Xã hội

Những nhịp cầu nối tình đoàn kết – Bài 1: Chuyện ông “Hai lúa” xây gần 300 cây cầu từ thiện

Tú Uyên - Thanh Tiến 05/03/2024 07:43

Khắp miền Tây, từ Vĩnh Long, Đồng Tháp đến Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau... ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp những cây cầu bê tông vững chắc nối liền những dòng sông, bờ kênh. Cùng những cây cầu Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng, là hàng nghìn cây cầu từ thiện do MTTQ, các tổ chức tôn giáo và nhiều cá nhân tích cực vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm xây dựng. Họ đang viết nên những câu chuyện xúc động về tình đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái - phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta.

Dưới cái nắng gắt, gần 12 giờ trưa, ông Nguyễn Văn Bé Hai vẫn tất bật đốc thúc nhóm thợ làm cầu. Cây cầu từ thiện thứ 267 này do ông vận động mạnh thường quân và hùn thêm tiền gia đình xây tặng bà con ấp Mỹ Đông Nhì, xã Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Cây cầu mà người dân trong ấp mong ngóng, chờ đợi bấy lâu nay...

anh-chinh.jpg
Ông Nguyễn Văn Bé Hai kiểm tra cây cầu do đội thi công thiện nguyện đang xây dựng tại ấp Mỹ Đông Nhì, huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Ảnh: Tú uyên.

Đặt cả sổ đỏ để lấy tiền xây cầu

“Mấy em nghỉ tay uống ly cà phê đã” - ông Bé Hai với gọi. Anh em thợ chỉ kịp gật đầu đáp lại lời ông bởi họ đang mướt mát mồ hôi vì những xô vữa trĩu nặng. Ông bảo, mọi người đang cố gắng để cầu sớm khánh thành cho bà con trong ấp đi lại dễ dàng, thuận lợi, chứ cây cầu cũ xuống cấp quá, mỗi lần đi qua ai cũng run, lo nhất là người già và tụi trẻ.

Cây cầu này kinh phí xây dựng hết 420 triệu đồng, vận động mạnh thường quân được 200 triệu đồng, bà con trong ấp Mỹ Đông Nhì bảo nhau đóng góp 20 triệu đồng, số còn lại gia đình ông hùn tiếp. Trước nay vẫn vậy, cứ cây cầu nào vận động còn thiếu, là ông Bé Hai lại tìm mọi cách xoay xở cho đủ.

Lâu nay, người dân ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành vẫn gọi ông Bé Hai là “Hai lúa”, bởi ông là người trồng lúa có tiếng trong vùng. Cả cánh đồng thẳng cánh cò bay, đến vài chục công ruộng, vụ Thu Đông, rồi cả vụ Đông Xuân lúa trúng mùa, trúng giá, tính ra mỗi công ruộng lời tới 3 triệu đồng. Ông bảo, mừng dữ lắm, như thế là mình có thêm tiền để hùn vào làm cầu cho bà con.

Ông Bé Hai bắt đầu xây cầu từ thiện từ năm 2000. “Trận lũ lịch sử năm ấy đã phá hủy nhiều nhà cửa, hoa màu, đường sá và cuốn đi rất nhiều cây cầu. Lũ đi qua, cầu không còn, giao thông cách trở, bà con đi lại vô cùng cơ cực. Nhìn những cây cầu gỗ oằn xuống mỗi khi có người qua lại, tôi nghĩ phải tìm cách làm cầu cho bà con” - ông nhớ lại.

Từ số tiền 20 triệu đồng cô em gái định cư bên Australia gửi về, ông Bé Hai làm cây cầu từ thiện đầu tiên, dài 15m, rộng 1,5m. Cầu sau khi khánh thành đón nhận rất nhiều niềm vui của bà con. Nhìn mọi người chạy xe bon bon trên cầu mới, ông bảo, lòng tui mừng dữ lắm.

Và cũng từ cây cầu đầu tiên đó cho đến nay, ông làm suốt không có thời gian ngơi nghỉ. Thêm một cây cầu từ thiện xây lên, thêm nhiều tấm lòng mạnh thường quân tìm đến, ai cũng muốn chung tay cùng ông dựng lên những cây cầu vững chãi cho người dân đi lại bớt khó khăn.

“Đến nay đã có 267 cây cầu được xây dựng với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Cây cầu nào mạnh thường quân hùn đủ thì thôi, chỗ nào còn thiếu thì tôi gom tiền nhà ra bù vào. Có đợt nhà không còn tiền, lúa thì chưa bán được, tôi phải đem sổ đỏ đi cắm ngân hàng, rồi lấy huê lợi ruộng lúa để trả lãi hàng tháng. Mình hứa với bà con rồi, không làm sao được” - giọng ông rổn rảng.

anh-nho.jpg
Thợ xây cầu thiện nguyện hối hả làm việc bất kể nắng mưa. Ảnh: Thanh Tiến.

Đội xây cầu đặc biệt của ông “Hai lúa”

Ông Nguyễn Văn Bé Hai sinh năm 1956, tính ra năm nay 68 tuổi và có 24 năm đi làm cầu từ thiện. Từ “Hai lúa” chỉ biết làm ruộng, vậy mà giờ ông thuộc vanh vách các thông số kỹ thuật để xây một cây cầu. Hỏi ông học ở đâu vậy? Ông bảo, làm miết rồi quen, vừa làm vừa học, nhưng phải bắt đầu từ cái buổi đầu tiên gõ cửa Sở Giao thông vận tải, xin gặp ông giám đốc để học cách xây một cây cầu.

“Tôi nhớ mãi hôm được lãnh đạo Sở tiếp, lúc đầu họ cũng bất ngờ, nghi ngại, sau thấy mình quyết tâm nên mấy anh chỉ dẫn rất tận tình, rồi đưa kỹ thuật xuống khảo sát, nghiên cứu, lên bản thiết kế mẫu, từ cầu 10 cho tới 22, 30m, cả một quyển bự lắm. Lần đầu tiếp xúc với bản vẽ, dự toán kinh phí, rồi móng trụ, dầm cầu, cả cách đo đạc lòng kênh, rạch tôi còn rất mơ hồ, nhưng cứ kiên trì. Riết giờ tôi thuộc rồi, cầu nào xây xong Sở cũng về giám định, đảm bảo đủ chất lượng mới đưa vào vận hành cho bà con đi lại” - ông cười khoe.

Mọi người thấy ông “Hai lúa” làm việc thiện, hết lòng vì cộng đồng nên cũng tìm đến phụ giúp. Đội thi công cầu từ vài người giờ nâng lên cả chục người với 4 kỹ sư. Hôm xây cây cầu ở ấp Mỹ Đông Nhì, tôi hỏi ông Bé Hai, trong số những người kia ai là kỹ sư? Ông bảo, anh em trong đội không phân biệt ai là kỹ sư, ai là thợ, hết việc của mình là cùng giúp nhau. “Cái anh đang xách vữa là kỹ sư đấy” - ông cười.

Có một kỷ niệm đặc biệt mà ông Bé Hai nhớ lắm. Đó là lần ông dẫn anh em lên Thủ Đức (TPHCM) làm cây cầu nối huyện Bình Chánh với Bình Phước. Lúc đầu theo dự toán là hết hơn 1 tỷ đồng, nhưng đội thi công cầu thiện nguyện của ông làm hết có 500 triệu đồng.

“Làm xong một số nhà tài trợ nói, ông Hai ơi, giúp dùm tôi hai cây cầu như vậy nghen? Tôi nói, chỉ giúp làm được cây cầu này thôi. Mấy ổng cười, không phải, tôi muốn ông về Đồng Tháp bắc thêm hai cây cầu như này cho bà con đi lại, tụi tui sẽ tài trợ” - ông Hai kể và bảo, tôi lời quá, xây 1 mà được thêm 2 cây lận.

Từ cây cầu nhỏ rộng 1,5m giờ đội cầu của ông Hai lúa xây những cây cầu có trọng tải lên tới 5 tấn, kinh phí cả tỷ đồng. Trong đó, cầu Ông Kiết là điển hình. Cây cầu dài 40m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn, kinh phí 1,1 tỷ đồng. Do cây cầu này lớn nên trước khi xây ông đã làm việc với chính quyền để tìm thêm nguồn hỗ trợ. Sau buổi làm việc, chính quyền địa phương quyết định hỗ trợ 50% kinh phí, số còn lại ông đi vận động các mạnh thường quân. Nghe tên ông Bé Hai từ lâu nên mỗi lần ông cất lời, chỉ một thời gian ngắn là đủ kinh phí xây cầu.

Cho đi là còn mãi

Ông Bé Hai kể, công việc thiện nguyện của ông rất được gia đình ủng hộ, nhất là cô con gái đang làm việc tại TPHCM. Ngày mới làm, chưa có nhiều người biết đến để ủng hộ nên ông thường tìm đến người thân trong nhà trước.

“Họ hàng tôi hiện đang định cư ở Úc rất ủng hộ, họ giúp rồi lại giới thiệu các nhà hảo tâm khác, toàn bà con kiều bào. Nó như nhịp cầu thiện nguyện vậy. Từ những nhịp cầu đó xây lên những nhịp cầu ngoài đời thực, bền chặt và vững tình đoàn kết” - ông Bé Hai phấn khởi.

Sở hữu vài chục công ruộng, con cái đều trưởng thành và kinh tế cũng ổn định nên tiền hoa lợi từ ruộng lúa ông Bé Hai dành phần lớn để làm từ thiện. Ông vẫn nói với các con rằng, tiền mình xài là hết nhưng cho đi là còn mãi. Những cây cầu được dựng xây không chỉ nhân lên niềm vui cho mọi người, mọi nhà mà còn mở ra nhiều cơ hội để địa phương phát triển, nông thôn mới ngày càng giàu đẹp hơn.

Về Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu hôm nay, dễ dàng bắt gặp những cây cầu do Đội thi công cầu Hai Lúa thực hiện. Những cây cầu gắn tên: Quân dân y, Đường Cày, Vườn Chanh, Ông Kiết…Và cứ hỏi tên Bé Hai, bà con lại hào hứng kể về ông với tình cảm vô cùng trìu mến. Người gọi ông là “Hai lúa”, người lại kêu “Ông Hai xây cầu từ thiện”...

Bà con kể, ngoài xây cầu, ông Bé Hai thích làm đủ chuyện giúp đời, giúp người. Thấy một con đường lầy lội, ông vận động mọi người hiến đất làm đường còn mình thì đi kiếm tiền đổ bê tông. Rồi ông lo xe cho hàng nghìn người ở Đồng Tháp lên TPHCM mổ mắt. Hay hùn tiền với các bếp ăn từ thiện lo cho người nghèo…

Ông Phạm Minh Tấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Châu Thành (Đồng Tháp):

Ông Bé Hai - người luôn hết lòng vì cộng đồng

“Ông Nguyễn Văn Bé Hai là người có tấm lòng nhân ái, luôn hết lòng vì cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây cầu giao thông nông thôn. Cùng với việc vận động các nhà hảo tâm xây cầu cho bà con, ông và một số người trong huyện đã thành lập đội xây cầu tự nguyện, trực tiếp tham gia xây dựng cầu. Việc làm của ông Bé Hai những năm qua đã hỗ trợ rất tích cực cho việc xây dựng giao thông nông thôn, góp phần nâng cao các tiêu chí nông thôn mới của huyện Châu Thành. Từ đó, tạo điều kiện cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn rất nhiều.

Ghi nhận những đóng góp của ông Bé Hai, huyện Châu Thành đã tặng nhiều giấy khen, bằng khen, MTTQ huyện cũng tổ chức tuyên dương đối với cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, cùng chung sức tham gia phát trển kinh tế - xã hội của địa phương.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những nhịp cầu nối tình đoàn kết – Bài 1: Chuyện ông “Hai lúa” xây gần 300 cây cầu từ thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO