Nhùng nhằng 'siêu máy bơm'

Thành Luân 07/09/2018 07:00

Câu chuyện chống ngập ở TP Hồ Chí Minh chắc chắn vẫn sẽ là một đề tài nóng hổi trong vài năm tới, sau khi bên cung cấp dịch vụ hệ thống “siêu máy bơm” chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, được thí điểm từ tháng 9/2017, đề nghị tạm ngừng vận hành do nhùng nhằng về chi phí. Trong khi đó, cuộc tranh luận về tính hiệu quả của “siêu máy bơm” vẫn tiếp diễn…

Nhùng nhằng 'siêu máy bơm'

Hệ thống “siêu máy bơm” được đầu tư gần 100 tỷ đồng nhưng qua vài trận mưa đầu mùa, đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP HCM) vẫn xảy ra tình trạng ngập nước cục bộ.

Chê mức giá thuê “siêu máy bơm” do chính quyền đưa ra quá rẻ, trong khi đơn xin UBND TP HCM tạm ứng 30 tỷ đồng chưa được, đơn vị cung cấp “siêu máy bơm” là Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (gọi tắt là Công ty Quang Trung) vừa có công văn xin tạm ngưng vận hành máy bơm, khiến cho việc xử lý ngập tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh có nguy cơ “cha chung không ai khóc” trong thời gian tới….

“Giải pháp chữa cháy” sớm đổ vỡ

Đường Nguyễn Hữu Cảnh là tuyến đường xảy ra tình trạng ngập kinh niên của TP HCM trong suốt hàng chục năm qua. Giải pháp về quy hoạch, giải phóng mặt bằng đã được UBND TP HCM tính đến, nhưng rất khó khả thi khi dự toán kinh phí lên đến hàng hàng nghìn tỷ đồng. Cực chẳng đã, chính quyền thành phố quyết định bỏ ra khoản tiền nhỏ hơn để thuê “siêu máy bơm” của công ty Quang Trung chống ngập tạm thời cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Trong quá trình thử nghiệm, đơn vị cung cấp dịch vụ “Siêu máy bơm” cho đường Nguyễn Hữu Cảnh đưa ra mức dự toán giá là 24,4 tỷ đồng. Nhưng ngay trong năm đầu vận hành, có lúc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung phải gửi công văn đến Thành ủy, UBND TP đề nghị tạm ứng 30 tỷ đồng để trang trải phí vận hành, nhưng đến nay đơn vị này cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi. Phải đến mới đây, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM mới kiến nghị Thường trực Thành ủy và UBND TP xem xét đồng ý cho Trung tâm này đặt hàng thuê dịch vụ với giá đề xuất khoảng 9,9 tỷ đồng/năm và thời hạn thuê 7 năm.

Phía Công ty Quang Trung cho rằng mức giá 9,9 tỷ đồng/năm là quá thấp so với giá đơn vị này đề nghị trước đó là 24,4 tỷ đồng, trong đó đã giảm 5%, và đã lập tức có đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM tự chủ động có biện pháp xử lý ngập tại khu vực này để không ảnh hưởng đến người dân.

Chính quyền họp khẩn

Khi đưa ra dự toán giá thuê “siêu máy bơm” là 24,4 tỷ đồng/năm, UBND TPHCM đã tổ chức họp để thảo luận, cân đối về mức giá này. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP đã đánh giá sơ bộ về quá trình thử nghiệm, trong đó cho rằng về cơ bản quá trình vận hành “siêu máy bơm” chống ngập đã mang lại hiệu quả giảm ngập.

Nhùng nhằng 'siêu máy bơm' - 1

Siêu máy bơm chống ngập do công ty Quang Trung sáng kiến và đầu tư, được UBND TP HCM thuê thử nghiệm được 1 năm qua. Ảnh: Hồng Phúc.

Phía Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM thì báo cáo cụ thể rằng, qua 23 lần vận hành trạm bơm khi trời mưa thì có 6 lần ngập máy bơm đều hoạt động hiệu quả, nhưng đa số mới ở lưu lượng nhỏ từ 21,5 - 42,3 mm. Còn đại diện Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật TP HCM cho rằng tình trạng ngập nước ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh có được giảm ngập hơn, phản ứng của người dân sống tại khu vực cũng tốt lên.

Liên quan đến mức giá thuê máy bơm, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, cần cân đối lại và phải đánh giá toàn diện tính hiệu quả của công nghệ gắn với hoạt động của “siêu máy bơm” này. Được biết, UBND TP HCM cũng đã có nhiều cuộc họp khác nhau để bàn về vấn đề giá thuê “siêu máy bơm”, nhưng mức giá đơn vị tham mưu vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức giá do chủ đầu tư công ty Quang Trung đưa ra trong 7 năm đầu.

Thiếu cơ sở khoa học

Tham vấn với Đại Đoàn Kết về câu chuyện thuê “siêu máy bơm” chống ngập của TP HCM, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM kiêm thành viên Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường; cho rằng ngay từ đầu việc thuê “siêu máy bơm” để đã là một biện pháp mang tính chữa cháy. Do đó, ngay từ đầu nó đã trái với nguyên tắc khoa học, thiếu các cơ sở về xã hội học, với tư duy “đụng đâu đánh đó” hay là “ngứa đâu gãi đó” như những năm bao cấp trước đây.

Theo vị chuyên gia này, hệ thống “siêu máy bơm” chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh được thí điểm từ tháng 9/2017, với công suất phía chủ đầu tư đưa ra là 27.000-96.000 m3/giờ, có hệ thống lọc rác, được đầu tư gần 100 tỷ đồng. Dù được đánh giá có giúp giảm ngập cho tuyến đường này nhưng các quan trắc độc lập lại cho thấy qua vài trận đầu mùa mưa 2018, đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn xảy ra tình trạng ngập nước cục bộ.

Chuyên gia độc lập, kỹ sư Trần Văn Phương ví von câu chuyện TP HCM thuê máy bơm chống ngập như một trong những bất cập chung hiện nay của các đô thị ở Việt Nam. Đó là tầm nhìn rất hạn chế trong quy hoạch, chỉ nhìn được các giải pháp tạm thời. Ông Phương cũng nhắc đến chuyên gia của Nhật Bản tại một hội thảo về chống ngập đã đưa ra cùng một giải pháp viễn cảnh cho TP HCM, đó là cần phải có các hồ điều tiết, các “đầm lầy trong đô thị” để cân bằng tự nhiên, tránh ngập dài hạn cho đô thị.

Mời nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học vào cuộc

UBND TP HCM vừa có yêu cầu Sở GTVT TP HCM chỉ đạo, phối hợp các đơn vị chức năng để mời chuyên gia, nhà khoa học kiểm tra, đánh giá, tìm nguyên nhân gây ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, kể cả góp ý, kiến nghị, đề xuất với thành phố về quá trình thử nghiệm máy bơm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhùng nhằng 'siêu máy bơm'