Những phận người trong ‘bão Covid-19’

Dạ Yến - Vũ Mạnh 04/10/2021 06:20

Nằm sâu ở các ngõ, ngách trên địa bàn phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, trong mỗi phòng trọ chật hẹp là những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn đang phải oằn mình trước những cơn “ bão” bệnh và “bão” dịch. Không chỉ lo nỗi lo bệnh tật, người bệnh còn phải chật vật xoay xở miếng ăn hàng ngày. “Cơn bão” Covid-19 ập đến càng khiến họ lao đao, mắc kẹt giữa những cơn đau và nỗi lo cơm áo…

Báo Đại Đoàn Kết trao quà cho những người khó khăn trên địa bàn phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

“Xóm trọ tử thần”

Những “xóm trọ ung thư”, hay còn được gọi một cái tên khác là “xóm trọ tử thần” nằm trên địa bàn phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội tồn tại nhiều năm nay bởi những người khi đến nơi này trú ngụ đều đã mang trên mình “án tử” ung thư.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã dẫn đầu đoàn công tác của chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” tìm vào những xóm trọ, đối diện với Bệnh viện K Tân Triều. Buổi chiều chạng vạng, con ngõ nhỏ, hun hút, im lìm như càng chất chứa biết bao nỗi niềm thân phận của những người đang mắc kẹt giữa “cơn bão”.

Đối diện với chúng tôi là cô bé Bùi Thúy Hằng, 16 tuổi, đến từ huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ bị mắc bệnh ung thư xương từ năm 2019. Hằng tiếp chuyện bằng đôi mắt buồn thăm thẳm. Khó có thể hình dung hết nỗi buồn của một cô bé 16 tuổi, ngưỡng tuổi đẹp như trăng rằm lại phải gánh chịu quá nhiều đau đớn. Bởi vì, sau 7 đợt điều trị hóa chất, do không hợp thuốc nên các bác sĩ đã phải đưa ra quyết định cắt bỏ đi một chân trái của Hằng.

Sau khi phẫu thuật, Hằng phải tiếp tục điều trị thêm 7 đợt hóa chất nữa. Trong đợt điều trị mới đây, do thay đổi phác đồ điều trị nên em bị sốc thuốc và phải nằm điều trị 11 ngày… Mệt mỏi là vậy nhưng Hằng vẫn nén đau để tranh thủ học online hoặc ôn lại bài để mong sớm có ngày trở lại trường với các bạn. Cô bé chỉ hào hứng khi nói với chúng tôi về ước mơ có được một đôi chân khoẻ mạnh…

Ước mơ của cô bé như càng đè nén thêm nỗi xót xa của bố mình - anh Bùi Thanh Hòa, vốn là một người đàn ông mạnh mẽ, lạc quan nhưng khi nhắc tới số phận của cô con gái đầu lòng thì không thể chịu đựng thêm được nữa, những giọt nước mắt cứ trào ra, thương con đến quặn thắt tim gan …

Trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đầy 10 m2, anh Bùi Thanh Hòa gạt đi nước mắt để giúp con gái tháo chiếc chân giả chuẩn bị tắm rửa, vệ sinh cá nhân.

Con mang trọng bệnh trong khi kinh tế gia đình cũng không mấy dư dả khiến vợ chồng anh càng thêm lo lắng. Cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng là nguồn thu nhập chính và tiền công từ việc anh Hòa đi làm phụ hồ.

Hai bố con em Bùi Thúy Hằng. Hàng ngày, Hằng phải điều trị ung thư xương tại Bệnh viện K Tân Triều.

Để chữa bệnh cho con, gần 3 năm qua vợ chồng anh Hòa phải vay mượn khắp nơi từ anh em họ hàng đến thế chấp vay ngân hàng. Theo lịch hẹn, cứ mỗi đợt phải điều trị, anh lại khăn gói đi xe máy đưa con lên Hà Nội. Nhưng số phận cũng chẳng mỉm cười với bố con anh…

Theo anh Hòa, mỗi đợt điều trị, ngoài số tiền được bảo hiểm chi trả, gia đình cũng phải lo số tiền 5 triệu đồng để thuốc thang điều trị cho con. Đó còn chưa kể tiền thuê trọ, ăn uống trong những ngày điều trị cũng ngót nghét 5 triệu đồng.

Anh Hòa cho biết, cứ mỗi đợt điều trị xong bố con anh lại về quê, nhưng từ cuối tháng 7 khi đợt dịch thứ 4 bùng phát hai bố con phải ở lại khu nhà trọ. Sau hơn 3 tháng, toàn bộ tiền tích cóp mang theo đã cạn kiệt dần, trong khi con gái lại bắt đầu chuẩn bị vào đợt điều trị mới khiến anh càng thêm lo lắng bất an. Mong ước lớn nhất của anh là trong lúc khó khăn sẽ có những tấm lòng nhân ái tiếp sức cho gia đình để chữa trị cho con và giúp cô bé có thể viết tiếp những giấc mơ còn dang dở.

Cùng rơi vào hoàn cảnh như bố con anh Hòa, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xuân ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã mắc kẹt gần 1 năm ở khu nhà trọ do tình hình dịch bệnh.

Gần 1 năm bám trụ để chữa bệnh ung thư vú đã khiến gia đình chị Xuân ngày càng lâm vào cảnh khốn cùng. Mặc dù đã được bảo hiểm chi trả nhưng chi phí cho mỗi lần điều trị khoảng 10 triệu đồng. Rồi tiền thuê trọ, tiền ăn của hai vợ chồng dù tằn tiện chi tiêu mỗi tháng cũng ngốn hết 5-6 triệu đồng. Cuộc sống của vợ chồng chị càng khó hơn, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chồng chị không có việc làm, chính bởi vậy cuộc sống của anh chị đã khó khăn lại càng thêm túng quẫn.

Đón nhận món quà từ Báo Đại Đoàn Kết, chị Xuân nghẹn ngào chia sẻ, từ khi bắt đầu ra Hà Nội chữa trị, do tình hình dịch bệnh và điều kiện kinh tế khó khăn nên hai vợ chồng cũng chưa thể trở về nhà. Đến giờ hai đứa con nhỏ ở quê nhà vẫn phải gửi nhờ hàng xóm trông nom hộ. Bây giờ hai vợ chồng chị chỉ mong sao có thể chữa khỏi bệnh, để sớm được về nhà với các con.

Hai mẹ con Nguyễn Việt Anh (quê ở Tuyên Quang) tại phòng trọ.

Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái

Theo chị Lê Thị Nhẫn - chủ một nhà trọ của tổ dân phố 14 phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, chỉ trong mấy con ngõ đối diện với Bệnh viện K Tân Triều có đến 600 người (bệnh nhân ung thư và người nhà) vẫn còn mắc kẹt lại từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Mỗi người bệnh là một số phận. Nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, không chỉ lo nỗi lo bệnh tật, còn phải chật vật xoay xở miếng ăn hằng ngày. Cơn bão Covid-19 ập đến càng khiến họ lao đao, mắc kẹt giữa những cơn đau và nỗi lo cơm áo…

Từng là một bệnh nhân nên chị Nhẫn thấu hiểu nỗi khổ cực của những người mắc bệnh ung thư. Chính bởi vậy, trong khi dịch bệnh bùng phát cùng với việc miễn giảm tiền thuê trọ, tiền điện, tiền nước, chị Nhẫn còn không quản ngại vất vả kết nối đi xin tài trợ từ Thành đoàn Hà Nội, các nhóm thiện nguyện, kết nối với Bệnh viện K để xin hỗ trợ gạo, dầu ăn, nước mắm, sữa cho những người đang thuê trọ.

“Ở đây họ gọi tôi là “Nhẫn ăn xin”. Nhưng tôi xin cho người khó khăn cùng cực, dù ai nói gì tôi cũng không ngại” - chị Nhẫn bộc bạch.

Từ tháng 5 đến nay, chị Nhẫn đã kết nối xin hỗ trợ khoảng 10 tấn gạo cùng hàng nghìn chai dầu ăn, sữa, thịt hộp… để hỗ trợ cho các bệnh nhân trong xóm trọ. Chị Nhẫn cũng là một trong những thành viên cùng nhóm thiện nguyện Từ Tâm; Công an Phường Kiến Hưng phối hợp cùng Báo Đại Đoàn Kết trao gần 400 suất quà gồm gạo, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt đến với những bệnh nhân ung thư đang thuê trọ và 11 suất quà gồm gạo, nước mắm, dầu ăn, tiền mặt cho những người nghèo khó trên địa bàn phường Kiến Hưng.

Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết chuyển những túi quà đến điểm hỗ trợ. Ảnh: Quang Vinh.

Chị Vũ Hằng, Trưởng nhóm thiện nguyện Từ Tâm cho biết, ngay sau khi đón nhận được những phần quà đầy ý nghĩa của Báo Đại Đoàn Kết, nhiều người bệnh đã bật khóc và gửi lời cảm ơn tới chương trình.

“Đối với những bệnh nhân đang điều trị ung thư, thường ngày đã khổ sở vật lộn giành giật sự sống với tử thần thì trong đại dịch, nhất là khi thành phố giãn cách, họ lại càng khổ hơn. Chính bởi vậy những món quà từ chương trình đã tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống cho các bệnh nhân, cùng lan tỏa tinh thần yêu thương san sẻ trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này” - chị Hằng chia sẻ.

Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” đã đi được một đoạn đường. Và nói như nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, “trên hành trình ấy, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều mảnh đời éo le cần được giúp đỡ và càng thấy sự sẻ chia khó khăn cho những người yếu thế không phải là chuyện của tổ, nhóm nào, mà cần lan tỏa trong xã hội để làm sáng lên tinh thần tương thân tương ái: Người giàu chia sẻ với người nghèo, người khỏe mạnh giúp đỡ người bệnh tật”.

Đó là điều mà Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” hướng tới để có được sự tham gia, đồng hành ngày càng đông đảo của bạn đọc, nhà hảo tâm…

Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Toà soạn Báo Đại Đoàn Kết 66 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đường dây nóng tiếp nhận hiện vật: 0988185528. Tài khoản tiếp nhận: 112000132970, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- Chi nhánh TP Hà Nội. Chủ tài khoản: Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa và xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng

Thời gian qua Báo Đại Đoàn Kết làm những việc từ thiện, vì người dân đang gặp khó khăn, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng là việc làm đúng đắn, ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, tờ báo còn đi vào lòng dân bằng những việc làm thiện nguyện, nhân văn của mình, phù hợp với nhu cầu của cuộc sống, nhu cầu của người dân, phù hợp với chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.

Việc làm này lại càng đúng với tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận đã làm biết bao công việc có ích cho xã hội như thành lập và duy trì Quỹ “Vì người nghèo”, tiếp nhận các nguồn lực để cứu trợ thiên tai, dịch bệnh kịp thời... Bây giờ, Báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại đứng ra để làm thiện nguyện là một việc phù hợp với lòng dân.

Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội: Mang tinh thần của cán bộ Mặt trận để giúp dân

Trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người khó khăn đều rất đáng quý, đáng trân trọng. Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ bữa ăn cho người yếu thế, người vô gia cư, người lao động tự do mất việc làm… của Báo Đại Đoàn Kết là việc làm đầy tính nhân văn để người khó khăn được chăm chút thêm trong những bữa ăn.

Báo Đại Đoàn Kết cũng như Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã luôn mang sự tận tâm, nhiệt tình của người cán bộ Mặt trận để giúp đỡ người dân khó khăn bằng những hành động, việc làm thiện nguyện cụ thể của mình. Với tinh thần đó, người cán bộ Mặt trận cũng đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, hỗ trợ cho người khó khăn bị ảnh hưởng của dịch bệnh để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trung tá Hà Văn Sơn, Trưởng Công an phường Kiến Hưng - quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: Món quà ý nghĩa đến tay người thực sự cần

Hàng trăm suất quà mà chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” của Báo Đại Đoàn Kết dành tặng cho các bệnh nhân ung thư và người khó khăn thực sự có ý nghĩa và rất kịp thời.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, món quà nhiều hay ít không quan trọng mà điều lớn nhất là nó đã đến tận tay với những người đang thực sự cần nhất.

Đối với những bệnh nhân đang điều trị ung thư trong những ngày này, từng cân gạo, chai dầu ăn, hộp sữa đều đáng quý để họ trang trải trong sinh hoạt hàng ngày.

T.Hiếu - T.Phương - N. Phượng(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những phận người trong ‘bão Covid-19’