Hàng loạt quả đồi ở Đồng Nai đã bị “xẻ thịt” với lý do lấy nguồn vật liệu san lấp các công trình. Thế nhưng có ai nghĩ đến nguy cơ sạt lở và có thể đe dọa đến tính mạng của người dân từ việc khai thác này?
Dự án chống sạt lở lại gây sạt lở
Cuối tháng 3/2021, trận mưa lớn khiến hàng nghìn m3 đất đá một góc đồi thuộc dự án cấp bách xử lý sạt lở đất đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai tràn xuống mặt đường Quốc lộ 20 khiến giao thông tắc nghẽn hơn 5 giờ đồng hồ. Rất may, vụ sạt lở không gây hậu quả nghiêm trọng.
Hơn 2 năm sau ngày xảy ra sự cố, nhiều người dân ở xã Phú Sơn đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng vì chứng kiến một công trình chống sạt lở nhưng lại... gây sạt lở.
Ông N.Q.T. (trú ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn) cho biết, bản thân ông và nhiều người dân đã lường trước được kịch bản về sạt lở. “Không ai đi làm công trình chống sạt lở mà “múc bay” cả quả đồi như thế. Người ta làm chống sạt lở là phải làm taluy theo dạng bậc thang. Chống sạt lở mà taluy dốc như vách núi dựng đứng thì mưa xuống làm sao không sạt lở cho được” - ông T. nói.
Ngay sau khi nhận được phản ánh từ báo chí và dư luận, tháng 2/2021 cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã có cuộc kiểm tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm ở dự án này.
Cụ thể, biện pháp thi công của nhà thầu chưa thực hiện theo thiết kế được duyệt như đào mái thẳng đứng, chưa bạt mái taluy, tạo cơ theo thiết kế mà lại đào sâu vào chân đồi; chưa cắm mốc theo thiết kế được duyệt; thi công giai đoạn 3 trước giai đoạn 1, 2; chưa có bảng công khai công trình tại khu vực thi công... Mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý, cảnh báo nhưng đơn vị thi công vẫn chậm khắc phục.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Đồi Bình Minh thuộc xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) – một trong những khu vực được cải tạo đất thu hồi vật liệu san lấp phục vụ dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cũng đang ở tình thế tương tự. Chỉ khác ở chỗ, huyện Xuân Lộc đã chủ động hơn trong khâu xử lý khi phát hiện những nguy cơ sạt lở hiện hữu ở quả đồi này.
UBND huyện Xuân Lộc đã kiểm tra, giám sát phương án hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tại khu vực đồi Bình Minh phát hiện có một số vi phạm. Theo đó, liên danh công ty Vinaconex – Trung Chính đã cải tạo, thu hồi vật liệu san lấp với độ dốc (taluy) thẳng đứng không đảm bảo theo phương án đã được phê duyệt. Đồng thời, UBND huyện Xuân Lộc nhận được phản ánh của người dân xã Suối Cát về việc đơn vị thi công khai thác, vận chuyển bán đất san lấp ra ngoài khu vực dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
Theo lãnh đạo UBND huyện Xuân Lộc, nhận thấy việc cải tạo đất của đơn vị thi công không đúng phương án, hình thành địa hình dốc thẳng đứng có độ cao khoảng 30m gây mất an toàn, nguy cơ sạt lở, nhất là trong những ngày mưa lớn trong thời gian tới rất cao, UBND huyện Xuân Lộc đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai đình chỉ việc cải tạo đất thu hồi vật liệu san lấp, ngừng ngay việc tác động vào khu vực taluy để tránh sạt lở; có phương án bảo đảm an toàn trong quá trình cải tạo (liên danh Vinaconex – Trung Chính, đơn vị thi công chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra việc sạt lở, xảy ra mất an toàn trong quá trình thực hiện); quá trình xử lý phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia; đồng thời di chuyển ngay trang thiết bị, người lao động ra khỏi khu vực nguy hiểm; cắm biển cảnh báo nguy hiểm...
Lãnh đạo huyện Xuân Lộc cũng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) đánh giá lại toàn bộ công tác cải tạo, thu hồi vật liệu san lấp theo phương án, tính an toàn và khối lượng, các loại thuế, phí để tránh thất thoát ngân sách.
Cũng theo UBND huyện Xuân Lộc, địa phương này đã giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với phòng TNMT, Phòng NNPTNT, UBND xã Suối Cát tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc thực hiện hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp nâng cao hiệu quả cây trồng, có kết hợp thu hồi vật liệu san lấp chỉ để phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tại đồi Bình Minh (xã Suối Cát) của liên danh Vinaconex – Trung Chính, đơn vị thi công; kịp thời phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm (nếu có) đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật...
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết: “Địa phương nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay các phương án phòng ngừa để không xảy ra sự cố sạt lở taluy như ở tỉnh Lâm Đồng mới đây. An toàn của người dân là trên hết”.
Ngày 18/7, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có mặt tại khu vực đồi Bình Minh để tiếp tục ghi nhận tình hình khắc phục những sai sót mà cơ quan chức năng Đồng Nai đã chỉ ra. Theo ghi nhận, các máy múc đã ngừng hoạt động, chỉ còn vài xe ở khu vực bên dưới đang thực hiện san gạt.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Ban điều hành liên danh Vinaconex – Trung Chính cho biết, đơn vị đang tập trung vừa khai thác nguồn vật liệu để thực hiện các hạng mục còn lại của cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, vừa triển khai các phương án phòng, chống sạt lở.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn một số quả đồi “chạy” đứng trước nguy cơ sạt lở khi đang vào cao điểm mùa mưa. Cơ quan chức năng, các địa phương cần vào cuộc, thực hiện kiểm tra đánh giá các nguy cơ an toàn để tránh rơi vào tình thế “mất bò mới lo làm chuồng”.