Những ngôi sao gốc Á lừng lẫy tại NBA

Theo VNE 03/11/2017 15:45

Yao Ming và Jeremy Lin đại diện cho hai kỷ nguyên khác nhau của các cầu thủ gốc Á ở NBA. Nhưng họ có một điểm chung là đều biết cách tỏa sáng dù phải đương đầu muôn vàn khó khăn tại đấu trường khắc nghiệt nhất của bóng rổ thế giới.


Chấn thương trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất với Jeremy Lin trong gần mười năm thi đấu ở NBA. (Ảnh: Reuters).

Khi Jeremy Lin ngã xuống ôm chặt đầu gối phải, anh rưng rưng nước mắt nói với đồng đội xung quanh: “Tôi xong rồi! Tôi xong rồi”. 25 phút đầu tiên ở mùa giải mới khép lại với Lin theo cách không thể tồi tệ hơn. Các CĐV Brooklyn Nets ôm đầu tiếc nuối vì ngôi sao được kỳ vọng của họ đang chơi xuất sắc, ghi 18 điểm và có 4 lần kiến tạo trong trận khai mạc NBA 2017-2018 với Indiana Pacers.

Chấn thương đứt hoàn toàn gân bánh chè khiến Lin chung số phận với Gordon Hayward, cầu thủ bị vỡ xương mắt cá cũng trong ngày mở màn NBA. Cả hai phải nghỉ hết mùa, bỏ lỡ 81 trận đấu còn lại của mùa giải chính. Nhưng bi kịch của Lin lớn hơn, vì mùa trước anh đã phải nghỉ 46 trận do chấn thương gân kheo. Ở tuổi 29, Lin không còn nhiều cơ hội làm lại như Hayward, người kém anh hai tuổi. Và quan trọng hơn, thể trạng của một cầu thủ gốc Á rõ ràng rất khó để chơi bền bỉ tại đấu trường khắc nghiệt như NBA.

Lin, một người sinh ra ở Mỹ nhưng mang trong mình dòng máu thuần Đài Loan, được coi là ngôi sao gốc Á hay nhất NBA thời hậu Yao Ming. Nhưng số phận dường như đang buộc anh rơi vào đoạn kết bi kịch hệt như huyền thoại Trung Quốc. Năm 2009, ở tuổi 29, Yao Ming bắt đầu dính liên tiếp những chấn thương khác nhau: đầu gối, dây chằng, mắt cá và nghiêm trọng nhất là vỡ xương thuyền cổ tay.

Trong hai năm từ 2009 đến 2011, trung phong nổi tiếng với chiều cao 2m29 chỉ chơi vỏn vẹn năm trận. Quá trình hồi phục chậm chạp và khó khăn khiến Yao Ming phải đưa ra quyết định giải nghệ vào mùa thu 2011, khép lại gần một thập kỷ đặt dấu ấn ở NBA.

Nhưng dù kết thúc sự nghiệp theo cách nào, Lin và Yao Ming vẫn sẽ là những niềm tự hào lớn nhất của châu Á tại NBA. Họ không chỉ dám chấp nhận so tài với những người Mỹ khổng lồ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà còn khiến đối thủ nể phục và tôn trọng. Khi Yao Ming tuyên bố từ giã sàn đấu, Shaquille O'Neal đã làm hẳn một video nói bằng tiếng Trung: “Tạm biệt người anh em của tôi. Cậu là một trong những cầu thủ hay nhất NBA một thập kỷ qua. Hãy nghỉ ngơi đi, tôi sẽ rất nhớ cậu”.


Shaquille O'Neal dành sự tôn trọng lớn cho Yao Ming sau những cuộc đấu khốc liệt giữa hai trung phong cao lớn bậc nhất trong lịch sử NBA. (Ảnh: Reuters).

Tình bạn thân thiết giữa O’Neal và Yao Ming bắt đầu từ chính những nghi ngờ của huyền thoại Los Angeles Lakers dành cho đàn em. Trước màn chạm trán đầu tiên giữa hai người ở mùa giải ra mắt của Yao Ming tại NBA 2002-2003, O’Neal đã nói trong cuộc họp báo với hàm ý “tôi sẽ dạy cho cậu ấy những bài học đầu tiên tại NBA”. Nhưng rồi chỉ trong vòng hai phút mở màn, Yao Ming thực hiện hai cú block đẳng cấp ngay trước mắt “kẻ hủy diệt bảng rổ NBA” và thậm chí xoay người qua O’Neal để thực hiện pha ném một tay ghi hai điểm đầu tiên cho Rockets.

Cho tới nay, cuộc đấu giữa Yao Ming và O’Neal năm 2002 vẫn là một trong những màn đọ sức hay và đáng nhớ nhất lịch sử NBA. Nó cũng là bước khởi đầu đánh dấu sự nghiệp thành công của ngôi sao Trung Quốc tại giải bóng rổ số một thế giới. Trong tám mùa giải khoác áo Houston Rockets, Yao chơi 486 trận, tám lần góp mặt ở NBA All-Star và số áo 11 của anh được treo vĩnh viễn sau ngày giải nghệ. Trên hết, hình ảnh của Yao Ming ở NBA đã truyền cảm hứng cho hàng triệu đứa trẻ châu Á yêu bóng rổ và muốn tỏa sáng ở đấu trường đỉnh cao nước Mỹ.

Jeremy Lin là một trong số đó. Gốc gác châu Á và hình thể nhỏ bé từng khiến Lin bị coi thường khi chân ướt chân ráo tới NBA năm 2010. Được Golden State Warriors ký hợp đồng nhưng Lin không cạnh tranh nổi với Stephen Curry và Monta Ellis khiến sự nghiệp ngày càng lận đận. Anh phiêu bạt tới đội hạng hai Reno Bighorns, thậm chí chấp nhận về Trung Quốc khoác áo Shenzhen Leopards, trước khi quay lại NBA gia nhập New York Knicks năm 2011. Vận may đến với Lin bởi New York khi ấy đang khủng hoảng lực lượng và cần người dự bị cho Mike Bibbi.

Đến HLV của Knicks lúc đó là Mike D’Antoni cũng không tin Jeremy Lin sẽ đóng góp được gì vào phong độ thảm hại của đội. “Cậu ta chỉ may mắn được chơi do cả đội đã thi đấu quá tệ”, D’Antoni lý giải sau một lần tung Lin vào sân từ ghế dự bị. Câu nói thể hiện sự coi thường và thiếu tôn trọng của HLV với một học trò tân binh. Nhưng Lin không từ bỏ cơ hội, dù là nhỏ nhất. Trận gặp New Jersey Nets, đích thân ngôi sao Carmelo Anthony đề xuất với HLV để Lin chơi nhiều hơn ở hai hiệp cuối.


Jeremy Lin tỏa sáng khi đối đầu với những siêu sao tầm cỡ như Kobe Bryant. (Ảnh: Reuters).

Chớp thời cơ, Lin làm nên kỳ tích. Anh ghi 25 điểm, thực hiện 5 rebounds và 7 kiến tạo để giúp Knicks vượt khó giành chiến thắng kịch tính 99-92. Mike D’Antoni biết mình đã sai và lập tức sửa chữa. Trận kế tiếp gặp Utah Jazz, HLV gạo cội điền tên Jeremy Lin vào đội hình chính. Đó là lần đầu tiên kể từ khi Yao Ming giải nghệ, người hâm mộ mới được nhìn thấy một cầu thủ châu Á bước ra sân trong đội hình xuất phát ở NBA. Lin không khiến những ai tin tưởng anh phải thất vọng. Chàng hậu vệ cao 1m91 đánh bại hàng thủ Utah Jazz bằng 28 điểm, giúp Knicks có thêm một chiến thắng.

Bốn trận sau đó của Knicks, Lin đều được xếp vào danh sách năm người chính thức. Anh liên tục tỏa sáng khi đối đầu với những siêu sao NBA như Kobe Bryant hay John Wall. Lin trở thành cầu thủ NBA duy nhất vào thời điểm đó ghi trung bình 20 điểm mỗi trận trong năm trận đầu tiên ra sân ở đội hình xuất phát. Đó là kỳ tích với một người gốc Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ngôi sao gốc Á lừng lẫy tại NBA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO