Trong vài năm trở lại đây, do mật độ xe quá khổ, quá tải di chuyển dày đặc trên 2 tuyến đê hồ Yên Thắng và hồ Yên Đồng đã khiến mặt đê tại đây bị cày xới, xuống cấp trầm trọng. Các giải pháp, biện pháp sửa chữa và hạn chế xe vượt trọng tải đã được đề ra và thực hiện, tuy nhiên, kết quả thu về chưa đạt được như mong muốn của người dân.
Yên Thắng và Yên Đồng là 2 hồ nước ngọt lớn nhất ở tỉnh Ninh Bình, thuộc địa phận 2 huyện Yên Mô và TP Tam Điệp. 2 hồ này có nhiệm vụ bảo vệ, tăng dung tích hồ chứa, trữ nước ngọt và cung cấp nước sản xuất cho hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều vị trí bê tông tại mặt đê ở 2 hồ nước ngọt này đang bị vỡ, nứt, lún, cứ trời mưa là đọng thành những hố nước lớn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Với tuyến đê hồ Yên Thắng, từ vị trí bắt đầu cho đến thôn Thượng Phường (xã Yên Thành) đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nơi xuất hiện các vết nứt kéo dài cả trăm mét và sâu từ 2-3cm. Theo quan sát, ở các điểm đầu, cuối tuyến đê cũng như tại các nút giao đều có biển báo tải trọng 8 tấn, thế nhưng, nhiều phương tiện vẫn cố tình chở quá tải và đi vào mặt đê.
Anh Lê Văn Tuấn - người dân sống ven đê cho biết, thực trạng đê xuống cấp là do yếu tố thời gian, cộng với xe quá tải thường xuyên chạy trên đây. Xe tải chạy qua đây thì rút ngắn được quãng đường nên họ bất chấp, vì thế mà ngày ngày, có hàng trăm phương tiện cỡ lớn chạy trên mặt đê. “Người dân cũng ý kiến nhiều lần, ngành chức năng cũng về sửa lại các đoạn bị hư hỏng, thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn là hiện trạng lại như cũ” - anh Tuấn nói.
Với tuyến đê Yên Đồng, hoàn cảnh cũng tương tự khi mặt đê bị hư hỏng trầm trọng, xuất hiện rất nhiều “ổ voi, ổ trâu”… tại nhiều vị trí. Mặc dù bề rộng mặt đê khá hẹp nhưng mỗi ngày đều phải “oằn mình” trước hàng chục tấn hàng của các xe tải chở vật liệu xây dựng, xi măng… Mỗi khi có mưa, tuyến đê úng ngập, vỡ ra từng mảng. Theo bà Nguyễn Thị Len - Chủ tịch UBND xã Yên Đồng, tuyến đê hồ Yên Đồng đã xuống cấp khoảng 2-3 năm nay. “Sau khi tiếp nhận ý kiến cử tri trong các cuộc họp, chúng tôi cũng mời các ban, ngành liên quan về làm việc để bàn hướng khắc phục. Tuy nhiên, việc sửa chữa như “muối bỏ bể” vì căn nguyên gây hư hỏng đê là xe quá tải thì không cấm triệt để được” - bà Len thông tin.
Theo lãnh đạo UBND huyện Yên Mô, việc 2 tuyến đê xuống cấp thì huyện cũng đã nắm được, nguyên nhân của việc này là do xe quá tải. Trước mắt, huyện Yên Mô chỉ đạo Công an thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời nghiên cứu, bố trí nguồn kinh phí để tu sửa các tuyến đê trong thời gian sớm nhất. Mùa mưa bão đã đến gần, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của huyện Yên Mô và tỉnh Ninh Bình cần sớm có giải pháp để tu sửa, đảm bảo an toàn tuyến đê cũng như 2 hồ chứa nước ngọt lớn nhất của tỉnh.