Những tương cùng mắm

LÊ MINH HÀ 12/04/2023 08:15

Hết chiến tranh đánh phá, từ nơi sơ tán về Hà Nội, chị em cái Hà thường phải đi chợ mua rau cho bữa chiều. Trẻ con nhà khác cũng thế. Thế nên đi chợ rất vui.

Cãi nhau cũng vui. Vì mua rau thì dễ thống nhất, mỗi đứa một quê để đi sơ tán, nhưng quê nào cũng gọi rau muống là rau muống, quả cà là quả cà, me là me, sấu là sấu... Rau cải rau dền có chia loại đặt tên kĩ càng hơn thì cũng vẫn dễ đồng thuận, từ dền tía tới dền lá liễu, từ cải canh qua cải củ, cải ngồng. Nhưng đến mấy hàng tôm cá thì khác.

Chả mấy đứa được mua tôm cá. Thế nên cả lũ hay đi cùng, vừa để xem, vừa để thừa dịp chỉ chỏ dạy dỗ nhau. Cá to cắt khúc bày sàng tươi rói thường lúc đông đông người lớn đi chợ mới thấy. Trẻ con chỉ được giao tí tiền còm cùng lời dặn dò rảo qua góc chợ bán cá xem có mớ tép đồng nào tươi tươi thì mua.

Tới đoạn này là cãi vã. Người bán, thường là mấy bà mấy bác nạ dòng, cũng có khi là trẻ con nhưng là trẻ con cứng rồi cũng cãi cùng. Không có trọng tài phân xử. Là bởi vì mỗi người có một cách gọi tôm tép khác nhau, tép tôm tôm tép loạn cào cào.

Cái Hà cứ gọi theo cách của bà nó. Còn bà nó thì gọi theo lối dân ở làng, cứ con nào có hình dạng cá bé tí hon thì là tép, ngược lại con nào có hình thù tôm thì tí hon thế tí hon nữa vẫn là tôm. Đòng đong, cân cấn, mài mại, săn sắt hay con cá cờ mỏng như cái lá tre được gia nhập đội ngũ tép, đổ lẫn vào nhau bán mớ, ra Hà Nội chẳng biết từ đâu lại có tên là tép dầu, mua về om dưa cho những bữa cơm chiều đông, ngon tụt lưỡi.

Còn ở nhà quê, chiều muộn, chạy lên cái chợ nhỏ toàn người làng họp ở đầu cầu gồm quán nước, hiệu may, quán hàng xén kiêm vàng hương và kẹo bột thường thấy đôi ba người đi đánh giậm mang thành quả ra đó, đổ thời cá ra phân loại nhỏ to. Đôi khi trong mớ tép còn lạc vào con mương nhớn thiểu não hay con rô ron đành hanh quẫy đành đạch ngoi lên trên những con tép hiền lành yếu ớt đã cam phận nằm trong rổ, nhưng mua hay bán thì tất cả vẫn đồng thuận theo giá tép, có nói thách thêm thì cũng gọi là.

Minh họa: Công Quốc Hà.

Lúc đó bà cháu cái Hà đã rời chuộn về làng. Trưa nắng hanh, bà nhìn sân vàng ươm ngô hàng xóm phơi nhờ, gần đó là cong tương đội cái nón rách mà chú Ba nhà ông Lúa rất mê, nhà đông người làm đến mấy cong nhưng toàn vác bát cơm nguội sang xin, bảo tương nhà Hà Nội ngọt hơn. Bà nhìn chú đưa cái muôi còn chút tương lên húp sụp một tiếng, buồn cười bảo tương nhà anh đổ chạt muối vào thì ngọt dậy làm sao được, lại hỏi ngày mai ngày kia có đi đánh giậm mà được tôm riu thì giữ cho bác nhớ. Nếu chú Ba không kiếm được, bà sẽ đi lên chợ đầu cầu. Thế là chị em cái Hà biết ít ngày nữa trời lạnh xuống bữa cơm sẽ không chỉ có tương chưng. Còn có mắm.

Mua được rổ tôm tép lép vế vì bé tí tị tì ti về, mang ra sông rửa đến lúc khoắng tay không thấy còn nước đục rồi, bà đặt cả rổ lên miếng lá chuối lót ở đầu hè, gọi bầy cháu ra giao việc. Rác rến còn sót nhặt ra. Từng con săn sắt, mài mại, đòng đong, cân cấn cũng được nhặt hết ra. Đấy là tép. Con tôm gạo tươi nguyên nhưng trắng đục chứ không trong mình như những con tôm khác, nhỉnh hơn đầu đũa tí cũng phải loại trừ.

Bà sẽ vớt nốt chỗ dưa đã quá chua để lấy vại muối dưa mới, ụp bát tép bị thanh trừng kia vào, ninh hai lửa ba lửa là hôm sau chị em cái Hà có món canh dưa bùi miệng rất đưa cơm. Chỉ đến khi cái rổ chỉ còn một loài màu au au đỏ dù chưa hề bị thử lửa thì việc của mấy chị em mới xong. Đấy là tôm, gọi là tôm riu. Hà ta thắc mắc một mình rất lâu nhưng không bao giờ dám hỏi bọn trẻ con, sợ chúng nó đã chòng mình rồ lại càng tin mình rồ, là tại sao chơi với nhau, cãi nhau, gọi nhau là đồ tép riu mà chưa thấy đứa nào bị gọi là tôm riu. Mặc dù tôm hay tép cũng chỉ là thứ được riu về, nói như ở làng cái Hà sơ tán là đánh giậm, kéo te kéo vó, nhưng tôm riu, qua bà nó bắt phân loại kĩ càng kia rõ là có vai vế hơn, nên không bị gọi là đồ nọ đồ kia chăng?

Cái vò nhỏ để trong xó bếp đã được rửa sạch, úp ngược trên bờ rào cho ráo nước rồi lại lật để ngửa cho nắng hanh soi rọi khô cong, Hà ta được bà cho phép xách vào để lên hè. Chén vại rượu trắng đã xin bên nhà ông Lúa. Gạo rang nếp tẻ lẫn lộn theo liều lượng chỉ mình bà biết cũng đã giã nhỏ biến, rây kĩ rồi, thế là xong mẻ thính.

Giờ là tới công đoạn tôm riu vào vò. Mấy chị em ngồi chầu hẫu xem bà làm mắm. Tôm riu, muối, thính. Thính, muối, tôm riu. Bà làm không như theo một thói quen mà như một nghi thức. Chị em cái Hà ngồi xem như thể bị hớp hồn, quên béng sự con gà mái già dẫn đàn con xông xáo chờ cơ hội tập kích vào sân ngô.

Nắng hừng hừng, ngô hừng hừng màu thu vừa chớm hanh hanh. Vò mắm đã xong, thút nút bằng một nùi lá chuối khô cuộn thật chặt ra đứng bên cạnh cong tương hóng nắng. Phải hôm giở giời, sợ mưa, bà lại bê vò mắm vào đặt gần bếp lửa. Chẳng biết có tới một tháng không, thời gian chờ đợi đó rất dài, chị em cái Hà lại háo hức xúm vào xem bà thử mắm. Nút lá chuối vừa được rút ra, trong nắng hanh đã sậm màu và đã lạnh hơn, một mùi thơm khó tả tỏa ra. Bà nghiêng cái vò, thò chiếc thìa vào khơi nhẹ. Thìa mắm dậy hồng, nhưng những con tôm riu bé nhỏ vẫn nguyên hình dạng.

Thế là bữa cơm mùa bão của bà cháu Hà có thêm món mắm. Bất chấp bao nhiêu lời giác ngộ sau này rằng đó là mắm tép, cái Hà, lúc đó đã là chị Hà, cô Hà, bác Hà và bây giờ là bà Hà vẫn một mực gọi đó là mắm tôm.

Món mắm của bà trong bữa chỉ có chính nó, chẳng đòi hỏi thêm gì, mà có lẽ cũng vì chẳng thể đòi hỏi. Chẳng thịt luộc, khế chua, chuối chát. Nên chị em cái Hà không được ăn mắm sống. Những ngày đến bữa mà trong nhà chẳng có gì ăn, bà sẽ nghiêng chai mỡ hơ lửa cho chảy ra để chưng mắm. Bát mắm chưng tằn tiện mỡ, với vài ba dọc hành, ăn trong những mùa thu mưa bão nối những ngày hanh nắng lao rao gió rải đồng, cùng với món tương chưng cũng chỉ có tí mỡ và mấy dọc hành, thơm suốt những đời người gập ghềnh từ tuổi bé.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tương cùng mắm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO