Lúc 17h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), tiếng chuông chào đón Năm mới vang lên ở đảo Tonga, đảo Christmas của CH Kiribati và Tây Samoa và sau đó 1 giờ, New Zealand cũng chính thức bước sang Năm mới 2024.
Khép lại những lo âu và khó khăn của năm 2023, người dân trên thế giới đã lần lượt chính thức đón chào Năm mới, với hy vọng vào những tốt đẹp hơn trong năm 2024.
Do sự chênh lệch múi giờ trên Trái Đất, lễ đón Năm mới sẽ không diễn ra cùng lúc ở mọi nơi trên toàn thế giới.
Vào lúc 17h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), tiếng chuông chào đón Năm mới đã vang lên ở đảo Tonga, đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati và Tây Samoa.
Sau đó một giờ, New Zealand cũng chính thức bước sang Năm mới 2024 với màn bắn pháo hoa rực rỡ tại Tháp Sky.
Tại Australia, các thành phố phía Đông gồm Melbourne, Sydney và Canberra sẽ là những nơi đón năm 2024 đầu tiên ở nước này.
Tại Sydney, vốn được mệnh danh là "thủ đô giao thừa của thế giới" với bữa "tiệc pháo hoa" mãn nhãn, ước tính khoảng hơn 1 triệu người có mặt tại bến cảng Circular Quay để chiêm ngưỡng pháo hoa đêm Giao thừa, bất chấp thời tiết cực đoan.
Dự kiến 8 tấn pháo hoa sẽ thắp sáng bầu trời thành phố lúc giao thừa (theo giờ địa phương).
Các nước châu Á đón Năm mới trước Việt Nam lần lượt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Timor Leste...
Việt Nam sẽ đón mừng Năm mới cùng lúc với Thái Lan, Indonesia, Campuchia.
Do vị trí địa lý, vùng đất đón Năm mới muộn nhất trên thế giới sẽ là đảo Baker và Howland – hai hòn đảo hẻo lánh ngoài khơi nước Mỹ.
Sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân các nước giờ đây đã có thể thoái mái cùng người thân và bạn bè tụ tập tại các quảng trường, trung tâm thành phố để chào đón Năm mới.
Tại Mỹ, để đảm bảo an ninh, một số thành phố lớn đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo người dân chào đón Năm mới 2024 trong an toàn.
Ngoài chương trình pháo hoa và đếm ngược vào thời khắc giao thừa, người dân Mỹ đang háo hức chờ đợi những màn biểu diễn văn nghệ trước đêm giao thừa, trong đó, được chờ đợi hơn cả là màn biểu diễn của siêu sao nhạc rap LL Cool J.