Họ là "người lính giữa lòng dân trong mặt trận thời bình", với hơn 3.000 con người "đa năng, đa nhiệm vụ" đang có mặt ở tất cả bản làng, khu phố hằng ngày nỗ lực tiếp sức cho Đất Tổ Phú Thọ hướng tới giàu đẹp hơn.
Lâu lắm rồi ông Lưu Văn Củng mới có một đêm ngon giấc. Đó là khi những mét bê tông cuối cùng của những con đường trong thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) với tổng chiều dài 2.000 mét được hoàn thành.
Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận của khu, hằng ngày đi vận động dân góp công của, vật liệu làm đường, ông Củng chỉ nghĩ, muốn xây nông thôn mới thì phải có "những con người nông thôn mới", và mình phải nhiệt tình, chịu thiệt đầu tiên.
Nghĩ cách động viên hộ khó khăn, khéo léo khích lệ từng "Mạnh Thường Quân", đến từng nhà, gặp từng người, khơi gợi và huy động tất cả vào cuộc, ông Củng đã ở tuổi hơn 60 nhưng chưa biết mỏi mệt gom đầy từng con số: làm nắp đậy hệ thống thoát nước thải trị giá trên 100 triệu đồng; lắp đặt 360 mét đường điện chiếu sáng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên 200 triệu đồng; xây dựng hệ thống tiêu thoát nước trong dân cư đảm bảo thông thoáng, cảnh quang môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; ủng hộ gần 30 triệu đồng xây lại cổng trào khu; huy động trên 50 ngày công và 6 triệu đồng khôi phục, tu bổ Giếng Lai (thuộc di tích thờ cúng Vua Hùng); huy động trên 200 ngày công và 16 triệu đồng san lấp mặt bằng, hoàn thiện 300 m2 sân bê tông, tạo sân bóng chuyền hơi, sân cầu lông; tổ chức 200 buổi tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; vận động dân xóm Chùa, xóm Chằm góp sức ủng hộ xây dựng 1 nhà quản trang, bổ sung đường điện, đường nước tới trung tâm nghĩa trang Đình Đồn; vận động kinh phí trao hàng trăm suất quà cho các hộ khó khăn, gia đình chính sách...
Lâm Thao trên chặng đường trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc (năm 2015) có sự tiếp sức không nhỏ của những "người lính mặt trận thời bình" như ông Củng.
Không quản ngày đêm huy động, vận động người dân góp của, góp sức vì quê hương, đi hòa giải, đến tặng quà, khi thăm người ốm, lúc lo tang lễ, cưới hỏi, khuyên bảo người dân bỏ hủ tục..., có thể nói hơn 3.000 "người lính" như ông đang có mặt ở tất cả thôn bản, ngõ phố trong toàn tỉnh Phú Thọ đã thực sự làm nhiệm vụ đa năng rất hiệu quả.
Ông Phạm Huy Thường ở Tây Cốc (huyện Đoan Hùng), ông Hoàng Văn Đoàn ở Hưng Long (huyện Yên Lập), ông Đinh Viết Thắng ở Minh Đài (huyện Tân Sơn), chị Bùi Thị Tuyết ở Xuân Áng (huyện Hạ Hòa)..., khó có thể liệt kê hàng loạt tấm gương sáng đang gần dân nhất, nỗ lực xây đắp khối đại đoàn kết giữa lòng dân cùng làm việc khó, và truyền cảm hứng cho đồng bào xây dựng diện mạo Đất Tổ.
Đến nay Đất Tổ có tới 114 xã nông thôn mới với 4 địa bàn cấp huyện đạt chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 5%. Nhiều "người lính công tác chuyên trách, kiêm trách mặt trận" có cách làm sáng tạo riêng đã huy động người dân phát huy thế mạnh từng địa phương, giúp nhau vốn, vật tư, cây con giống, kinh nghiệm chuyển đổi canh tác, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm…
Họ cũng chính là tác nhân quan trọng để tỉnh Phú Thọ có được trên 87% khu dân cư văn hóa, 88% hộ gia đình văn hoá hằng năm, và giúp sức để Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ vận động được hơn 66 tỷ đồng vì người nghèo, ủng hộ miền Trung lũ lụt hơn 8 tỷ đồng, ủng hộ 36 tỷ đồng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sửa chữa gần 2.400 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho học sinh nghèo hiếu học, tặng quà trị giá hàng chục tỷ đồng cho gia đình chính sách 5 năm qua.
Từ năm 2015-2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng 1 Cờ thi đua. UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng 4 Cờ thi đua xuất sắc (2 Cờ thi đua xuất sắc toàn diện), tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc cho 1.482 cá nhân, tặng Bằng khen cho 120 tập thể và 75 cá nhân.