Những núi than khổng lồ tại TX Kinh Môn (Hải Dương): Chính quyền địa phương có vô can?

Tâm Lê 26/08/2021 10:00

Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế kiểm tra phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Điều đáng nói, đa phần các bãi than ở đây hoạt động không phép nhưng vẫn tồn tại.

Những “núi than” không nguồn gốc

Sau 6 ngày kiểm tra với sự tham gia của nhiều lực lượng, đến tối ngày 24/8, lực lượng chức năng đã kiểm tra được 15/21 bãi than có dấu hiệu vi phạm và phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ tại một số bãi than ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương).

Các bãi than nằm cách nhau từ 5 - 7 km, giáp bờ sông nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển đường thủy, đường đi lại khó khăn, nằm ở xa khu dân cư. Hầu hết các bãi than nằm bên bờ sông đối diện bên kia sông là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Tại mỗi bãi than có nhiều doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức, cá nhân quản lý đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh.

Việc các bãi than không phép tồn tại trong một thời gian dài trên địa bàn thị xã Kinh Môn khiến dư luận vô cùng bức xúc. Thậm chí, có những trường hợp bị xử phạt số tiền lớn lên đến tiền tỷ nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài.

Điển hình, năm 2019, lực lượng chức năng của tỉnh Hải Dương đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý 88 trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến hoạt động bến bãi, hành lang an toàn đê điều, giao thông đường thủy và xử phạt tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Như Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng ở thị trấn Minh Tân, Công ty CP thương mại và xuất nhập khẩu Phú Sơn ở phường Hiệp An, Công ty CP Bảo Long ở xã Long Xuyên, Công ty CP Thương mại Vũ Anh ở xã Phạm Mệnh...

Cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ các bến bãi phải dừng hoạt động, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định. Tuy nhiên, các chủ bến bãi vẫn phớt lờ ý kiến của đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục hoạt động.

Anh Nguyễn Thanh Sơn - trú phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn cho biết: “Các bến bãi này đều hoạt động trong nhiều năm qua và hầu hết không có giấy phép. Quá trình sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng hạ tầng giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhưng không hiểu sao vẫn được hoạt động. Thi thoảng lại có đoàn công tác xuống kiểm tra nhưng việc đâu lại vào đó”.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, năm 2020, địa phương có tổng số 112 bến bãi đang hoạt động nhưng chỉ có hơn 10 điểm hoạt động có phép còn lại các vị trí khác là bến bãi tự phát và không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động hoặc chưa gia hạn hoạt động.

Các xã, phường có số lượng bến bãi hoạt động nhiều nhất gồm: Xã Minh Hòa (20 bến bãi), thị trấn Minh Tân (20 bến bãi), xã Phạm Mệnh (10 bến bãi), xã Duy Tân (10 bến bãi), xã Thái Thịnh (9 bến bãi), phường Hiệp Sơn (6 bến bãi)…

Người dân khốn khổ vì hoạt động của các bãi than không phép.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Việc nhiều “núi than khổng lồ” tồn tại trong một thời gian dài bất chấp phản ứng bức xúc của dư luận khiến người dân đặt dấu hỏi: Liệu hoạt động của các bãi than ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương) có thế lực nào “bảo kê” hay chính quyền địa phương còn lơ là trong quản lý?

Trong một lần trả lời báo chí từ tháng 3/2020, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn đã xác nhận có tình trạng nhiều bến bãi không phép đang hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm, địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Theo bà Liễu, việc xử lý vi phạm của các bến bãi thuộc chức năng của Hạt Quản lý đê điều thị xã Kinh Môn.

Trong khi đó, đại diện Hạt Quản lý đê điều thị xã Kinh Môn và Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Hải Dương lại có quan điểm khác hẳn.

Theo ông Đỗ Tiến Bậc - lúc đó là Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương và nay là Chi Cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hải Dương: “Việc xử lý của các cấp chính quyền địa phương chưa tích cực, kiên quyết theo quy định, nhiệm vụ được giao. Việc tham gia kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của lực lượng công an các cấp theo quy định của pháp luật và luật đê điều còn chưa nhiều”.

Trước đó, ngày 8/11/2019, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chỉ thị nêu rõ: “Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc để xảy ra vi phạm và kết quả xử lý các vụ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn”.

Tuy nhiên đến nay, rất nhiều bến bãi không phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung và thị xã Kinh Môn nói riêng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Trong ngày 25/8, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã liên lạc với bà Sái Thị Yến - Bí thư Thành uỷ Kinh Môn, bà Nguyễn Thị Liễu - Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn và lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương để làm rõ về trách nhiệm trong việc quản lý dẫn đến tình trạng các bến bãi, trong đó có hoạt động của các bãi than không phép ở thị xã Kinh Môn nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về công tác xử lý của tỉnh Hải Dương, thị xã Kinh Môn về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những núi than khổng lồ tại TX Kinh Môn (Hải Dương): Chính quyền địa phương có vô can?