Sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis đã gây ra không khí tiếc thương tại Vatican, đồng thời báo hiệu sự bắt đầu của một quy trình có tuổi đời kéo dài hàng thiên niên kỷ để bầu ra một vị Giáo hoàng mới.
Đây là một thủ tục mang tính truyền thống, nhưng đã được cập nhật một cách tinh tế trong thế giới hiện đại. “Thời kỳ Giáo hoàng tạm thời”, khoảng thời gian giữa lúc một Giáo hoàng qua đời và một Giáo hoàng khác được bầu, bắt đầu được tính khi Đức Phanxicô qua đời.
Trong thời gian này, một camerlengo (Giáo chủ thị thần) làm nhiệm vụ "chính thức xác định cái chết của Giáo hoàng", lập giấy chứng tử, niêm phong phòng ngủ và phòng làm việc của Giáo hoàng và chuẩn bị tang lễ.
Camerlengo cũng được giao nhiệm vụ thực hiện các sắp xếp thiết thực cho mật nghị, để đảm bảo tính bảo mật của các thủ tục và bỏ phiếu có trật tự. Quyền hạn của camerlengo chỉ giới hạn trong việc quản lý hàng ngày tại Vatican và là Chủ tịch của một Ủy ban gồm 3 Hồng y khác. Khi các vấn đề nghiêm trọng phát sinh, ông phải tham khảo ý kiến của toàn thể Hồng y.
Các Hồng y hiện phải quyết định chính xác thời điểm diễn ra tang lễ và sau đó là thời điểm bắt đầu mật nghị. Nhưng phần lớn mốc thời gian đã được định trước; sự ra đi của Giáo hoàng đã kích hoạt 9 ngày để tang được gọi là Novendiales và Giáo hoàng phải được chôn cất trong khoảng từ ngày thứ tư đến ngày thứ sáu sau khi qua đời.
Thi hài của Giáo hoàng cũng phải được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Peter và một thánh lễ sẽ được tổ chức vào mỗi ngày. Trước đó vào năm 2005, những người đưa tang đã xếp hàng dài hàng dặm để được nhìn thấy thi hài của Giáo hoàng John Paul II.
Sau đó, tất cả các Hồng y dưới 80 tuổi sẽ họp tại Vatican để chọn người kế nhiệm Đức Phanxicô.
Thông thường, phải mất từ 2 đến 3 tuần để chọn một Giáo hoàng, khoảng thời gian này cũng có thể kéo dài hơn một chút nếu các Hồng y gặp khó khăn trong việc thống nhất về một ứng cử viên.