Nếu như các phương tiện xe cơ giới thông thường có thể thực hiện kiểm định tại tất cả trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc thì đối với xe điện bốn bánh chở người được hoạt động tại địa phương nào sẽ do các Đơn vị đăng kiểm ở cùng địa phương xe hoạt động kiểm tra lưu hành.
Bộ GTVT vừa ban hành Văn bản hợp nhất số 25/VBHN-BGTVT hợp nhất các thông tư của Bộ GTVT (Thông tư số 86/2014, Thông tư số 42/2018, Thông tư số 26/2020) quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.
Trong đó, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ được định nghĩa là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả chỗ ngồi của người lái).
Hiện nay, phương tiện phổ biến nhất theo định nghĩa này đang hoạt động tại Việt Nam là xe điện 4 bánh chở khách hoạt động tại các khu du lịch, tham quan, danh thắng hoặc tuyến phố du lịch.
Điều kiện để xe điện 4 bánh chở người hoạt động nói riêng, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ nói chung, khi hoạt động phải có đăng ký, đăng kiểm và được UBND cấp tỉnh chấp thuận khu vực hoạt động. Do vậy, so với quy định về đăng kiểm xe cơ giới thông thường, quy định về đăng kiểm xe điện 4 bánh chở người có một số khác biệt.
Cụ thể, nếu như phương tiện xe cơ giới thông thường có thể thực hiện kiểm định tại tất cả trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc thì đối với xe điện 4 bánh chở người được hoạt động tại địa phương nào sẽ do các Đơn vị đăng kiểm ở cùng địa phương xe hoạt động kiểm tra lưu hành. Dữ liệu kiểm tra lưu hành sẽ được lưu trữ tại Đơn vị đăng kiểm và trên Cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đồng thời, khi đăng kiểm lần đầu phương tiện để lưu hành, chủ phương tiện phải nộp các giấy tờ: Văn bản đề nghị kiểm tra (trường hợp không đưa được xe đến trung tâm đăng kiểm); bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
Đặc biệt, khi kiểm định để lưu hành xe, phải xuất trình các giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký xe (bản chính hoặc bản sao giấy đăng ký có xác nhận của ngân hàng đang giữ bản chính, xác nhận của cơ quan cho thuê tài chính đang giữ bản chính); giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự; văn bản chấp thuận của cơ quan địa phương có thẩm quyền về khu vực cho phép xe hoạt động.
Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận lưu hành, trường hợp kiểm tra lần đầu: 18 tháng đối với xe mới, chưa qua sử dụng đến 2 năm, kể từ năm sản xuất; 12 tháng đối với các trường hợp còn lại (kể cả xe không xác định được năm sản xuất). Các lần kiểm tra tiếp theo có thời hạn 12 tháng/lần.
Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng kiểm lưu hành không vượt quá thời hạn của giấy đăng ký xe.
Khi phát hiện hồ sơ do chủ xe cung cấp bị làm giả, sửa chữa, tẩy xóa hoặc Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành đã cấp không phù hợp với xe đã kiểm tra, các đơn vị đăng kiểm phải thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành đã cấp (nếu còn hiệu lực).