Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã diễn ra nhiều phiên giao dịch việc làm. Trong đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ tuyển dụng chiếm 44%.
Đầu tháng 7, phiên giao dịch việc làm quận Tây Hồ được tổ chức với sự tham gia của 36 đơn vị, doanh nghiệp (DN), tổng số nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động, du học là 2.030 chỉ tiêu, nhu cầu tuyển sinh là 440 chỉ tiêu.
“Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các DN sẽ phù hợp với nhu cầu tìm việc của người dân, người lao động để tạo điều kiện cho những người chưa tìm kiếm được việc làm lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương” - đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.
Tương tự, tại phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm cũng có nhu cầu tuyển 1.430 chỉ tiêu việc làm. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học chiếm tỷ lệ 46,5%; nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật 23,9%; nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông 29,6%.
Các đơn vị tuyển dụng đưa ra các mức thu nhập phù hợp với vị trí việc làm và kỹ năng của người lao động, trong đó các chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng trở lên chiếm gần 16%; các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng chiếm hơn 20%; các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng chiếm hơn 41%. Còn các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng chiếm gần 22% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng.
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, việc tuyển dụng lao động những tháng cuối năm trên địa bàn Thủ đô là khá tích cực, tập trung chủ yếu vào các vị trí: nhân viên kinh doanh - bán hàng, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may, nhân viên dịch vụ nhà hàng khách sạn, nhân viên du lịch lữ hành… Trong đó, nhiều khả năng, số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, như dịch vụ du lịch và lữ hành, bán buôn và bán lẻ, vận tải, kho bãi.
Với TPHCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động nhận định, thị trường lao động đang dần phục hồi. 6 tháng cuối năm cần 155.000 - 165.000 chỗ làm việc, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu, trong đó lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 64,5% tổng nhu cầu nhân lực; công nghiệp xây dựng 34,6%; nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,41%.
Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, thị trường lao động quý II ghi nhận nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất, là: thông tin và truyền thông; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy. Các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là kế toán, nhân viên hành chính - văn phòng, kỹ sư IT, dịch vụ khách hàng, quảng cáo, marketing.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo triển vọng thị trường lao động quý III/2023 tăng 267.000 người so với quý II. Trong đó, dự báo 3 ngành có nhu cầu tăng việc làm là dịch vụ ăn uống tăng 114.000 người; bán buôn (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) tăng 105 nghìn người; sản xuất thiết bị điện tăng 69,7 nghìn người. Trong khi đó, 3 ngành lại có nhu cầu giảm nhiều việc làm là may mặc phục giảm 123.000 người; nông nghiệp và hoạt động dịch vụ giảm 78.000 người; Bán lẻ giảm 32.000 người.