Mặt trận

Những người chiến sĩ - cán bộ Mặt trận kiên trung, quả cảm

Thu Hoàn 06/04/2025 10:10

Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi ghi dấu thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và trong bức tranh cả dân tộc đồng lòng ra trận, có sự góp mặt của nhiều cán bộ Mặt trận kiên trung, quả cảm như liệt sĩ Lê Quang Lộc và nữ tù Côn Đảo Nguyễn Thị Ngọc Lành.

anh trang 4 CN Bà Nguyễn Thị Ngọc Lành
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lành.

Hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn

Liệt sĩ Lê Quang Lộc, (bí danh Sáu Ngọc, Sáu Quý) sinh ngày 25/10/1940 tại Trà Ôn, Cần Thơ (nay là huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), là con út trong một gia đình khá giả. Năm 1954, từ chối vào trường Thiếu sinh quân ở Mỹ Tho, Lê Quang Lộc vào học tại trường Huỳnh Khương Ninh, một ngôi trường giàu truyền thống yêu nước. Như mầm cây non gặp đất tốt, từ đây, anh bắt đầu tham gia cách mạng và làm giao liên cánh học sinh trong thành phố Sài Gòn. Tháng 7/1959, anh chính thức vào tổ chức cách mạng với công việc làm giao liên, in ấn và rải truyền đơn, sau đó được phân công tổ chức một bộ phận in ấn ngay tại nhà mình. Năm 1960, anh bị bắt cùng với một số đồng chí khác. Địch đưa anh đi khắp các khám Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp… tra tấn dữ dội suốt gần 3 năm nhưng không moi được thông tin. Sau đó, chúng đưa anh ra tòa án quân sự xử kín và kết án 5 năm tù.

Khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, anh được thả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1966, anh được điều động về Trường Đại học Văn khoa - một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn để gây dựng, phát triển cơ sở cách mạng. Tại đây, anh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng đại diện sinh viên Văn khoa niên khóa 1966 - 1967, rồi Chủ tịch Ban Chấp hành sinh viên Văn khoa niên khóa 1967 - 1968. Hoạt động công khai giữa Sài Gòn với rất nhiều thách thức, hiểm nguy rình rập khi mật vụ ráo riết theo dõi, đàn áp nhưng anh không bận tâm, sờn lòng. Cùng với Ban Chấp hành Sinh viên Văn khoa và các trường khác, anh năng nổ, xông xáo tổ chức cho sinh viên đấu tranh chính trị dưới nhiều hình thức như: mít tinh, hội thảo, bãi khóa, biểu tình đòi hòa bình…

Tết Mậu Thân năm 1968, chiến sự nổ ra ác liệt giữa lòng Sài Gòn, ngày 19/2/1968, anh được lệnh vào mật khu gấp nhận nhiệm vụ mới: tham gia Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Từ năm 1970 -1973, anh Lê Quang Lộc được tổ chức phân công công tác tại Thành Đoàn với chức danh Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh Văn phòng rồi Phó ban Tuyên huấn. Đầu tháng 4/1975, thời cơ cách mạng đã đến, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thành đoàn gấp rút bố trí lực lượng để đáp ứng yêu cầu của thời cơ mới, anh Lê Quang Lộc được tổ chức phân công là một mũi tiền tiêu tiến về giải phóng Sài Gòn. Trên đường hành quân, mũi tiền tiêu do anh chỉ huy bị lọt vào trận địa pháo của giặc. Anh Lê Quang Lộc và các đồng đội đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh hy sinh tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn vào đêm 14 rạng ngày 15/4/1975.

Xuất thân trong một gia đình khá giả, Lê Quang Lộc hoàn toàn có thể chọn cho mình một cuộc sống an nhàn nhưng anh đã tự nguyện dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng gian khổ, hiểm nguy. Anh đã sống hết mình với lý tưởng, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân và tính mạng của mình cho Tổ quốc nhưng chưa kịp một lần về thăm lại cha mẹ già sau nhiều năm xa cách, chưa kịp gặp mặt cô con gái bé bỏng, chưa kịp thực hiện điều mà anh đã an ủi vợ mình “hòa bình rồi anh sẽ bù cho em tất cả”. Ngày 30/4/1975, trong niềm hân hoan, hạnh phúc vô bờ của toàn thể dân tộc, trong niềm vui sum họp của mỗi gia đình, vợ anh là chị Huỳnh Quan Thư vẫn tất tả ngược xuôi đi khắp nơi tìm chồng mà không hay biết anh đã hy sinh trước đó 2 tuần.

Liệt sĩ Lê Quang Lộc - người cán bộ Thành Đoàn, người cán bộ Mặt trận mẫn cán, tràn đầy nhiệt huyết, thông minh, quả cảm đã anh dũng ngã xuống trước bình minh của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 khi 35 tuổi. Nhưng cũng như bao liệt sĩ khác, anh trở thành đóa hoa bất tử trong những trang sử của dân tộc được viết bằng xương máu. Năm 1985, báo Tuổi Trẻ đã thành lập xưởng in đề nghị mang tên Lê Quang Lộc, sau này phát triển thành xí nghiệp rồi Công ty in Lê Quang Lộc để tưởng nhớ và tri ân anh. Anh sống mãi trong lòng gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội, đồng bào với lòng tiếc thương và biết ơn vô hạn.

Khát vọng hòa bình trên chiếc gối thêu

anh tr4 CN Liet si Le Quang Loc
Liệt sĩ Lê Quang Lộc.

Hòa bình, hai tiếng giản dị nhưng là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến. Trong số những người phụ nữ kiên cường, bất khuất, có bà Nguyễn Thị Ngọc Lành, một nữ cán bộ Mặt trận đã trải qua bao gian khổ, tù đày để góp phần hiện thực hóa khát vọng hòa bình của dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lành (bí danh Út Huyền, Ba Sương), sinh năm 1945 tại Bình Dương. Chưa đầy 20 tuổi, bà vào chiến khu tham gia hoạt động cách mạng tại Văn phòng Ban Trí vận - Mặt trận Khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 8/1966, bà được bố trí về số nhà 159/5F đường Nguyễn Trãi, quận 5, Sài Gòn (nay là nhà số 159/5, đường Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, TPHCM) để cùng giáo sư Nguyễn Văn Quới bắt tay vào việc in Typo các tài liệu, truyền đơn và tờ báo bí mật “Trí Thức Mới” (Diễn đàn của trí thức yêu nước và dân chủ Sài Gòn).

Sau đợt 1 cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), hoạt động của nhà in được tăng cường. Ngoài nhiệm vụ chính là in và trực tiếp tuyên truyền bằng báo chí, truyền đơn các loại cho mọi tầng lớp nhân dân Sài Gòn, bà Lành còn tham gia vào nhiệm vụ quan trọng khác là làm giao liên để đưa các nhân sĩ, trí thức yêu nước, các nhân viên trong bộ máy của chính quyền Sài Gòn tán thành quan điểm của Mặt trận vào chiến khu một cách an toàn để chuẩn bị thành lập Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam.

Trong thời gian này, địch theo dõi, lùng sục, bắt giam bất cứ ai mà chúng nghi ngờ hoạt động cách mạng. Mặc dù được ngụy trang kỹ lưỡng, thận trọng trong hoạt động nhưng các cán bộ nhà in lần lượt bị địch bắt. Những tháng cuối năm 1969, nhà in chỉ còn lại một mình bà nhưng bà vẫn đảm đương, hoàn thành việc tiếp tục in tờ “Trí Thức Mới” dưới dạng quay roneo (máy in quay bằng tay, một vòng quay in ra được 1 trang) theo yêu cầu của tổ chức. Để giữ thế hợp pháp, ban ngày bà đi học văn hóa và học thêm nghề chụp ảnh. Ban đêm, bà vào hầm bí mật đánh máy bài vở của tờ báo trên giấy stencil gửi duyệt rồi đem về quay roneo in ra. Đề phòng nhà in bị lộ, bà đã dọn dẹp hầm bí mật, sắp xếp tài liệu, máy móc, mua xi măng xây kín lại và tháo máy in Typo rồi chuyển từng bộ phận sang cơ sở nhà in mới. Đầu năm 1972, bà bị địch bắt. Chúng giam bà ở các nhà tù ở Sài Gòn, Biên Hòa tra tấn với nhiều hình thức đau đớn, tàn bạo nhưng bà kiên cường, quyết chí chịu đựng và chấp nhận sẵn sàng hy sinh để không tổn hại đến tổ chức, đến nhà in bí mật.

Tháng 2/1974, bà bị đày đi Côn Đảo. Trong tù, bà cùng đồng đội tiếp tục đoàn kết đấu tranh, giữ vững khí tiết. Bà thêu cặp gối có hình ảnh cánh chim bồ câu gửi gắm niềm khát khao cháy bỏng và niềm tin vào ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Sau ngày 30/4/1975, cùng với nhiều tù nhân chính trị khác, bà được đón về đất liền trong niềm hạnh phúc vô bờ.

50 năm sau ngày thống nhất nhưng ký ức về những năm tháng kháng chiến gian khổ, hào hùng vẫn vẹn nguyên trong bà Nguyễn Thị Ngọc Lành. Chia sẻ với chúng tôi, người nữ cán bộ quả cảm của Mặt trận nhớ lại: “Đêm khuya 30/4/1975, ở Côn Đảo, qua radio, chúng tôi biết tin Sài Gòn giải phóng. Khi được giao chìa khóa, chúng tôi mở cửa ùa ra ngoài. Trong đêm tối, giữa đảo mênh mông, chúng tôi ôm nhau khóc nghẹn vì sung sướng, hạnh phúc - niềm hạnh phúc tột cùng không gì diễn tả, đo đếm được: Sài Gòn giải phóng rồi. Đất nước hòa bình rồi”.

Liệt sĩ Lê Quang Lộc, nữ tù Côn Đảo Nguyễn Thị Ngọc Lành - những cán bộ Mặt trận kiên trung, quả cảm trong vô số những tấm gương của đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu kiên cường, bất khuất giữa mưa bom bão đạn của chiến tranh, giữa lằn ranh sinh tử để góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng. Cuộc đời và lý tưởng cao đẹp của họ đã truyền động lực, cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ hôm nay và mai sau cùng chung sức, đồng lòng viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người chiến sĩ - cán bộ Mặt trận kiên trung, quả cảm