Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có nhiều thay đổi để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản.
Về nội dung, đáng chú ý dự thảo cho phép ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023. Bao gồm: quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp); quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu từng đợt phát hành.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh khó khăn thanh khoản như hiện nay, việc ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết 31/12/2023 theo như ý kiến của một số doanh nghiệp (DN), có thể duy trì được nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính song chưa đáp ứng được điều kiện của Nghị định 65.
Với xếp hạng tín nhiệm, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh DN gặp khó khăn trong huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và sẽ tăng thêm chi phí phát hành của DN. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép ngưng thực hiện quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện quy định này.
Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn khuyến khích DN chủ động tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Đối với TPDN chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023.
Tương tự, quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu mỗi đợt từ 90 ngày xuống 30 ngày cũng được hoãn lại đến hết năm nay, với mục đích hỗ trợ DN có thêm thời gian cân đối, huy động các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ trả nợ.
Cùng với đó, một số điểm quan trọng khác được đề cập tại dự thảo lần này. Trong đó, đầu tiên, dự thảo quy định DN được thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác.
Cụ thể, với trái phiếu chào bán trong nước, trường hợp DN phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi theo phương án đã công bố thì DN có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Tuy nhiên, điều này phải trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc: Phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; Phải được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận; DN phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, cơ sở của quy định này là Điều 286 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định pháp luật liên quan đã cho phép DN có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Bộ Tài chính cũng đã trình Bộ Tư pháp thẩm định quy định này.
Thứ hai, dự thảo Nghị định cho phép DN phát hành được đàm phán để kéo dài kỳ hạn trái phiếu, thời hạn kéo dài tối đa không quá 2 năm so với phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư.
Đối với trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của TPDN thì DN phát hành có trách nhiệm đàm phán đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán thì DN phải trả đầy đủ cả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn và phải thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA) cho rằng, thanh khoản của thị trường TPDN đến từ niềm tin, niềm tin đến từ sự minh bạch của DN. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của nhà đầu tư cũng như của các thành phần tham gia thị trường về tính minh bạch của thông tin để có đánh giá đúng và xử lý thông tin một cách phù hợp. Tiếp đó, môi trường pháp lý và thực thi pháp lý phải công bằng, DN cần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, của các thành viên tham gia thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã kiến nghị với NHNN tập trung triển khai các biện pháp điều hành đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường TPDN đang gặp khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết, quan điểm nhất quán, xuyên suốt là phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường. Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kịp thời nhận diện, cảnh báo rủi ro và đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững.