Đã gần nửa thế kỷ hoà bình và thống nhất đất nước, đã có nhiều thế hệ được sinh ra và lớn lên, nhưng mỗi lần tháng Tư về vẫn thấy một niềm xúc động trào dâng.
G. thân mến!
Tháng Tư luôn gợi một điều gì thương mến, tôi nghĩ là như vậy, trong lòng mỗi người Việt Nam. Đã gần nửa thế kỷ hoà bình và thống nhất đất nước, đã có nhiều thế hệ được sinh ra và lớn lên, nhưng mỗi lần tháng Tư về vẫn thấy một niềm xúc động trào dâng.
Ở Việt Nam sau nhiều ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, du lịch đang hồi sinh trở lại. Tôi thấy mọi người lại bắt đầu những chuyến đi, mà thực sự không phải nói để lên gân, đất nước mình có nhiều nơi đẹp quá.
Tôi bỗng nhớ con đường có lá me bay, lúc ngồi xích lô qua cổng chợ Đông Ba ở Huế, bác đạp xích lô đột nhiên cất tiếng hát: “Chợ Đông Ba nơi mình qua/ Lá me bay bay là đà/ Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngờ hôm qua...”. Tôi nghe nhiều ca sĩ hát rồi mà chưa bao giờ xúc động như buổi chiều cổng chợ Đông Ba, nghe người đàn ông đạp xích lô hát bằng tất cả tình yêu và niềm tự hào rất Huế.
Tôi bỗng nhớ một sáng nào đó ngồi cafe ở hồ Con Rùa, nhìn một góc Sài Gòn tĩnh lặng, trái ngược với những tấp nập khói xe kẹt đường. Sài Gòn là nơi tôi biết rất ít, hầu như không có kỷ niệm nào đáng kể. Nhưng thật kỳ lạ mỗi lần đặt chân đến vẫn tràn ngập yêu thương. Dịp tháng Tư này bỗng thấy nhớ quá, nỗi nhớ giản dị như chỉ là một món ăn, quán kem ở bến Bạch Đằng hay một quán nhậu bờ sông, nhìn lục bình trôi...
Có một hôm nào đó ở Côn Đảo, đứng ở Cầu Tàu 914 nhìn biển vời vợi xanh, không hình dung nổi ở mảnh đất đẹp đẽ nhường này, trong quá khứ đã từng đau thương đến thế nào. Cầu Tàu 914 không phải là điểm đầu tiên để đặt chân lên Côn Đảo, nó cũng không phải là địa danh cuối cùng để chào tạm biệt trước khi rời hòn đảo xinh đẹp này. Nhưng nó là điểm mốc cuối cùng để những người chiến sĩ cách mạng năm xưa rời khỏi nơi đây trở về với đất liền. Trong một ngày tháng Tư cách đây gần nửa thế kỷ, Cầu Tàu 914 là điểm đầu tiên tung bay cờ đỏ sao vàng.
Bây giờ ở nơi ấy là điểm check in lý tưởng cho một chuyến đi, để hình dung dưới chân mình máu xương đổ xuống là có thật. Côn Đảo hôm nay sạch và đẹp ngỡ ngàng, và hồn thiêng anh hùng liệt sĩ chắc vẫn ở đây, trong những đêm Hàng Dương không ngủ.
G. yêu quí!
Chúng mình là thế hệ sinh ra vào đúng năm 1975 lịch sử. Đó là quãng thời gian đủ dài đến nửa đời người, đủ trưởng thành, đủ già dặn để hiểu hơn về giá trị hoà bình, mỗi ngày bình yên hôm nay có giá không hề nhỏ, đổi bằng máu xương, nước mắt của nhiều thế hệ.
Tôi vừa ở Hội An trở về. Một vùng đất xinh đẹp lạ lùng như sinh ra đã gánh trọng trách làm di sản. Sống đời sống bình thường đã khó, gánh trọng trách một di sản mà vẫn phải thở, phải sống, phải mưu sinh, khó khăn gấp bội. Và rồi Hội An làm được, mang hồn di sản trong một đô thị mỗi ngày nhộn nhịp, tươi cười. Covid-19 làm Hội An vắng vẻ, nhưng cũng là may mắn khi đến Hội An dịp này. Ước ao Hội An rồi mỗi ngày chỉ nên vắng vẻ thế này, dù rất hiểu đó là 1 đô thị sống bằng du lịch và càng nhiều khách đến càng đáng vui mừng.
Tôi đi bộ đến mệt trên mỗi góc phố Hội, ngồi hàng giờ ngắm dòng sông Hoài Phố. Tôi uống những ly nước chanh xí muội thơm lừng giá chỉ 15 ngàn đồng và nhất định phải thử xem bánh đập là như nào. Tôi dán mắt vào những tấm biển và gọi thử để biết xoa xoa là món thạch rau câu... Tôi bỗng ước ao giá giờ này có G ở đây, bọn mình sẽ cùng ăn cao lầu và ăn món chè đậu ván giá 5 ngàn một cốc.
Tất cả, là lý do để nơi này luôn là nơi mình muốn quay trở lại. Cảm giác nhớ thương một vùng đất dù không có người quen ở đấy là có thật.
G. yêu quí!
Bao giờ hết dịch chúng ta sẽ cùng nhau đi du lịch trên mảnh đất quê nhà, những điểm đến gây thương nhớ!
Chào G nhé!
Hẹn thư sau!