Lúc đầu, văn hóa dân gian chỉ là văn học, sau đó văn học phát triển lên, nhưng người ta thấy nếu như chỉ văn học, chỉ nghệ thuật ngôn từ không sẽ không thể khám phá ra cái giá trị của văn hóa dân gian được thì lúc đó văn học đã chuyển sang nghiên cứu về văn hóa dân gian và trong văn hóa dân gian đã rất gần với Nhân học, giữa văn hóa dân gian và nghiên cứu cái thời cổ truyền với Dân tộc học, Nhân học thì nó tương đồng với nhau.
TS Trần Hữu Sơn.
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kếphỏng vấn TS Trần Hữu Sơn - Phó Chỉ tịch Hội VNDG Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:Đời sống văn hóa đương đại là dòng chảy luôn biến đổi. Còn văn hóa dân gian với các lễ hội mang tính tín ngưỡng là mạch nguồn linh hồn cho dòng chảy ấy thăng hoa tỏa sáng. Nhận xét đó thỏa đáng ở mức độ nào, thưa Tiến sĩ?
TS Trần Hữu Sơn: Văn hóa dân gian là “nguồn mạch”, thậm chí như các nhà văn nói là “linh hồn” của văn hóa, nhất là đối với nước ta là một nước nông nghiệp cho nên cái vai trò của văn hóa dân gian là cực kỳ quan trọng. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta bị các thế lực phương Bắc đô hộ nhưng nhờ có Văn hóa dân gian, văn hóa của làng, của xã nên chúng ta vẫn bảo tồn được văn hóa của người dân và văn hóa dân gian đã tỏa sáng, chống chọi được với văn hóa ngoại lai để ta vẫn là ta, người Việt vẫn là người Việt
Nước Việt ẩn tàng “nguồn”lễ hội khắp các vùng miền, đặc biệt các lễ hội tín ngưỡng bản địa tồn sinh cả ngàn năm, hiện tại các lễ hội dạng thức này đang “chuyển đổi sắc màu” quá xa với “ tone màu gốc”. Phải chăng sự bùng nhùng giữa tín ngưỡng và mê tín, vô tình chúng ta đã tự “xẻo thịt” mình bằng “cách cấm và bỏ”. Theo ông xảy ra rắc rối này là do chủ nhân lễ hội ăn xổi, do cấp quản lý nông nổi và một số nhà báo yếu kém? Chúng ta phải làm gì để khôi phục bảng màu lễ hội cho đúng sắc màu “nguyên thủy”?
Lễ hội cũng như mọi sinh hoạt văn hóa ở đất nước nông nghiệp chuyển đổi cơ chế tạo ra lễ hội cũng có sự biến đổi. Lễ hội cũng như các sinh hoạt văn hóa ở đó cũng như một dòng sông. Dòng sông luôn luôn chảy chứ không dừng lại và lễ hội cũng vậy. Biến đổi đến mức thái quá hay biến đổi dưới tác động mạnh mẽ của các cơ chế khác sẽ có nhiều yếu tố làm hỏng văn hóa dân gian, nhất là những yếu tố chủ quan tác động đến.
Chúng ta đã biết rất nhiều lễ hội của chúng ta, trong lễ hội thì cộng đồng tự tổ chức thì rất hay, rất nhiều những tín ngưỡng như tự dưng lại có bàn tay của cán bộ văn hóa ở đấy và UBND xã đứng ra làm chủ trì lễ hội đó và ghi rõ là UBND xã A, xã B… tổ chức lễ hội xuống đồng, thế là toàn bộ lễ hội xuống đồng, lễ hội Gầu Tào…, lễ hội cổ truyền của người dân trở thành như một cuộc biểu diễn văn nghệ. Lúc đó chỉ có biểu diễn văn nghệ và phần nghi lễ diễn ra rất chóng vánh và đặc biệt hơn nữa là “cái hồn” của lễ hội - chất thiêng của lễ hội tạo nên sức hút cho tất cả đã bị giải thiêng và người dân đến hội không còn cảm thấy náo nức nữa, người dân đến hội không còn thấy niềm vui là “mình không đi hội không được” và người dân đến hội như là đi xem một cuộc trình diễn văn nghệ, xem biểu diễn các tiết mục nghệ thuật.v.v… thế là người dân không được chủ động tham gia lễ hội mà quan trọng nhất đối với lễ hội là sự tham gia của cộng đồng, cộng đồng bị gạt sang một bên, cộng đồng được làm thay hoặc cộng đồng bị coi nhẹ. Lúc đó thì tất cả mọi điều hành đều do chính quyền thì tôi nghĩ rằng quan niệm đó và cái mô hình “Nhà nước hóa lễ hội” như thế không ổn.
Có nhà khoa học thì lại đề nghị là hãy trả lại lễ hội cho dân. Như thế liệu có đúng không? Nghe thoáng qua thì rất là đúng. Thế nhưng nếu vào thực tiễn thì nảy sinh vấn đề. Vì lễ hội bây giờ đang tồn tại trong một xã hội phát triển rất mạnh. Lễ hội đó không phải là lễ hội của làng quê ngày xưa ở dưới sân đình với vài trăm người nữa mà lễ hội bây giờ là hàng vạn người đổ về, thì lúc đó quy mô cũng nới rộng, không gian cũng lớn, thời gian cũng dài. Thế thì lúc đó, lễ hội buộc phải có ban tổ chức, chứ nếu không có ban tổ chức thì chỉ riêng một việc như ngộ độc thực phẩm, vấn đề chặt chém trong lễ hội, dịch vụ trông giữ xe bùng lên, coi đây như là một dịp kiếm tiền nên thả cửa, bắt chẹt du khách.
Vì thế mà lễ hội tuy là của người dân nhưng khi đã phát triển như thế thì phải có Ban Tổ chức và phải có Chính quyền tham gia, nhưng cái quan trọng là Chính quyền phải định hướng và chỉ đứng ra làm đến đâu, còn người dân được phân công đến đâu chứ không phải cái gì chính quyền cũng làm hết. Chính quyền có thể đứng ra chỉ đạo, đứng ra kiểm tra, giám sát việc an toàn thực phẩm, đứng ra kiểm tra việc bảo vệ an ninh trật tự, đứng ra kiểm tra các cơ chế bảo vệ để chống những tệ nạn tiêu cực trong xã hội nhưng Chính quyền không thể làm thay người dân vác kiệu, Chính quyền không thể phân ông A, bà B rước kiệu như thế nào, và Chính quyền cũng không thể đứng ra chỉ đạo chỉ có ông A, bà B được hát ở đây ra sao.v.v… Tất cả cái đấy phải là do cộng đồng, do người dân đứng ra tổ chức. Người dân đứng ra tổ chức thì dù là một người vác kiệu, dù là một người cầm cờ thì cả cộng đồng người ta chọn rất kỹ, người ta phải luyện tập và người ta cảm thấy niềm tự hào của người ta, người ta cảm thấy đi lễ hội đó là đáp ứng nhu cầu cho người ta về cái thiêng. Vì thế mà lễ hội phải cần có sự tham gia của Nhà nước quản lý nhưng đồng thời cũng có yếu tố quyết định là của người dân vì người dân mới chính là chủ thể của lễ hội.
Từ những quan điểm như thế thì chúng ta sẽ thấy rất nhiều lễ hội bị cho là phản cảm. Ví dụ như lễ hội chém lợn, lễ hội đập đầu trâu, lễ hội treo trâu… ai cũng cho là phản cảm. Thế nhưng khi chúng tôi nghiên cứu thì không phải như thế vì đấy là lễ hiến sinh, cũng như lễ đâm trâu, mọi người bảo “Ui! Đâm trâu dã man quá!” Không phải như thế. Người Tây Nguyên coi con trâu khác như không phải người ta coi con trâu như ở Đông bằng Bắc bộ là đầu cơ nghiệp; còn người Tây Nguyên coi con trâu chỉ là con vật hiến sinh. Hoặc như con lợn được chém cũng thế thôi, con lợn được chém đấy là con lợn hiến sinh mà chỉ có làng đấy, tục hèm của làng đấy thì người ta phải chém con lợn và con lợn đấy dưới mắt của cộng đồng đấy là con vật hiến sinh chứ không phải dưới con mắt của chúng ta là những người ngoài nhìn vào kêu ầm lên “dã man quá” vì lễ hội đấy là lễ hội của làng chứ không phải là lễ hội của những người khác đến quay phim chụp ảnh đưa lên facebook, đưa lên các nơi khác quảng cáo là chúng tôi như thế này là dã man. Đó là xâm phạm vào tài nguyên của người dân, thậm chí là xâm phạm vào quyền sở hữu của người dân. Khi có mạng xã hội như thế mà anh tự dưng anh đến, anh quay, anh không hỏi ý kiến cộng đồng, anh đưa lên mạng xã hội, như thế là không được, như thế là vi phạm. Vì thế, chúng ta không thể coi việc như thế là dã man, như thế là phản cảm.
Chúng ta hãy trở lại thế nào là hiến sinh? Chúng ta trở lại với rất nhiều minh chứng trong xã hội. Nhìn ra thế giới, như lễ hội đấu bò tót ở Tây Ba Nha, người ta tính ra hàng năm đều có những trận đấu bò dữ dội khiến cho rất nhiều người bị thương, thậm chí nhiều người chết, tại sao xứ sở văn minh thế, người ta vẫn tổ chức. Trong khi chúng ta tổ chức trọi trâu ở Đồ Sơn chỉ do sơ sẩy, thế là bảo phải cấm vì trọi trâu dã man thì tôi thấy đấy là quan điểm của người ngoài cuộc, quan điểm của người ở nơi xa nhìn về cộng đồng chứ không phải là quan điểm của cộng đồng, mà bây giờ trong văn hóa là phải tôn trọng cộng đồng, phải đề cao cộng đồng, phải nhìn với cái nhìn của cộng đồng. Và như thế không có nghĩa đấy là dã man vì đấm bốc (boxing) kia có dã man không? Quá dã man chứ! Máu me đầm đìa mặt mũi, thậm chí chết ngay tại sân đấu, thế tại sao cả thế giới tổ chức? Tại sao Hội Bảo vệ động vật không yêu quý người mà lên án đi mà ông cứ đến nước tôi ông kêu? Tại sao ông không về nước ông kêu đi. Cho nên trong văn hóa, chúng ta phải công nhận sự đa dạng văn hóa chứ không phải công nhận sự độc quyền văn hóa, cứ phải nhìn theo ánh mắt của một người xa lạ để bắt một cộng đồng khác, bắt một nơi khác phải làm theo ý mình. Quan niệm ấy cũ rồi, quan điểm ấy càng xa nữa.
Thưa, thời sinh viên ông học chuyên về dân tộc học và với thời gian ông thành danh ở lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian một cách đầy đủ nhất. Câu nói: Nghề chọn người, chứ người mấy khi được chọn nghề, với ông có ý nghĩa nào không?
Chúng tôi học Dân tộc học, năm 1974 tôi vào học Đại học ở khoa sử trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia) thì nghe môn Dân tộc học đại cương và đặc biệt là môn Vô thần do giáo sư Đặng Nghiêm Vạn trình bày, ai cũng thấy thích, riêng tôi, tôi cảm thấy mình phải đi đến những vùng quê, lên miền xa xôi để nghiên cứu thì tự dưng trong các bài giảng ấy như thắp cho mình ngọn lửa và niềm tin, tự dưng mà mình yêu nghề và Trường Đại học Tổng hợp của chúng tôi khi đó là năm nào cũng được đi thực tập: Năm thứ nhất được đi thực tập về khảo cổ. Năm thứ hai thì đi thực tập về dân tộc học. Chúng tôi được đi thực tập về dân tộc học thầy Hoàng Hoa Toàn dẫn đi và chúng tôi thấy là rất nhiều những phong tục hay, những điểm thiết thân với cuộc sống, những nét độc đáo trong văn hóa và bao trùm tất cả là cái sự nhân văn. Ngọn nguồn văn hóa sống động như thế, trong sáng như thế và vì thế mà chúng tôi đi theo con đường Dân tộc học.
Năm tôi học Cao học, có một lớp về Văn hóa dân gian do Giáo sư Tô Ngọc Thanh tổ chức ở Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, sau đó tôi lại học Nghiên cứu sinh chuyên ngành dân tộc học và năm 1995 tôi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học, cho nên thực sự là tôi học về Dân tộc học nhưng giữa Dân tộc học và Văn hóa dân gian có sự giao thoa với nhau và như một số Nhà khoa học nói là giữa Nhân học, Dân tộc học với Văn hóa dân gian nhiều điểm tương đồng, trùng khớp với nhau, khó có thể phân biệt được và chúng ta sẽ trở lại lịch sử của Văn hóa dân gian sẽ như vậy.
Lúc đầu, văn hóa dân gian chỉ là văn học, sau đó văn học phát triển lên, nhưng người ta thấy nếu như chỉ văn học, chỉ nghệ thuật ngôn từ không sẽ không thể khám phá ra cái giá trị của văn hóa dân gian được thì lúc đó văn học đã chuyển sang nghiên cứu về văn hóa dân gian và trong văn hóa dân gian đã rất gần với Nhân học, giữa văn hóa dân gian và nghiên cứu cái thời cổ truyền với Dân tộc học, Nhân học thì nó tương đồng với nhau. Chính sự tương đồng đó dẫn đến thực trạng là khó phân biệt được giữa thế nào là làm Nhân học, thế nào là làm văn hóa dân gian. Có nhà khoa học nổi tiếng là Giáo sư Đinh Gia Khánh có đưa ra là tiếp cận văn hóa cổ truyền dưới góc độ thẩm mĩ và ông ấy coi tất cả những gì có giá trị thẩm mĩ là văn hóa dân gian, nó khác với Nhân học là không như thế. Và quan điểm của Giáo sư Đinh Gia Khánh suốt mấy chục năm được nhiều người công nhận như thế; nhưng như thế chỉ là văn nghệ dân gian, tức là văn học và nghệ thuật dân gian chứ không phải văn hóa vì thành tố của văn hóa bao trùm, nó rộng hơn rất nhiều. Chúng ta thử xem một ngành, ví dụ như ngành tri thức dân gian, những cái ứng dụng trong cuộc sống rất nhiều: tri thức bảo vệ môi trường, tri thức phòng chống thiên tai, tri thức phòng chống lụt bão, tri thức về chăm sóc sức khỏe người dân.v.v… liệu đấy có phải là văn hóa dân gian không? Tôi tin chắc ai cũng công nhận đấy là văn hóa dân gian nhưng tiếp cận dưới góc độ thẩm mĩ là gì? Chắc là không có, không có vẻ đẹp gì trong này mà tính khoa học nổi bật lên, góc độ đó chính là góc độ khoa học. Vì thế mà Giáo sư Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh đặc trưng của tiếp cận văn hóa dân gian là tính thẩm mĩ nhưng tiếp cận qua biểu tượng. Trong văn hóa dân gian khác với ngành khác, tương đồng với họ, đấy là tính biểu tượng thì quả thật đây là một phát hiện nhưng chúng tôi nghĩ rằng nó vẫn còn ranh giới mờ, có rất nhiều yếu tố của Nhân học cũng tiếp cận biểu tượng, có cả một ngành nhân học biểu tượng. Cho nên phân biệt giữa văn hóa dân gian và Nhân học là quả thật khó. Thế nhưng thôi, chưa cần phải phân biệt đối tượng ghê gớm quá.
Có phải những thành tựu nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý khi ông tòng sự Giám đốc Sở Văn hóa Lao Cai là lí do người ta tín nhiệm giao ông chức Phó chủ tịch Hội VNDG VN hiện nay? Sự “biến đổi sắc màu” từ quản lý Nhà nước sang hoạt động Hội chuyên ngành có giúp ông đạt nhiều thành tựu nghiên cứu hơn không?
Như tôi đã trình bày, tôi đến với Văn hóa dân gian là từ Dân tộc học và tôi rất yêu thích văn hóa dân gian. Tôi được kết nạp từ năm 1996, tức là sau Đại hội hồi sinh của văn hóa dân gian, tức là tôi thuộc thế hệ sau tôi vào nhưng mọi người tín nhiệm chắc là do họ đọc các công trình nghiên cứu của tôi.
Thứ hai nữa là các giáo sư lãnh đạo Hội Văn nghệ dân gian như Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng quý mến chúng tôi và khuyến khích chúng tôi đi theo con đường của Văn hóa dân gian. Cả hai Giáo sư đều là Thầy dạy của tôi. Giáo sư Tô Ngọc Thanh là Thầy dạy tôi Cao học; còn Giáo sư Trần Quốc Vượng là Thầy dạy Đại học và dạy Nghiên cứu sinh và chính các ông đã dìu dắt chúng tôi từ người yêu nghiên cứu Dân tộc học, yêu mến môn Dân tộc học, Nhân học trở thành nghiên cứu Văn hóa dân gian, trong đó chúng tôi đắm mình vào Văn hóa dân gian, đã sưu tầm được một số công trình về Văn hóa dân gian và đã xuất bản chứ thực ra Hội viên có tín nhiệm tôi chắc không phải vì ông ấy làm Giám đốc Sở mà trước hết là vì ông ấy là nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian.
Việc thứ hai nữa là từ lĩnh vực quản lý Nhà nước ở bên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển sang làm nghiên cứu lãnh đạo Hội thì tôi thấy cũng có một khoảng trống, mặc dù suốt từ năm 2010 đến năm 2015 thì tôi cũng đều là Giám đốc Sở kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian. Hai lĩnh vực, hai cách quản lý khác nhau nhưng đều bổ trợ cho nhau và trong quản lý Hội Văn nghệ dân gian thì vai trò của quản lý cũng rất quan trọng thế nhưng cũng chính thời gian này, khi mà tôi sang làm Phó Chủ tịch chuyên trách từ năm 2015 thì tôi cũng có thời gian đi học, tức là mình tự học mình. Mình về dưới kinh đô này rồi, tức là đã như từ ao làng bơi đến biển rồi thì mình được học hành bài bản hơn. Tất cả các lớp tập huấn, bồi dưỡng, chúng tôi cũng đều đến học và tôi nghiệm ra rằng tất cả những gì mà ta đã viết từ trước chưa ổn, chưa đạt, có thể có thành tựu này thành tựu khác nhưng có lẽ là phải làm lại, phải viết lại, phải chuyên sâu vào chứ không thể viết như thế được nữa vì trước là chúng ta viết là cứ miêu thuật dải mành mành ra còn bây giờ là phải viết mang tính chất chuyên khảo và cần phải vận dụng các lý thuyết mới để nghiên cứu chứ không phải là nghiên cứu mù mờ không cần lý thuyết.
Sự ràng buộc giữa văn hóa dân gian và văn học viết bằng sợi dây “ngũ sắc” là đời sống, xưa thì phải nhắc đến Truyện Kiều, Truyền kỳ mạn lục…Còn hiện nay ông có thể điểm một vài tác phẩm văn học viết đương đại có biểu hiện rõ nhất sắc màu ràng buộc của sợi dây màu nhiệm ấy?
Câu hỏi rất hay, nhưng sự so sánh như thế thì tôi cũng e ngại vì so sánh một số sáng tác cho đến bây giờ với truyện Kiều, với những tác phẩm bất hủ như thế thì tôi không dám so sánh. Vả lại, trong mấy chục năm nay, tôi cũng ít đọc, sau thời kỳ nở rộ của văn xuôi thời kỳ đổi mới, ví dụ như “Mùa lá rụng trong vườn”, ví dụ như “Thời xa vắng” của Lê Lựu hoặc là “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường.v.v… thì văn xuôi tôi có cảm giác nó chững đi; trong thơ cũng đang trong quá trình tìm tòi. Nói như Nhà phê bình Nguyễn Hòa là “văn học đang đi ngang”, thế còn tôi thì tôi chưa dám, nhưng tôi có cảm giác như trong những năm gần đây cả văn học, cả điện ảnh và nhiều lĩnh vực khác đều như chưa vượt được thời kỳ đầu đổi mới. Để mà nhận xét có tác phẩm như thế tôi thấy là chưa có. Có nhiều tác phẩm xuất hiện cũng xuất sắc, người ta ca ngợi cái chất dân gian trong Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh – một cụ già gần 80 tuổi mà ra được tác phẩm như vậy chắc ai cũng kính nể thế nhưng để so sánh như truyện Kiều thì tôi thấy sự so sánh đấy là bất cập, khó có thể được nhưng để có tác phẩm có thể đạt được thì tôi đánh giá cao nhiều tác phẩm khác.
Chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: Huy Hoàng.
Câu chuyện tranh chấp bản quyền trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian thường xuyên xảy chỗ này, nơi kia, cấp độ khác nhau. Ví như cùng một “tích” ấy, thì người trước kẻ sau đều cùng đi sưu tầm, điền giã, cùng viết khảo cứu. Chẳng lẽ “tôi” đã nghiên cứu rồi thì “ông” không được nghiên cứu, sưu tầm nữa. Công trình đó, bình thường thì không sao, sau khi xuất bản hoặc được trao giải hay tài trợ là sinh chuyện kiện tụng. Hội VNDG đã dự liệu giải quyết “nan đề” này ra sao?
Chuyện đạo văn, chuyện đã sưu tầm rồi xong lại sưu tầm lại rồi nó cứ na ná nhau thì chuyện đó là không thể tránh khỏi. Nhất là lĩnh vực văn nghệ dân gian. Các công trình nghiên cứu khoa học như thế cũng đã được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng ở đây chúng ta lưu ý một điều là không phải nghiên cứu văn hóa dân gian là nghiên cứu một vùng rồi, một người khác đến nghiên cứu lại đưa ra những kết quả khác giống nhau, tôi hoàn toàn không đồng ý như thế. Trong hội chúng tôi khi tranh luận về vấn đề này, nhiều người bảo là không nên viết về địa chí văn hóa làng vì làng nào chả giống làng nào nhưng tôi thì tôi vẫn giữ riêng một ý kiến là không phải như thế. Vì rằng cũng là làng nhưng làng ở ven sông khác làng ở trong đồng, làng đồng chiêm trũng khác với làng ở đồng cao, làng có sườn núi, có suối chắc chắn khác với làng có nhiều đầm lầy.v.v…
Tất cả môi trường đó quy định cho cách ứng xử của người dân, văn hóa của người dân khác hẳn, cho nên ta có thể tự tin sưu tầm vào một làng nhưng nếu ta biết sưu tầm thì cũng khác nhau. Đấy là chưa kể khác nhau nữa là cùng một đề tài nhưng tôi có hướng tiếp cận khác, anh kia tiếp cận khác và trong phương pháp sưu tầm tôi sử dụng nhiều kết quả của định lượng, anh kia sử dụng nhiều kết quả của định tính.v.v… hoặc những kết quả khác tổng hợp lại thì ta ra một kết quả sản phẩm khác nhau chứ không phải là cứ giống nhau. Vì thế ta đừng ngại rằng sưu tầm một vấn đề a, vấn đề b là người ta dễ trùng nhau.
Tất nhiên trong nghiên cứu khoa học là tránh những đề tài trùng nhau nhưng nếu người có bản lĩnh, người có nghiên cứu sâu, nếu người trang bị kiến thức tốt không sợ sự trùng nhau đó mà chúng ta bằng những kiến thức của mình, chúng ta sẽ nghiên cứu những vấn đề tưởng là giống nhau đó trở thành khác nhau và lúc đó gặt hái được thành công tôi nghĩ cũng là rất quý. Một vấn đề nữa là việc đạo văn cũng đã xảy ra ở Hội chúng tôi. Ví như ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, qua thẩm định có người đã chép của người khác đến mấy trăm trang. Hội Văn nghệ dân gian VN không chỉ xử lý một mà đến vài ba vụ việc tương tự là người này đi chép công trình của người kia (tôi miễn nói tên), Hội đã có hình thức kỷ luật là xóa tên hội viên đó.
Ông có lo ngại, cuộc sống biến đổi sắc màu phương thức giao tiếp, khi trẻ em mẫu giáo học hát bằng tiếng Anh thay cho ê a đồng dao thì các “tích” lế hội tín ngưỡng có bị mai một “tính thiêng” thêm nữa không ? Và hiện tại, ông có an lòng với những gì mình có, có nhu cầu cần thay đổi công việc, hay chuyển dịch hướng nghiên cứu của mình nữa hay không?
Tôi là người lạc quan. Tôi tin vào sự tương thích, hợp dung với mọi hoàn cảnh của người Việt, đặc biệt là Văn hóa dân gian Việt với sức bền mấy ngàn năm của nó. Nếu đã mai một,thì chúng ta đã bị mai một từ xưa xa rồi. Khi chúng ta còn yếu kém, mông muội. Nhưng thời đại đã khác, chẳng dễ gì cho những kẻ hung tợn,cậy lớn xác hại ta. Văn hóa dân gian chính là nguồn năng lượng vô biên. Sức mạnh mềm của người Việt. Văn hóa dân gian là linh hồn của Văn hóa đương đại. Đã là Linh hồn của văn hóa, dù khoác cái áo bên ngoài thì bản chất của linh hồn vẫn tồn sinh nguyên vẹn. Cho nên lúc nào còn nhân dân thì vẫn còn văn hóa dân gian. Và bây giờ chúng ta thấy văn hóa dân gian ở nhiều nơi không còn cả cấu trúc thực thể toàn bộ nữa nhưng nó vẫn còn điểm sáng của văn hóa dân gian. Ví dụ như văn hóa dân gian ở trên mạng, Văn hóa dân gian ở đô thị, Văn hóa dân gian khu công nghiệp.v.v… mặc dù nó chỉ là những mảnh vỡ chứ không còn là nguyên vẹn hệ thống cấu trúc như trong xã hội nông nghiệp xưa. Đừng nghĩ là cách mạng 4.0 tức là hết Văn hóa dân gian, không phải như vậy. Trong đời sống càng phát triển như thế thì vai trò của Văn hóa dân gian vẫn còn tồn tại mà nó chỉ biến dạng mô hình này trở thành mô hình khác chứ nó không bao giờ mất đi.
Ở vào tuổi tôi hiện nay, có nhiều điều không thể an lòng. Nhưng phải an lòng thì mới làm việc, mới nghiên cứu ra tấm ra món được. Sự bằng lòng của con người là vô cùng, tôi cũng vậy, nên tôi luôn trân quí những gì mình hiện có: Công việc, gia đình, đồng nghiệp bạn bè trong cả nước, đi đến đâu cũng trông nhau cả cười. Vậy không sung sướng hay sao. Tại sao phải thay đổi khi tôi an yên nhỉ? Tôi sẽ cùng đồng nghiệp sẽ đi sâu vào nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng trong cuộc sống đương đại :Yếu tố nào của Văn hóa dân gian, yếu tố nào để giúp cho người dân phòng chống được thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại hoặc nghiên cứu về thể chế, định chế quản lý xã hội ra sao ở trong một xã hội hiện đại như thế nào. Nếp sống của người dân ra sao, từ nếp sống nông nghiệp chuyển vào nếp sống công nghiệp như thế nào, các khu tập thể ra sao? Rồi những vấn đề cái thiêng của lễ hội truyền thống ứng dụng vào lễ hội đương đại như thế nào để làm sao ta không giải thiêng nhưng đồng thời phát huy được giá trị của lễ hội để người ta đến lễ hội không phải như là lễ hội tivi – một chương trình biểu diễn văn nghệ và chương trình đó của tỉnh A cũng giống hệt tỉnh B, tỉnh C….vv và vv.