Nếu người Việt vô cùng quen thuộc với chuyện Trạng Quỳnh thì người Thổ Nhĩ Kỳ cũng nổi tiếng với nhân vật Naresddin Hodja, được coi như một hậu duệ của Aesop (Ê-dốp).
Naresddin Hodja sinh năm 1208 ở làng Hortu, huyện Aksehir, ngày nay thuộc vùng Anatolia (Tiểu Á), lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Hodja là người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực cũng như chất trí tuệ trong ngôn ngữ hài hước và tư duy phê phán của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Với cuốn “Những mẩu chuyện hài hước về Nasreddin Hodja” (Liên Việt và NXB Văn học ấn hành) độc giả sẽ “gặp” Nasreddin Hodja với hơn 200 mẩu chuyện do dân gian sưu tầm và truyền tụng đã được nhà văn Di Li biên dịch. Bên cạnh đó là 60 minh họa hài hước in bốn màu do họa sĩ Nguyễn Toàn vẽ. Nhà văn Di Li cho rằng đây là cuốn sách sẽ được cả trẻ em lẫn người lớn ưa chuộng, vì nếu như trẻ bé học được những bài học nhỏ thì các bậc phụ huynh sẽ học được các bài học lớn thâm thúy từ nhiều tầng lớp của chuyện bên cạnh tiếng cười sảng khoái.
Ngài Akif Ayhan- đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam, là người đã giới thiệu cuốn sách này đến Việt Nam, cho biết: “Các câu chuyện về Nasreddin Hodja không chỉ nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn trên khắp thế giới từ Trung Quốc cho đến vùng Balkan. Nhiều thế kỷ đã trôi qua nhưng danh tiếng của Nasreddin Hodja vẫn tiếp tục lan rộng. Những câu chuyện về Nasreddin mang đến cho độc giả tiếng cười tinh tế, có tính giáo dục cao trên nhiều khía cạnh khiến người đọc phải suy ngẫm và vẫn còn giá trị ngay cả đối với xã hội hiện đại của chúng ta”.