Nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của dân tộc Khmer, Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức đoàn thăm hỏi một số hộ gia đình Khmer tại Phường 2 (TX. Vĩnh Châu).
Ông Thạch Đặng chăm sóc đàn bò của mình.
Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là địa bàn có đến 70,8% dân số là người dân tộc thiểu số (dân tộc Khmer chiếm 52,96%, dân tộc Hoa chiếm 17,82%). Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp thực hiện tốt công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, tình hình đời sống của đồng bào trên địa bàn thị xã cơ bản ổn định, tạo điều kiện cho đồng bào đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay chiếm 20,48% so với tổng số hộ trong toàn thị xã, trong đó dân tộc Khmer chiếm 26,16% so với tổng số hộ Khmer và dân tộc Hoa chiếm 11,59% so với tổng số hộ Hoa...
Nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của dân tộc Khmer, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức đoàn đến thăm hỏi một số hộ gia đình Khmer tại Phường 2 (TX. Vĩnh Châu).
Ghé thăm gia đình ông Thạch Đặng, khóm Cà Lăng B, là 1 trong 20 hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng từ mô hình “Nuôi bò sinh sản trong đồng bào dân tộc Khmer” giai đoạn 2016 - 2018 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện. Trong 20 triệu đồng được hỗ trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mua một con bò đực và trao trực tiếp cho gia đình ông trị giá 18 triệu đồng. Còn lại 2 triệu là trao tiền mặt để gia đình đầu tư làm chuồng bò. 19 hộ gia đình còn lại được trao con bò cái trị giá 17,5 triệu đồng và 2,5 triệu đồng tiền mặt.
Khi nhận được con bò đực từ chương trình, ông Đặng vay ngân hàng để mua thêm 3 con bò cái với tổng giá trị 48 triệu đồng. Qua hơn nửa năm chăn nuôi, những con bò cái của ông đã sinh sản được 3 con bê. Ông Đặng bán bớt 1 con bê với giá 8 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ việc bán bê, hộ gia đình ông còn có thu nhập từ việc cho bò đực đi phối giống. Theo quy định của chương trình, gia đình ông Đặng có trách nhiệm chăn nuôi con bò đực của chương trình và thực hiện phối giống miễn phí cho 19 con bò cái thuộc chương trình, còn những trường hợp khác, ông có thể thu tiền tăng thêm thu nhập.
Ông Đặng cho biết: “Khi chưa có bò, gia đình tôi sống chủ yếu nhờ 5 công đất trồng hành, củ cải trắng và làm nghề biển. Trồng trọt thì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nắng mưa thất thường. Nghề đi biển cũng vậy. Đời sống do vậy rất bấp bênh. Nhờ chương trình hỗ trợ này mà kinh tế gia đình tôi giờ được ổn định dần. Nhờ có sự giúp sức của Nhà nước và bản thân mình quyết chí thú làm ăn nên giờ đã thoát nghèo".
Chị Thạch Thị Khem Ra đang cuốn gỏi cuốn và trò chuyện với đoàn thăm viếng.
Rời khóm Cà Lăng B, chúng tôi đến khóm Cà Lăng A Biển để thăm nhà chị Thạch Thị Khem Ra. Trước thềm Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền năm nay, niềm vui của gia đình chị Khem Ra như được nhân lên gấp bội bởi gia đình chị vừa hoàn thành xây dựng ngôi nhà khá khang trang với tổng trị giá đến 84 triệu đồng trong đó có 10 triệu đồng vay được theo Quyết định 74 và 25 triệu đồng vay từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Chị Khem Ra bộc bạch: Vợ chồng tôi không có đất canh tác nên trước nay sống chủ yếu nhờ làm thuê, làm mướn. Ai thuê gì cũng làm, mỗi ngày công hiện nay cũng được chừng 110.000 đồng. Ngoài ra, tôi cũng làm một số thứ bánh như: bánh bò, da lợn, tai yến, gỏi cuốn… để đi bán dạo. Mỗi ngày như vậy cũng lời được chừng 150.000 đến 200.000 đồng. 9 năm qua, 2 vợ chồng cố gắng dành dụm, cộng với được Nhà nước hỗ trợ cho vay thêm mới xây được căn nhà như bây giờ chứ trước đây ở nhà lá cũng xuống cấp lắm rồi”.
Bà Sơn Thị Non phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết.
Cách đó không xa, ở khóm Vĩnh An, một hộ gia đình chính sách cũng có niềm vui được vào nhà mới trước thềm tết Chôl Chnăm Thmây như gia đình chị Khem Ra, đó là gia đình chính sách của cụ ông Thạch Hai và cụ bà Sơn Thị Non.
Tháng 2/2017, gia đình ông Hai được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết. Gia đình góp thêm 15 triệu đồng, ông Hai và con trai, con dâu tự bỏ công ra xây dựng và phụ hồ nên chỉ trong 28 ngày, căn nhà đã hoàn thành và khá khang trang. Bà Non bày tỏ: “Gia đình tôi nghèo lắm, khổ lắm. Hồi trước nhà dột nát hết rồi, nhiều khi mưa không có chỗ ngủ. Giờ xây được căn nhà như vậy, tôi mừng lắm”.
Chúng tôi cũng như được vui lây với niềm vui của đồng bào Khmer TX. Vĩnh Châu trước thềm Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền, vì giờ đây, bà con được chăm lo về đời sống và tạo điều kiện để vươn lên thoát nghèo bền vững. Hy vọng rằng với sự chí thú làm ăn của mình, sẽ ngày càng có nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.