Nằm trong con hẻm 236 đường Thái Phiên, phường 8, quận 11, TP HCM, Chùa Liên Hoa tuy nhỏ nhưng nhiều năm qua đã làm được nhiều việc ý nghĩa, có sức lan tỏa đến cộng đồng.
Từ việc vận động không đốt vàng mã, Thượng tọa Thích Duy Trấn đã có thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ người nghèo.
Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì Chùa Liên Hoa cho biết, ngay từ khi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 và Phòng Tài nguyên – Môi trường quận phát động Chương trình “Tôn giáo cùng chung tay tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Tăng chúng và Phật tử chùa đã tham gia quét dọn vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, tuyến hẻm, khai thông cống rãnh, trồng thêm cây xanh trên địa bàn phường 8, dưới sự tham gia, trực tiếp hướng dẫn của Thượng Tọa. Công việc này được triển khai hơn 2 năm qua và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tỉnh của Phật tử và người dân.
Thượng tọa Thích Duy Trấn chia sẻ: “Lúc đầu khởi việc, chúng tôi vận động bà con, họ nói không tham gia vì cho rằng đó là chuyện của Nhà nước. Nhưng chúng tôi vẫn cứ làm, và kết quả thật bất ngờ, chỉ sau hơn 4 tuần, số lượng người tham gia tăng lên 20 người, rồi 30 người và đến nay đều đặn có khoảng 40 – 60 người. Trong số đó có những người đến từ các quận, phường khác”.
Công việc của đội dọn vệ sinh bắt đầu từ lúc 5h sáng chủ nhật và kết thúc lúc 6h, đi qua 10 tuyến đường thuộc khu phố 1, khu phố 2 và một khoảng một nửa khu phố 3 thuộc phường 8, quận 11.
Thượng tọa Thích Duy Trấn cũng cho biết: “Trước đây vào tối thứ 7 người dân hay ăn nhậu ngoài vỉa hè, họ xả thức ăn, lon bia, khắp nơi, gây ô nhiễm. Nhưng từ khi thấy tôi và bà con đi dọn vệ sinh thì tình trạng xả bừa bãi đó không còn nữa. Tôi rất vui vì từ việc làm của chúng tôi mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng lên”.
Một hoạt động mang ý nghĩa nữa của chùa Liên Hoa là vào ngày 30/6/1998, Thượng tọa trụ trì chùa yêu cầu tất cả mọi người đến đây không nên đốt nhang và vàng mã, bởi việc này gây tốn kém và làm ảnh hưởng tới môi trường. Thầy Thích Duy Trấn tâm sự: Lúc đầu, không được sự ủng hộ vì việc này đã thành thói quen tâm linh khó bỏ. Hơn nữa, người dân so bì rằng sao các chùa khác được đốt mà chùa Liên Hoa lại không cho đốt?
Tuy nhiên, được thầy giải thích nên nhiều người nghe theo, đặc biệt là sau một thời gian thực hiện, chùa đã nhận được một khoản kinh phí ủng hộ từ việc không đốt vàng để hỗ trợ người nghèo ở miền Trung. Hoạt động hỗ trợ này được các phương tiện truyền thông đưa nhiều lần, nên suốt 20 năm qua, mọi người thấy được ý nghĩa nên đã làm theo. Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, từ khi phát động việc này, nhà chùa đã nhận được ủng hộ được tổng số tiền 18 tỷ đồng từ việc tiết kiệm không đốt vàng mã và hạn chế đốt nhang của các phật tử.
Ông Lâm Viên Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 cho biết, Chùa Liên Hoa là ngôi chùa đầu tiên của TP thực hiện việc hạn chế không đốt nhang, đốt vàng khi đi lễ chùa, từ nguồn quỹ đó, thầy Thích Duy Trấn đã làm được rất nhiều việc từ thiện, như chi 3,6 tỷ đồng hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo; giúp người nghèo 2 tỷ đồng; hỗ trợ xây nhà tình thương 1,5 tỷ đồng, xây cầu và khoan giếng 1,4 tỷ đồng; cứu trợ đồng bào bị thiên tai 5 tỷ đồng, hỗ trợ các đoàn thể phật giáo 2 tỷ đồng…
“Riêng Mặt trận quận đã vận động 32/38 cơ sở thờ tự ký tại chỗ thực hiện ký kết bảo vệ môi trường. Đến nay việc ký kết đã được 3 năm và thu hút được nhiều đơn vị và các phật tử tham gia”- ông Đức cho biết thêm.
Nhằm khuyến khích toàn dân tích cực giữ vệ sinh đường phố, nhà chùa kiến nghị chính quyền và các ban ngành đoàn thể cần kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình những cơ sở tôn giáo, các vị chức sắc, tăng ni, phật tử thực hiện Chương trình “Tôn giáo bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” nhằm động viên tinh thần, giới thiệu cho nhiều người biết những việc làm hay, ý nghĩa, nhất là đối với các vị cao tuổi nhưng vẫn tích cực trong các hoạt động xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá, mô hình ở chùa Liên Hoa đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Mặc dù mới triển khai, nhưng kết quả này có tính bền vững. Thượng tọa trụ trì chùa mặc dù tuổi cao nhưng vẫn trực tiếp làm việc, qua đó làm tấm gương để các phật tử, người dân và các tổ chức tham gia thực hiện.