phối hợp giữa Chủ tịch nước với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần cải tiến hơn nữa bằng cách cụ thể hóa trong chương trình hành động, và cần xây dựng cơ chế phối hợp chi tiết hơn.
Việc ra đi đột ngột của người đứng đầu Nhà nước đã làm ngỡ ngàng mọi người, dẫu rằng không ít người, nhất là đội ngũ cán bộ đã ít nhiều biết về bệnh của Chủ tịch.
Một đồng chí lãnh đạo suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng đã trút hơi thở cuối cùng để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho đồng bào, đồng chí.