Trong kho tàng văn hóa truyền thống của 43 dân tộc cùng sinh sống trên vùng đất Quảng Ninh, không ít bản sắc văn hóa đang bị mai một. May thay, vẫn còn những người tâm huyết, nặng lòng với từng câu ca, điệu nhạc, hay trang phục, chiếc khăn thêu của dân tộc mình.
Ngôi nhà của lễ hội
Ở khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), người dân đã quen với tiếng đàn tính hòa quyện cùng tiếng hát then trầm bổng vang lên từ căn nhà của bà Hoàng Thị Viên.
“Ai rảnh rỗi, có niềm vui hay có việc gì sầu muộn là lại đến nhà bà Viên xem hát, nghe đàn. Nhà bà Viên ngày nào cũng là ngày hội” - một cán bộ Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu giới thiệu khi dẫn tôi tới nhà bà Viên.
Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng bà Viên vẫn ngày ngày miệt mài làm công việc sưu tầm, truyền dạy văn hóa người Tày, đặc biệt là những điệu then của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Hoàng Thị Viên kể: Hát then không chỉ đơn thuần là hình thức diễn đạt nội dung bằng nhạc điệu, phương thức giao lưu, giao duyên giữa trai, gái với nhau, mà còn được người Tày xưa gắn liền với hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Các gia đình người Tày xưa thường sắm sửa lễ vật để mời thầy then về nhà làm lễ giải hạn, cầu phúc lộc, cầu sức khỏe để bắt tay vào công việc mới. Theo thời gian, then đã vượt ra khỏi các nghi lễ đó, trở thành phương thức giao lưu giữa mọi nhà, giao duyên giữa nam nữ của người Tày Bình Liêu.
Từng có thời điểm hát then đứng trước nguy cơ bị mai một dần trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày ở Bình Liêu. Để kịp thời gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa quý giá ấy, bà Viên cùng những nghệ nhân khác đã dành tất cả niềm đam mê, tâm huyết để đưa hát then sống lại trong đời sống cộng đồng; giúp thế hệ trẻ không chỉ biết hát, mà còn hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của từng bài hát.
Để việc học hát không trở nên nhàm chán, bà Viên đã kết hợp giảng dạy với những buổi giao lưu biểu diễn tại các hội làng, ngày lễ truyền thống. Bà cùng các nghệ nhân khác vận động thanh, thiếu niên tham gia CLB văn nghệ, giúp họ yêu thích và tự hào hơn về văn hóa dân tộc mình.
Không chỉ làm nhiệm vụ truyền dạy lại cho lớp trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày, nghệ nhân Hoàng Thị Viên còn mày mò sáng tác những bài hát mới, từ đó góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật hát then của dân tộc Tày.
Thầy Cả giữ “kho báu” cho dân làng
Về xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, giờ đây đã không còn là xã khó khăn, hẻo lánh nữa. Người Sán Chỉ ở đây đã biết làm du lịch cộng đồng, xây dựng cơ sở lưu trú bằng loại hình homestay. Ngoài sở hữu phong cảnh tự nhiên hoang sơ, đồng bào Sán Chỉ hiểu rằng, Đại Dực còn có những giá trị về văn hóa đặc biệt hấp dẫn du khách.
Đó là điều mà nghệ nhân ưu tú Lỷ Minh Sáng (75 tuổi, thôn Phài Giác, xã Đại Dực) luôn nhắc nhở con cháu, lớp trẻ người Sán Chỉ. Là một trong số ít người còn thuộc làu cách trình diễn, múa hát và thực hành nghi lễ cầu mùa - một trong những nghi lễ truyền thống của người Sán Chỉ ở Tiên Yên, ngay từ nhỏ, ông Sáng đã đam mê những nghi lễ truyền thống của dân tộc mình.
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Phài Giác, ông Sáng kể: Năm 1986, ông tìm đến nhà một vị già làng trong xã để xin được theo học chữ, học hát múa các nghi lễ dân tộc Sán Chỉ. Phải mất đến 3 năm, ông Sáng mới thành thạo và bắt đầu tham gia thực hành các nghi lễ cho dân làng. Dần dần, ông Sáng được bà con tin tưởng, rồi làm thầy Cả của làng. Cứ vào dịp lễ tết truyền thống, ông Sáng lại đại diện cho nguyện vọng của toàn thể dân làng tấu sớ cầu an, cầu mùa.
Khoe "kho báu" của mình, ông Sáng lật giở từng trang quyển sách do ông chép tay, ghi đầy những bài hát Soóng Cọ. Ông bảo, các bài hát Soóng Cọ có nhiều chủ đề, chủ đề về tình yêu đôi lứa, với những câu hát ướm hỏi, gợi ý, đối đáp hóm hỉnh của các đôi trai gái; chủ đề về ca ngợi công ơn các thế cha anh đi trước mở đường; lại có những bài hát nhớ ơn tổ tiên, đền ơn cha mẹ; chủ đề ca ngợi lao động sản xuất, hát về bốn mùa…
“Không chỉ có công trong bảo tồn nghi lễ cầu mùa theo nguyên bản, cụ Lỷ Minh Sáng còn là người có nhiều công trong bảo tồn Soóng Cọ - lối hát truyền thống của người Sán Chỉ huyện Tiên Yên” - ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Đại Dực nói.
Thỉnh thoảng, người Đại Dực lại thấy ông Sáng đi bộ đến các trường học trên địa bàn, phối hợp với xã tổ chức các lớp học truyền dạy chữ viết, các điệu múa đặc trưng của dân tộc, nghệ thuật điều hành, thực hành lễ cầu mùa của người Sán Chỉ và hát Soóng Cọ…
Ở xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà), ai cũng biết nghệ nhân Chìu Thị Lan ở bản Mố Kiệc, là người có nhiều đóng góp tích cực trong việc lưu giữ, truyền dạy kỹ thuật thêu thùa trang phục truyền thống và cách vấn tóc của người Dao Thanh Y.
Hằng ngày, ngoài thời gian làm việc, bà Lan lại tỉ mẩn bên khung thêu, đôi tay thoăn thoắt luồn từng mũi chỉ, tạo nên những hoa văn rực rỡ trên nền vải đen.
Dừng tay thêu, nghệ nhân Chìu Thị Lan chia sẻ: Đối với phụ nữ Dao Thanh Y, bộ trang phục rất cầu kỳ, nhiều họa tiết hoa văn phải được thêu bằng tay và phối màu theo nét riêng, độc đáo. Để làm được bộ quần áo truyền thống hoàn chỉnh, mỗi người thợ phải mất ít nhất 3 tháng thêu thùa, người không quen thì phải mất đến cả năm. Do khó học, lại mất nhiều thời gian nên ở bản Mố Kiệc giờ không còn nhiều người biết may quần áo truyền thống.
Không muốn để nghề truyền thống mai một, nghệ nhân Chìu Thị Lan chủ động tổ chức các buổi truyền dạy cho phụ nữ trong bản. Bà cũng tích cực vận động thanh niên mặc đồ truyền thống trong các dịp lễ, hội, cưới hỏi, để trang phục Dao Thanh Y luôn hiện diện trong đời sống cộng đồng.
Hơn ai hết, những người như bà Viên, bà Lan, ông Sáng đã và đang góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hoá, lưu giữ nguồn tài nguyên quý báu cho phát triển du lịch và văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng đất, con người Quảng Ninh.