Chúng tôi lên huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk vào một ngày tháng 6, những cơn mưa bất chợt báo hiệu mùa mưa Tây Nguyên tới khiến chúng tôi lo lắng vì có thể kế hoạch đi thăm “Điện gió Ea Nam” bị nhỡ nhàng.
Nhớ chiều tối qua, trong cuộc gặp gỡ, ông Nguyễn Huy Dũng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ea H’Leo nhắn nhủ: “Sáng mai đoàn dậy sớm để đi Ea Nam đón bình minh trên cao nguyên điện gió”.
Cơn mưa sáng sớm đã làm kế hoạch bị xáo trộn, nhưng chuyến thăm điện gió Ea Nam vẫn được thực hiện. Trời đã tạnh hẳn mưa, nắng lên rực rỡ, bầu trời cao nguyên như chợt mênh mông hơn bởi sau cơn mưa vạn vật dường như tươi thắm hơn, phong quang hơn.
Đón tiếp chúng tôi tại Văn phòng Công ty điện gió Ea Nam là 2 cán bộ còn khá trẻ. Các anh đều đang ở tuổi 30 đầy sung mãn. Anh Đoàn Tuấn Nhi - Trưởng phòng nhân sự, một chàng trai quê đất võ Bình Định. Sau những câu chào hỏi và giới thiệu, anh đã đề nghị chúng tôi cùng xem một phóng sự ngắn nói về quá trình xây dựng điện gió ở đây. Sở dĩ công trình điện gió này có tên Điện gió Ea Nam là bởi trụ sở công ty cũng như phần lớn các turbine được đặt trên đất của xã Ea Nam. Ngoài ra, với diện tích tổng thể hơn 6.000ha nên dự án Điện gió Ea Nam còn được hình thành tại 2 xã khác. Có nghĩa là Điện gió Ea Nam với 84 trụ turbine dược xây dựng (đặt) trên đất của 3 xã, với công suất phát điện ổn định là 400MW.
Thực ra với 84 trụ turbine chưa phải là nhiều nhưng vào thời điểm hiện tại thì Điện gió Ea Nam là một dự án vào loại lớn hiện nay. Anh Phạm Bá Lộc - Trưởng phòng Kế hoạch cho chúng tôi biết: “Dự án này từ khi khởi công cho tới khi hòa lưới điện quốc gia chỉ mất đúng 240 ngày”. Nghe anh Lộc nói vậy chúng tôi rất ngỡ ngàng, thứ nhất là chỉ có 8 tháng ngắn ngủi với một “núi” công việc mà lại là công việc hoàn toàn mới mẻ vậy mà dự án vẫn hoàn thành. Tôi hỏi thêm: “Theo các anh thì bí quyết nào giúp công ty hoàn thành nhanh đến như vậy?”. Anh Phạm Bá Lộc vui vẻ cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch khá chi tiết và trong quá trình vừa xây dựng kế hoạch vừa tiến hành hoàn thiện các thủ tục. Cho nên thủ tục được duyệt nhanh gọn không làm vướng bận cho quá trình thi công”.
Nghe nói vậy tôi thấy “ông điện gió Ea Nam này giỏi thật”, giỏi vì linh hoạt trong việc xây dựng dự án với việc làm thủ tục. Nghe nói một số công trình điện gió ở các địa phương khác hiện đã thi công xong nhưng vì thủ tục chưa xong nên còn đang chờ để được hòa được vào lưới điện quốc gia.
Khánh thành ngày 31 tháng 10 năm 2021, và theo như thời gian thi công đã nói ở trên, thì công trình điện gió Ea Nam này suốt quá trình xây dựng đều được tiến hành vào đúng dịch Covid-19. Anh Đoàn Tuấn Nhi kể lại: “Đúng là thi công vào dịp Covid, nhưng trong cái rủi lại có cái may các anh ạ. Cái may đầu tiên là việc vận chuyển trụ turbine, cánh quạt, cùng các thiết bị khác từ Trung Đông và Ấn Độ về cảng của ta rồi đưa lên đây”.
Được biết mỗi cánh quạt có chiều dài 80m nên khi vận chuyển từ cảng Nam Vân Phong, Khánh Hòa hay từ cảng Ba Son (TPHCM) lên tới đây đoàn xe phải đi qua nhiều địa phương và chặng đường khá dài. Cái may là thời gian vận chuyến thiết bị đúng vào “mùa covid” nên giao thông rất thông thoáng. Đoàn xe chuyên dụng vận chuyển thiết bị nặng và dài qua các địa phương đã được các lực lượng chức năng ở từng địa phương đoàn xe đi qua hết sức tạo điều kiện, cho nên khâu vận chuyển ban đầu cứ nghĩ là sẽ khó khăn, phức tạp và mất thời gian thì không ngờ lại diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.
Anh Đoàn Tuấn Nhi cho biết thêm: “Xây dựng dự án điện gió này chúng tôi có mục tiêu kép. Đó là sản xuất ra năng lượng tái tạo tức năng lượng sạch cho nhu cầu về điện của địa phương và thứ hai là tạo việc làm cho người dân địa phương”.
Được hay trong quá trình thi công, dự án đã thu nhận 80% công nhân xây dựng là người địa phương. Hiện nay khi dự án đã hoàn thành thì công nhân là người địa phương khoảng 60 người. Trả lời câu hỏi của tôi là sao số công nhân người địa phương không được nhiều thì anh Nhi cho hay: “Quá trình thi công cần lao động thủ công nhưng đi vào vận hành thì đòi hỏi phải là những người có trình độ, có chuyên môn nhất định. Về việc này chúng tôi cũng đã tính đến phương án đào tạo tại chỗ để thu hút người địa phương vào làm việc như cam kết với chính quyền”.
Khi nhận được “đề nghị” của Trung Nam Group về việc xây dựng dự án điện gió ở địa phương, chính quyền tỉnh Đắk Lắk và chính quyền huyện Ea H’Leo đã tạo điều kiện tối đa cho dự án bởi dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Do đó ngoài việc làm thủ tục cấp 100ha đất cho dự án ra chính quyền còn tạo điều kiện về nhân lực. Bên cạnh đó là hai bên đã cùng nhau tiến hành mở đường (50km) cho việc thi công. Những con đường thi công, đường vận chuyển thiết bị đó sau khi hoàn thành dự án đã trở thành những con đường đi chung giữa dự án với dân sinh địa phương. Địa phương có thêm những con đường cho bà con các dân tộc đi lại sinh hoạt, sản xuất và vận chuyển sản phẩm. Anh Phạm Bá Lộc còn cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay dự án đã đóng góp 200 tỷ đồng/năm cho địa phương góp phần tăng ngân sách địa phương”.
Rồi anh Nhi và anh Lộc dẫn chúng tôi đi tham quan Trung tâm điều hành, Trạm biến áp 500KV và thích nhất là đưa chúng tôi tới mục sở thì một số turbine. Chiếc xe 29 chỗ chở đoàn chúng tôi lăn bánh trên những con đường dùng chung, đó là những con đường đã được xây dựng có nền đường khá tốt, chẳng những xe nhỏ mà cả những chiếc xe to đùng chở thiết bị nặng nề cồng kềnh đều đi lại dễ dàng. Những cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống hầu như không mảy may gì đến chất lượng đường. Từ trục đường chính đều có những nhánh dẫn tới chân từng turbine. Anh Lộc cho hay: “Mỗi trụ turbine có mặt bằng 0,9ha được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Bên ngoài “ranh giới” đó là nương cà phê của bà con. Bà con lên nương sản xuất và thu hoạch rất tiện”.
Lần đầu tiên chúng tôi được đứng dưới chân một turbine. Quả là “vĩ đại” và bỗng thấy mình quá nhỏ bé so với những “lực sĩ” trên cao nguyên này. Được biết, mỗi trụ turbine có chiều cao 120m, đường kính một cánh quạt những 180m. Dưới vòm trời cao nguyên đầy nắng và đầy gió những trụ turbine cao to giống như một chàng lực sĩ đang cần mẫn vung những cánh tay của mình. Tiếng cánh quạt xé gió kêu ù ù. Vậy mà khi còn chưa đứng ở đây nhìn những cánh quạt “thong thả” quay chúng tôi đã nghĩ “quay thế này sao tạo ra điện được?”.
Vậy mà chúng tôi đã nhầm, vòng quay cứ thế mà đang tạo nên những âm thanh trầm tráng. Anh Lộc cho biết thêm: “Ở mỗi trụ turbine đều có một trạm phát điện riêng rồi mới “chảy” vào lưới điện của dự án ở Trạm 500KV. Sau đó mới được hòa lưới quốc gia”.
Trả lời những câu hỏi của chúng tôi cả anh Nhi và anh Lộc đều cho biết, mỗi trụ turbine với cánh quạt của mình đều được gắn cảm biến để cánh quạt tự động điều chỉnh hướng quay cho phù hợp với hướng gió mỗi khi gió đổi hướng. Cái hay là một khi sức gió trên 12m/s thì cánh quạt sẽ tự động dừng lại. Do vậy nếu có gió to hoặc có gió bão thì cánh quạt không hoạt động. Điều đó giúp cánh quạt và trụ turbine không bị hư hại.
Tôi nhìn lên, nghe tiếng cánh quạt vẫn xé gió ù ù, cảm giác hơi sợ chợt đến nhưng cũng tan nhanh khi chúng tôi đứng trên núi Dliê Yang, ngọn núi thiêng của người địa phương, để nhìn ra toàn cảnh. Khắp một vùng cao nguyên mênh mang, những trụ turbine như một cánh rừng bạt ngàn vậy. Núi rừng đã bừng sáng, ánh điện no ấm đang hiện hữu như một câu chuyện cổ tích trở thành hiện thực. Những "chàng lực sĩ" cao nguyên giang rộng cánh tay của mình để góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nơi cao nguyên xanh.