Tôi nghỉ hưu tháng 5/2005. Tháng 5/2020 này tròn 15 năm. Và cũng là năm tôi 80 tuổi. Tuổi cao sức yếu là tất nhiên. Nhưng 15 năm qua, nghỉ mà không nghỉ. Tôi vẫn ham làm việc, nên đã cùng vợ, được ví như hai con ong cần mẫn tiếp tục làm tư liệu. Tôi viết và xuất bản thêm được 17 cuốn sách.
Không phải ham nổi tiếng mà vì đam mê. Giở những tập tài liệu cũ đầy kỷ niệm ra, tôi ngạc nhiên và xúc động, rưng rưng. Một thời làm việc bận bịu, sôi nổi của tuổi trẻ hiện về, khi chưa có ứng dụng công nghệ thông tin, thị trường báo in sôi động, chưa có điện thoại di động và mạng internet nhanh chóng như bây giờ. Một xấp cả trăm lá thư viết tay của Hà Nội gửi đích danh Trần Thanh Phương. Bấy giờ tôi đã trân trọng đọc, rồi xếp vào cặp, đề ngoài bìa 3 chữ viết hoa nghiêng Thư Vào Nam (Gửi Trần Thanh Phương) gồm 2 tập.
Giở ra, đếm được hơn 100 thư, trong đó riêng anh Nguyễn Ngọc Thạch (cựu Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết) viết tay 76 thư. Thư đầu viết ngày 10/9/1986. Thư cuối đề ngày 23/2/98, vẫn góp ý về nội dung các số báo dù anh đã nghỉ hưu. Còn lá thư dài 2 trang cuối cùng viết ngày 1/10/2001, gửi anh Lê Quang Cảnh và các anh trong Ban Biên tập góp ý về viết Kỷ yếu báo Đại Đoàn kết, nhân kỷ niệm 60 năm ra số báo đầu. Các thư còn lại của các Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập và các phóng viên.
Sau đây, tôi xin lược qua một số để chúng ta cùng hình dung báo Đại Đoàn kết cách đây 3 thập niên.
Hà Nội ngày 12/6/1991
Kính gửi Văn phòng đại diện phía Nam.
Nội dung cần thảo luận về tờ Đại Đoàn kết Nguyệt san.
Cuối tháng 2/91, phân công đồng chí Lê Văn Ba vào công tác ở Văn phòng đại diện phía Nam. Với nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức biên tập và xuất bản tiếp Đại Đoàn kết hàng tuần, 8 trang, in 4 màu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ thứ hai của đồng chí Ba là lập dự án ra thêm một số báo nữa dạng cuối tuần kiểu Lao động chủ nhật, Tiền phong chủ nhật, in và bán chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Lúc này tiền không có một đồng. Phóng viên chỉ có Lê Văn Ba và Trần Thanh Phương; Ba người còn lại Đặng Ngọc Nam chuyên trách Mặt trận của báo hàng tuần, Trần Công Tấn chuyên trách mục Việt kiều, văn hóa văn nghệ của báo hàng tuần, Phương Hà xin đi cơ quan khác…
Hàng tuần, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch đều đặn viết thư vào khen, và góp ý thẳng thắn cho từng số báo vừa phát hành. Chỉ đạo viết nội dung gì cho số báo tiếp rất cụ thể, chi tiết.
Một ngày cuối tháng 3/1994, tôi nhận được lá thư vỏn vẹn như sau:
Kính gửi anh Thanh Phương.
Thư này tôi viết riêng cho anh. Ban Biên tập đã nhất trí cử anh làm Trưởng ban. Theo tôi, anh cứ nhận. Đây là lời khuyên cuối cùng. Còn việc lấy ý kiến anh em là để cho anh dễ làm việc mà thôi, không có ý gì khác.
Mong anh Phương vui lòng.
Thân ái. Ngọc Thạch.
Tôi bùi ngùi nhớ lại, lúc đó tôi được anh nhiều lần đến nhà vận động, nhưng tôi không nhận vì không muốn ngồi yên ở văn phòng, muốn làm phóng viên, thích tự do đi viết bài. Nhưng anh tin tưởng, Ban Biên tập tin tưởng, không thể phụ lòng, tôi đồng ý nhận làm Trưởng ban và làm cho đến khi nghỉ hưu.
Thư ngày 20/5/1994, anh viết:
Kính gửi anh Thanh Phương!
Tôi đã đọc Nguyệt san tháng 5 của anh. Như vậy là anh rất cố gắng. Xin chúc mừng và mong phát huy tối đa. Đề nghị sau mỗi số nên họp anh em để rút kinh nghiệm kịp thời. Hết sức lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến. Vì một số báo hay là do: Cái đầu của người chỉ đạo, tổ chức, cộng với công sức của anh em và và ý kiến dư luận của đông đảo bạn đọc.
Tôi xin gợi ý thêm: Mỗi số báo cần có một “dấu ấn”, một chủ đề nổi bật gồm hai ba bài. Chọn chủ đề và vấn đề cho thật trúng, được dư luận quan tâm…
Chúc anh gặt hái được nhiều thành công.
Năm 1995, anh viết 11 thư.
Thư ngày 18/1/1995:
Trước hết xin hoan nghênh tinh thần “ốp” anh em viết bài cho báo tuần… Tôi đề nghị Lê Viết Dương, Minh Quang, Trường Giang thực hiện nghiêm túc bài vở và thời hạn quy định gửi bài ra. Anh Phương cần “xiết” cho bộ máy chạy đều. Tôi, anh Cảnh và anh em ngoài này rất ủng hộ anh. Tất cả phải có tinh thần xốc tới. Thân ái, Nguyễn Ngọc Thạch.
Thư ngày 16/11/1995, dài 3 trang giấy A4.
Anh Trần Thanh Phương quý mến! Đã lâu không viết thư hỏi thăm anh và bàn việc với anh. Nhớ anh và cảm ơn anh nhiều...
Cái máu nghề nghiệp, tâm huyết với chất lượng và số lượng phát hành trỗi dậy, anh viết: “Anh nói với anh em gửi cho tôi kế hoạch bài cuối tháng 11 và tháng 12/95. Anh nhắc anh em thực hiện thể nghiệm mỗi phóng viên tự tổ chức bài vở trọn vẹn 1 trang: Hữu Nguyên trang Kinh tế - Đời sống; Lê Viết Dương trang Dân chủ - Pháp luật; Trường Giang trang Văn hóa - Nghệ thuật; Khánh Chi trang Gia đình - Xã hội. Đăng ký viết bài cho báo tết Bính Tý. Chọn vấn đề trúng, cạnh tranh với các báo phen này…
Dự định Hội nghị con cháu hiếu thảo M15 +16/12. Họp tổng kết cả phóng viên thường trú tại Hà Nội 29+30/12.
Anh Quang Hùng phải triển khai quận mới để tăng số lượng phát hành. Anh Phương ơi, ta dồn sức cho chất lượng tờ báo trong quý 4 để làm đà cho năm 96”.
Năm 1996, năm cuối trước lúc nghỉ hưu, anh Nguyễn Ngọc Thạch viết cho tôi 24 lá thư đầy tâm huyết. Lá thư ngày 23/12/96 viết kín 2 trang lớn:
Anh Trần Thanh Phương quý mến.
Xin có vài gợi ý nôm na với anh. Mong anh thông cảm tấm lòng của tôi với anh:
1/Nhân dịp kỷ niệm báo 55 năm báo Cứu Quốc ra số đầu tiên, ngay số báo dương lịch (97), anh nên có 1 tờ giấy trắng lồng vào dưới hình thức thư gửi bạn đọc góp ý cho Đại Đoàn kết cuối tuần. Đến số báo cuối tuần, anh nên làm hẳn một trang giao lưu với bạn đọc, đăng ý kiến bạn đọc góp ý.
2/Chất lượng mấy số báo gần đây chững lại đấy. Hình như anh đã bằng lòng với số lượng phát hành hiện nay. Đừng để đến khi số lượng tụt mới đẩy chất lượng. Anh Cảnh (TBT) tâm sự với tôi:”Cảnh nhát, Phương cũng nhát, thế mà hay”, ý nói đỡ phải nhức đầu ứng phó…(!?).
Tôi nhớ tờ báo Đại Đoàn kết Xuân 1996, Văn phòng đại diện phía Nam làm, tôi và chị Minh Hiền thích thú dùng từ “Giai phẩm Xuân Đại Đoàn kết”. Báo ra phát hành rất chạy. Ăn Tết xong là liên tục Tổng Biên tập Lê Quang Cảnh điện thoại, viết thư kêu khổ, đau đầu, họp Tuyên huấn bị phê bình gay gắt, hiểu nhầm rằng Đại Đoàn kết muốn trở lại, muốn phục hồi “Nhân văn giai phẩm trước 1960…”.
3/Trang Bạn đọc dân chủ, pháp luật gần như một mảnh đất hoang hóa rồi, vì không có sự đầu tư chỉ đạo. Đây là trang mạnh của báo để đẩy số lượng lên…
4/Anh nên có kinh nghiệm tuyên truyền những ngày kỷ niệm. Các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động họ làm rất thoáng, nhẹ, dễ đọc.
5/Trong biên tập, anh nên cân nhắc kỹ trước khi cắt. Cũng xin mạnh dạn đề xuất với anh về cách rút tít…Xin anh giữ cho tên “Phóng sự đời thường”vì nó mang nhiều tác dụng và hấp dẫn với người rao bán báo.
Xin chúc anh lúc nào cũng mạnh khỏe.
Ngọc Thạch.
Từ Phó Tổng Biên tập, anh Lê Quang Cảnh lên Tổng Biên tập thay anh Nguyễn Ngọc Thạch. Anh Cảnh cũng là người hiền lành, giản dị, gắn bó mật thiết với tờ báo. Ở cương vị mới, anh đầy lo âu và trăn trở. Từ 1996 đến 2004, anh viết gần hai chục lá thư gửi cho tôi.
Ngày 26/9/96. Thân gửi anh Trần Thanh Phương.
Dạo này hôm nào tôi cũng ôm tập bài về nhà đọc và biên tập. Tất nhiên đây là việc làm chưa hay. Nhưng bước đầu cũng phải vậy. Tôi đang có ý định tìm Thư ký tòa soạn để giải phóng ông Ngọc sẽ lên chức Phó Tổng Biên tập. Tiền 4.000 đồng tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ chuyển vào. Dứt khoát. Dứt khoát là trước ngày 4/10/96. Chuyện thường ngày anh giao cho Minh Hiền, Quang Hùng và anh chị em mỗi người một việc. Anh lo việc chính là bài vở và nội dung. Anh nhắc Dũng, Chi, Trường Giang và các anh em viết bài cho tuần báo. Thân mến. Lê Quang Cảnh.
Lá thư dài 4 trang giấy lớn, ngày 30/9/96, anh Cảnh bày tỏ nỗi lo: Quản lý hơn 40 nhà báo ở rải trên cả nước, tài nhiều nhưng tai cũng không ít. Có thể nói hàng ngày, hàng tuần phải chống chọi với mọi búa rìu dư luận và có lúc chống chọi, ứng xử ở ngay cạnh sườn mình. Thật là mạo hiểm…
Thư ngày 7/4/97, anh Cảnh lại nhắc Khánh Chi, Viết Dương viết bài cho tuần báo…Việc in hai đầu tuy sớm được 1-2 ngày nhưng Trị sự tính toán lỗ 4 triệu một tháng vì số lượng không tăng.
Tôi nhớ ngay việc này. Các báo hàng ngày như Tuổi trẻ đã in ở Hà Nội, Cần Thơ cùng một giờ và phát hành cùng một giờ với Thành Phố Hồ Chí Minh. Sau đó Đại Đoàn kết cũng in hai đầu nhưng rất thủ công, Tòa soạn ở Hà Nội làm maket, bỏ vào ống đồng, gửi tàu hỏa, sau gửi máy bay chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Dân, Đỗ Chí Phúc canh giờ ra ga hoặc sân bay, lấy đi nhà in, để báo ra và phát hành cùng giờ. In xong, lấy ống đồng gửi trả Hà Nội để tiết kiệm loại bao bì này. Nhớ lại mà cay con mắt. Thương tờ báo nghèo!
Không thể nói hết những lo toan của hai vị Tổng Biên tập làm báo thời bao cấp. Kỷ niệm xưa xin đừng ai quên để những người làm báo Đại Đoàn kết nay làm hay hơn, đúng hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, số lượng phát hành nhiều hơn để xứng đáng với tâm huyết của những bậc tiền bối về tờ báo có tuổi đời cao (gần kỷ niệm 80 năm ra số đầu).
Thành phố Hồ Chí Minh trước thềm Xuân Canh Tý 2020.
Trần Thanh Phương
(Nguyên Phó Tổng Biên tập báo Đại Đoàn kết. Tác giả đã mất)