Gần 20 năm công tác tại phường Phúc La, là một cán bộ tư pháp, hòa giải viên, ông Thủy luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân dưới nhiều hình thức. Ngoài việc trực tiếp tham gia hòa giải ở khu dân cư, ông Thủy thường tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm với thành viên các tổ hòa giải của tổ dân phố trong phường. Bám sát phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, thời gian qua công tác hòa giải ở phường Phúc La đã góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính...; đồng thời, hạn chế đơn, thư, khiếu nại vượt cấp nhờ có những cán bộ hòa giải tâm huyết.
Ông Vũ Trọng Thủy cho biết, hiện nay, phường Phúc La có 19 tổ hòa giải tại 19 tổ dân phố, với 147 hòa giải viên. Cả 19 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”. Các hòa giải viên hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia. Để có được kết quả trên, cán bộ tư pháp phường đã phối hợp với MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể phường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các tổ hòa giải trên địa bàn; theo dõi, thống kê các vụ việc để tổ chức hòa giải; đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hòa giải, theo ông Vũ Trọng Thủy, khi có vụ việc xảy ra, các tổ hòa giải tập hợp các hòa giải viên cùng họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết những mâu thuẫn, những bất hòa xảy ra trong cuộc sống trước sự chứng kiến của các hòa giải viên. Để có được kết quả cao nhất, các thành viên tổ hòa giải còn tận dụng vai trò của người uy tín trong tuyên truyền, vận động; những người có chuyên môn trong và nhiều kinh nghiệm để cùng tham gia tổ hòa giải. Nhờ đó, từ nhiều năm nay phường Phúc La ít xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp về pháp luật.
“Các hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Trong đó, chú trọng các kiến thức pháp luật đến cách tiếp cận đối tượng, lồng ghép với các yếu tố về phong tục tập quán, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình, địa phương trong quá trình hòa giải, bảo đảm phù hợp với tính chất của từng vụ việc và đặc điểm của từng đối tượng để đạt hiệu quả cao”, ông Vũ Trọng Thủy nói.
Ông Thủy cũng cho biết thêm, trong quá trình hòa giải, xóa tan những mâu thuẫn tùy vào từng vụ việc cụ thể, các thành viên tổ hòa giải vận dụng thêm những phong tục tập quán ở địa phương, những hiểu biết về pháp luật có liên quan cùng những câu nói có lý, có tình để thuyết phục hai bên để cùng vui vẻ xóa tan tranh chấp.