Những lá thư thời chiến

Hoàng Minh 15/07/2017 08:35

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, sáng 25/7 tới, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Hành trình “Mỗi nén hương một tấm lòng”… đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”.

Đường Trường Sơn trong chiến tranh.

Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” được sưu tầm và giới thiệu với mục đích nhân văn. Cuốn sách là kết quả của cuộc vận động từ tháng 12-2004. Ban đầu, cuộc vận động chỉ mang tính tự phát của một nhóm tác giả, nhưng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng rộng rãi toàn xã hội. Đã có hàng vạn lá thư, hàng trăm cuốn nhật ký thời chiến được phát hiện, gửi đến cho những người sưu tầm và biên soạn sách. Đấy là cơ sở cho hàng trăm tác phẩm thuộc “Tủ sách Mãi mãi tuổi 20” ra đời.

Các tác phẩm tiêu biểu của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” đã được bạn đọc cả nước đánh giá cao: Những lá thư thời chiến Việt Nam (nhiều tập, nhiều tác giả); Tài hoa ra trận (Nhật ký của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân); Trở về trong giấc mơ (Nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến); Nhật ký Vũ Xuân; Sống để yêu thương và dâng hiến (Tập thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao); Trời xanh không biên giới (Nhật ký của thương binh Đặng Sỹ Ngọc)…

Đặc biệt, 2 tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” đã trở thành hiện tượng trong đời sống chính trị xã hội của cả nước năm 2005. Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành phong trào rầm rộ mang tên “Tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi 20” của thế hệ trẻ và các Cựu chiến binh; do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức trên quy mô cả nước.

Riêng “Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam” là công trình được tác giả thực hiện trong thời gian 10 năm (2005 – 2015), tập hơn hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là liệt sĩ, hoặc thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, được nhiều gia đình đặt lên bàn thờ …

Theo kế hoạch, hội thảo sẽ có 30 tham luận của các tác giả từ khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, tham dự hội thảo này còn có nhiều tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, cựu tù chính trị, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh và cựu chiến binh tiêu biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những lá thư thời chiến