Quyết tâm bỏ học để đi hoạt động Việt Minh, ông Nguyễn Việt Yên đã xin về địa phương để hoạt động. Nơi đó chính là mảnh đất Lục Nam nơi cha ông đang làm việc ở bưu điện huyện.
Ông Vũ Oanh, từng học trường Bưởi với ông, lúc này phụ trách đoàn Thanh niên học sinh đồng ý giới thiệu ông với Việt Minh Bắc Giang.
Trước khi về Lục Nam, ông đã đến nhà in Giang Tả ở phố Charon (nay là phố Mai Hắc Đế) gặp ông Nguyễn Đình Thụ, bạn học trường Bưởi cùng hoạt động Việt Minh, con ông chủ nhà in đề nghị cấp cho một ít truyền đơn, biểu ngữ mà trước đây ông đã nhiều lần đến lấy. Lần này, truyền đơn, biểu ngữ được in chữ rõ nét, giấy tốt. Một sáng tháng 4/1945, tạm biệt Hà Nội, ông chở một bọc truyền đơn biểu ngữ, về Lục Nam, Bắc Giang trong lòng đầy cảm xúc.
Về Lục Nam, trong khi chờ đợi bắt liên lạc với Việt Minh địa phương, ông tranh thủ tuyên truyền một vài người bạn láng giềng đi rải truyền đơn ở thị trấn và bên đồn điền Đờ Mông Pơ Gia bằng số truyền đơn, biểu ngữ mang từ Hà Nội về.
Sang đầu tháng 5/1945, khi đang ở nhà thì có một thanh niên da ngăm đen, mắt sáng, miệng cười tươi đến gặp, ông Nguyễn Việt Yên đang ngơ ngác chưa biết đó là ai thì anh đưa tín hiệu liên lạc Việt Minh ở Hà Nội giới thiệu về Lục Nam khiến ông vô cùng mừng rỡ. Đó chính là anh Châu đen, cán bộ phụ trách địa phương, sau này đổi tên là Hoàng Quốc Thịnh, một thời gian dài làm Bộ trưởng Bộ Nội thương.
Hai người hàn huyên trao đổi, trò chuyện rồi anh Châu giới thiệu ông trực tiếp làm việc với hai đồng chí nữa ở một xóm nhỏ đầu phố Lục Nam. Qua đó, ông đã nắm bắt được tình hình hoạt động của Việt Minh ở địa phương như: Vận động từng thôn xóm, phố phường cùng chính quyền tại chỗ đứng lên quyên góp, nấu cơm, nấu cháo cứu đói, cứu người bệnh… và điều quan trọng nhất là tổ chức phá kho thóc cứu đói cho nhân dân. Ngoài việc cấp bách là phá kho thóc cứu đói, Việt Minh đã chú trọng phát triển lực lượng, đặc biệt là quan tâm tới việc xây dựng lực lượng vũ trang.
Sau khi nắm tình hình, ông và anh em Việt Minh ở địa phương bàn bạc nên tổ chức huấn luyện võ cho thanh niên. Ông được cử về Hà Nội để vừa in thêm truyền đơn, biểu ngữ bằng chữ typo vừa vận động mời võ sư lên chiến khu huấn luyện. Từ đó, cứ chiều chiều dăm bảy chục thanh niên khu vực Cương Sơn tập hợp khi thì ở bãi bóng, khi thì ra khu đồi cạnh thị trấn để luyện tập võ, đồng thời luyện đi đều bước, một hình thức khởi đầu của vũ trang quần chúng.
Sang tháng 7/1945, phong trào Việt Minh ở Lục Ngạn đã phát triển khá sâu rộng. Các làng, xã, tổng đều có tổ chức Việt Minh cứu quốc, tự vệ vũ trang ngày đêm tập luyện quân sự. Khắp núi rừng Lục Ngạn vang lên tiếng hát:… Một hai ta đi một hai/ Diệt tan lũ cường quyền/ Cướp lấy chính quyền/ Một… hai… ta đi một hai…
Truyền đơn biểu ngữ xuất hiện khắp xóm làng. Có lần ông cùng đồng đội treo một lá cờ đỏ sao vàng to vài mét trên đường dây bưu điện bắc ngang sông Lục ở ngay đầu thị trấn. Cờ bay phấp phới cả ngày mới bị gỡ xuống.
Đêm 18/7/1945, ông được phân công đón trung đội Cứu quốc quân về tiến công Phủ lỵ ở Lục Ngạn. Lần đầu tiên được tiếp xúc với anh em Cứu quốc quân, ông xúc động vô cùng. Trong khoảnh khắc đó, ông nhớ lại lúc mới tham gia Việt Minh còn băn khoăn lấy lực lượng vũ trang nào để đánh đổ đế quốc Nhật - Pháp thì giờ đây lực lượng vũ trang được xây dựng từ quần chúng nhân đã xuất hiện trước mặt ông. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cuộc tiến công đã giành thắng lợi nhanh chóng. Sáng 19/7/1945, một cuộc mít tinh quần chúng có đông đảo nhân dân và tự vệ Cương Sơn và vùng lân cận đến dự. Cờ đỏ tung bay cả một vùng sông Lục - núi Huyền. Quần chúng nhân dân, tự vệ vũ trang, cán bộ, hội viên cứu quốc, cả nghìn người đều hồ hởi, xúc động, vui trào nước mắt.
Lục Ngạn, Lục Nam được giải phóng, trung đội nghĩa quân Lục Nam được thành lập, ông được lãnh đạo phân công làm chính trị viên, trực tiếp lên lớp giảng chính trị cho anh em. Ban đầu ông cũng lúng túng nhưng mỗi ngày đều cố gắng để giảng dạy cho anh em thật dễ hiểu, hấp dẫn và có nhiều điều mới mẻ.
Sang tháng 8/1945, trung đội giải phóng quân của ông được điều về Cẩm Lý tham gia diệt bọn phản động ở Đan Hội, sau đó được lệnh nhanh chóng về Hải Dương, tăng cường lực lượng vũ trang cho địa phương chuẩn bị khởi nghĩa. Khi về đến nơi thì vừa lúc Hải Dương khởi nghĩa thắng lợi. Mít tinh, biểu tình rầm rộ. Cờ đỏ sao vàng bay khắp nơi.
Anh em Hải Dương ra đón với niềm phấn khởi, hoan nghênh trung đội Giải phóng quân ở chiến khu về thật đúng lúc góp phần tăng thêm sức mạnh cho địa phương. Không khí thắng lợi của Hải Dương diễn ra trong khung cảnh Tổng khởi nghĩa cả nước khiến cho ông và đồng đội xúc động trào nước mắt: Cả dân tộc đã ào lên nổi dậy/ Hải Dương ơi! Đông Thành ơi, xiềng gông đà đã gẫy/ Nước mắt ta trào: sông núi của ta rồi!... Miệng ta reo, luôn nụ cười trên môi/ Cờ bay, tung gió cuốn màu đỏ thắm/ Ôi đẹp quá! Việt Nam, Việt Nam muôn năm!...
Giờ đây, khi đã sắp sửa bước sang tuổi 100, ông Nguyễn Việt Yên vẫn bồi hồi xúc động nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên khi được sống và chiến đấu trong những năm tháng lịch sử hào hùng trước và sau cách mạng tháng 8/1945. Đi theo tiếng gọi của Việt Minh, từ một học sinh ông đã trở thành một chính trị viên và sau đó bước vào con đường binh nghiệp đi suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, dâng hiến trọn đời mình cho Tổ quốc.
Năm 1945, ông Nguyễn Việt Yên (Nguyễn Việt) tham gia nghĩa quân chiến khu Trần Hưng Đạo, tham gia khởi nghĩa Lục Nam. Ngày 19/8/1945, ông là chính trị viên Trung đội nghĩa quân Lục Nam về khởi nghĩa Hải Dương. Ông trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, giữ nhiều trọng trách trong quân đội và giữ chức Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến ngày nghỉ hưu.